Những năm đầu tiên đặt chân vào Sài Gòn, cô giáo đi xe đạp. Khi ấy, mơ ước lớn nhất của cô là có honda để vi vu cho sướng.
Vài năm tiếp theo đi làm ở quá xa (từ Khu chế xuất Tân Thuận Quận 7, qua đường Nguyễn Thái Bình Quận Tân Bình) cô phải đi xe bus. Đi 2 chuyến Nhà Bè – Chợ Bến Thành, rồi chuyển qua Chợ Bến Thành – Củ Chi, xuống trạm nhà thờ Đắc Lộ rồi đi bộ tới chỗ làm.
Có 2 kỷ niệm làm cô nhớ nhất. Đó là một (cơ số) lần vì mệt quá ngủ gục trên xe bus cho tới khi bị đuổi xuống ở trạm cuối cùng (Bến xe Củ Chi), lại mất tiền bắt xe quay ngược lại; và một (cơ số) lần hết tiền đi bộ từ Triển lãm Hoàng Văn Thụ về bên Quận 7.
Sau vài năm phấn đấu, cô giáo cũng được chạy honda như chúng bạn. Đó là chiếc… wave cũ nát được papa nhường lại. Khi ấy, cô hạnh phúc vô bờ.
Lại vài năm sau nữa, trong một đợt cuối năm lãnh tiền thưởng Tết hơn trăm củ, cô đã lần đầu tiên mua được cho bản thân mình một chiếc xe ga SYM. Cô lại bốc thăm được bảng số 4849 siêu đẹp trai, nên cô vi vu suốt.
Rồi nhiều nhiều năm sau nữa, cô có xe hơi. Được tặng.
Nhưng đó cũng là lúc cô bắt đầu thấy chán những thứ thiên về vật chất. Cô lại quay về đi xe honda cũ (trừ những lúc bị ép phải đi xe hơi để gặp khách hàng, đối tác).
Rồi từ việc chán xe hơi, cô chuyển qua chán luôn xe xịn. Cô nhường xe SYM cho người khác, rồi đi mua xe Kymco của Đài Loan về chạy. Một phần cũng do bà Đỗ Hương quả quyết với cô rằng, xe này không nổi tiếng nhưng tốt lắm.
Cô thương con xe Kymco của cô vô hạn. Vì nhờ có nó, mà cô hiểu, rồi thấm thía người đời trọng hình thức đến thế nào.
4 năm chạy Kymco, là hơn 1000 ngày, có hàng trăm lần cô bị các anh soái ca trông xe “mắt tròn mắt dẹt” hỏi han rồi cười đểu cái nhãn hiệu xe khi ghi vé.
Rồi Grab ra đời. Cô “hạ cấp” thêm lần nữa rong ruổi trên mọi nẻo đường với các bạn xe ôm.
Và cách đây vài bữa, cô đã quyết định bán xe. Chính thức thành người vô sản. Là vì cô nghĩ, mình đi dạy suốt chẳng mấy khi có mặt ở nhà; xe để không cũng mau xuống máy, lại tốn tiền mang gửi thật vô lý quá.
Nếu tiết trời khô ráo, và cần gấp, cô sẽ gọi grabbike. Công chuyện không gấp, mà quãng đường dưới 10km thì cô đi bộ.
Dạo này “Singapore thu nhỏ” mưa nắng thất thường, nên cô hay sử dụng grabshare. Vừa tiết kiệm, lại giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị (cái này giống grabcar nhưng chấp nhận đi chung cùng người khác).
14 năm ở Sài Gòn, từ trắng tay trở về tay trắng. Nhưng cô gọi đó là chỉ dấu của thành công.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long
[…] đó, người ta đề cao giá trị đồng tiền và tôn sùng vật chất. Nhưng đó đâu phải đích đến cuối cùng trong cuộc sống […]