Please log in or register to do it.

Bữa nay đi cafe với bạn, lúc tới thì thấy trước đó có một anh bạn khác ngồi cùng. Cô giáo đến sau nên lịch sự ngồi nghe anh kia “tư vấn” cho bạn của cô để gói ghém xong câu chuyện.

Anh í hỏi cô làm việc gì, cô nói “covid19 em thất nghiệp nằm nhà mấy tháng, giờ đang đi xin việc”. Chắc nghe vậy nên anh í tự tin tiếp tục bô lô ba la văng nước miếng.

Mấy lần đứa bạn nhìn cô cười tủm tỉm, cô cũng… cười theo phụ hoạ. He he. Anh kia thấy thế càng cười sảng khoái, rồi hồn nhiên “tư vấn” tiếp.

Tới hồi xong xuôi, hết chuyện, ảnh mới quay qua an ủi rồi hỏi cô trước khi thất nghiệp thì làm cái giống gì, có cần ảnh tư vấn cho không? Ảnh khoe làm truyền thông marketing 5 năm rồi, quen biết người trong giới này nhiều lắm.

Cô bảo “có, nhờ anh tư vấn dùm em”.

“Em làm trong lĩnh vực truyền thông mới được có 16 năm. Trong đó có 7 năm làm tư vấn và đào tạo cho các công ty, doanh nghiệp. Giờ dịch bệnh em sắp chết đói rồi”.

Ảnh hỏi ủa em làm lâu vậy sao ảnh không biết mặt biết tên? Cô nói chắc mặt em phổ thông quá nên anh có gặp rồi cũng quên luôn. Rồi ảnh hỏi sao không tư vấn cho bạn em đi? Cô bảo bạn em nó chơi chung nên biết tính em, em hẹn đi ăn là đi ăn, đi uống là đi uống chứ hỏi vô nghề nghiệp là em không có trả lời. Vì phí tư vấn em lấy rất cao, hơn 300$ một tiếng. Cái… ảnh xụi lơ!

Đừng biến mình thành “chuyên gia chém gió” – Nguồn hình: Freepik

Thực ra, cô vẫn cho rằng anh này được cái nhiệt tình. Đó là tính tốt. Có điều, ảnh biết dừng đúng lúc thì sẽ đỡ quê hơn.

Kinh nghiệm của cô giáo thì đơn giản như vầy. Mấy đứa có thể áp dụng trong mọi cuộc nói chuyện, chứ không nhất thiết phải chờ đến khi đi “tư vấn” nhé:

1- Cái gì mình không biết, thì không nên nói. Điều này đơn giản không cần giải thích thêm.

2- Cái gì mình biết, thì cũng không nên nói. Vì những gì các em biết, chỉ là lý thuyết suông. Nói ra nghe nