Please log in or register to do it.

Nếu đi ra phía bắc, nhất định bạn phải một lần ghé đến Hà Giang.

Nếu đến Hà Giang, đừng quên thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp ở Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.

Nếu đã chinh phục Mã Pì Lèng, không thể không một lần xuôi dòng Nho Quế, bơi thuyền trên dải lụa xanh giữa hùng vĩ đất trời, để thấy mình nhỏ bé thế nào ở khe Tu Sản.

Nhưng tiếc là, chẳng có nhiều người, nhiều bài review nói với bạn một điều: để xuống được bến thuyền, bạn sẽ phải lội bộ trên sườn núi khoảng 3000 bước. Tức là, cũng từng đó bước để leo lên.

Cảnh báo này không nhắm tới các vận động viên hay những bạn có thói quen trekking chuyên nghiệp. Nhưng mình biết, khoảng cách tầm 4km (6000 bậc thang) cả leo lên và leo xuống, sẽ khiến nhiều bạn quen ngồi máy lạnh thấy nản lòng.

Thực tế, dù có thói quen đi bộ gần chục cây số mỗi ngày, tôi cũng thấy không ổn trên đường leo xuống. Vì cứ đi một đoạn, lại thấy một nhóm bạn tây leo hướng ngược lên, le lưỡi lắc đầu ngán ngẩm, miệng thở dốc và người mềm nhũn ra như sắp xỉu. Trong khi, bạn nào bạn đó tướng to con như hộ pháp.

“Anh ơi, xíu nữa lên mình có đường khác để đi không ạ?” – bạn đi cùng mình lo lắng hỏi hướng dẫn viên.

Câu trả lời tất nhiên là không. Nên tôi phải trấn an ngay:

“Em cố gắng xuống dưới (vì đi xuống cũng khá mệt) rồi tận hưởng phong cảnh thiên nhiên đi. Không phải lo gì hết. Chút nữa trở lên, anh sẽ bầy cách cho em leo không tốn sức một chút nào”.

Và cách của tôi là 50×50 cực kỳ đơn giản thế này: cứ leo lên được 50 bậc thì dừng lại, đếm từ 1 đến 50, xong rồi… leo tiếp!

Đầu tiên, tôi giải thích cho bạn ấy hiểu:

Sức của em sẽ leo được 50 bậc rất nhẹ nhàng, không thấy mệt; nhưng đừng cố, vì đó là cái bẫy.

Em có thể ngay lập tức leo được 2-300 bậc mới mỏi chân, nhưng sau khi nghỉ giải lao, thì em thấy nản và cảm giác đoạn đường còn lại là một cực hình.

Sau đó càng đi lên, mức chịu đựng của em càng ngắn lại, toàn thân em có cảm giác rã rời và thở dốc. Càng thở dốc em càng nhanh mệt, đầu óc choáng váng và thấy quãng đường hình như mỗi lúc một xa hơn, trời thì tối sập xuống và có thể em sẽ bỏ cuộc không thể leo tới trên kia được.

Nhưng nếu đi theo cách của anh, thì ngay từ bước chân đầu tiên em đã biết chắc một điều rồi em sẽ về tới đích. Tất nhiên là mất thời gian hơn cách đi hùng hục của mấy bạn tây kia rất nhiều lần. Em leo xuống hết hai chục phút, nhưng leo lên theo cách anh nói có thể mất 1 giờ. Mà cũng có thể mất đến 2 giờ cũng được, vì mình đâu có vội, đúng không? Quan trọng là mình không mệt. Anh hứa với em là em sẽ không mệt một chút nào.

Công tác làm tư tưởng đã xong, cho bạn leo trước, tôi ở phía sau “yểm trợ”. Cứ nhẩm đếm trong đầu được đúng 50 bậc tôi hô “Stop, nghỉ nào” rồi mang điện thoại ra bấm giờ cực kỳ chuyên nghiệp. Tới giây thứ 50 tôi lại hô “leo tiếp em ơi”.

Làm được khoảng 6-7 lần gì đó thì bạn bắt đầu manh nha phá vỡ luật chơi, tôi phải hô “Stop” mấy lần khi đếm đủ 50 bậc.

Thế nên sau đó, tôi chuyển lên leo trước để khắc phục việc này. Tôi bảo “em không thấy mệt cũng chỉ được leo đúng 50 bước, phải dừng lại khi cơ thể vẫn thấy bình thường, khoẻ mạnh; nếu em cố lên một chút mà chạm đúng ngưỡng-bắt-đầu-mệt thì sẽ rất khó phục hồi lại trạng thái ban đầu. Mình không vội, cứ vừa đi vừa ngắm cảnh, có sao đâu”.

Khi leo được 2/3 quãng đường, và đúng là không mệt một chút nào, thì bạn bắt đầu sốt ruột: anh ơi, khoảng bao nhiêu lâu nữa thì mình tới đích?

“Leo thêm 12 bậc nữa thì mình tới đích”.

“Ý em hỏi là lên đến trên cùng ấy”.

“Đích của em là leo đủ 50 bậc. Đừng quan tâm đến điểm trên cùng”.

Cho đến khi gần tới “đích cuối cùng”, trời nhá nhem tối nhưng vẫn đủ để nhìn thấy trên cao một chút là con đường nhựa quen thuộc, có mấy mái nhà nhỏ nhỏ. Dù có chút thấm mệt – tôi đoán vậy – bạn bỗng trở nên sung hẳn:

“Đi thẳng lên kia luôn đi anh, em thấy xe của mình rồi”.

“Cứ đủ 50 bước thì mình dừng nghỉ mệt nha em” – tôi vẫn rất lạnh lùng và nguyên tắc.

“Anh mệt hả? Em thì không mệt, em leo lên luôn được mà anh cứ yên tâm”.

“Tới đây rồi thì anh đã rất yên tâm. Nhưng mục tiêu của mình là leo được 50 bước, sau đó mình phải nghỉ”.

“Nhưng… chỗ này ngay cái chuồng heo, thúi quá anh ạ”.

“Vậy đi chếch lên kia một chút thì nghỉ nhé. Mình nghỉ 50 giây là để thưởng cho bản thân mình, chứ không chỉ là nghỉ mệt. Khi đạt được bất cứ mục tiêu gì, dù nhỏ thôi, em cũng phải khen thưởng cho bản thân mình. Mình tự khen thưởng động viên mình chứ đâu cần nhờ cậy tới ai”.

Và tất nhiên, sau lần “tự thưởng bản thân” bằng cách hít đầy lồng ngực bầu không khí phảng phất phân heo thì chúng tôi tới đích cuối cùng.

Cả bạn tour guide và lái xe đi cùng đều chứng thực thời gian chúng tôi leo từ dưới bến thuyền lên lại trên này là “không lâu”. Thậm chí, còn nhanh hơn nhiều nhóm bạn tây vắt sức ra leo hùng hục, vì càng về cuối, thời gian nghỉ mệt của các bạn ấy càng kéo dài ra.

Và quan trọng nhất, là khi đã yên vị trong xe, thì cái cảm giác “không mệt một chút nào” khiến cho chuyến đi trở nên thi vị và đáng nhớ.

Khe vực Tu Sản, dòng sông Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng mãi đọng lại trong ký ức của chúng tôi là những di sản thiên nhiên tuyệt đẹp, chứ không phải là những giọt mồ hôi mặn chát với đầu óc quay cuồng vì thở dốc, nói chẳng ra hơi.

Còn với bạn đi cùng, tôi biết bạn đã cảm nhận được nhiều hơn thế.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Vụ nữ tướng Tú Trinh của địa ốc Alibaba chỉ đạo đập phá xe lu của chính quyền: Thua đau ở "mặt trận" truyền thông
Việc ca sĩ Duy Mạnh phát ngôn gây sốc: Vì sao chưa bị tẩy chay?

Your email address will not be published. Required fields are marked *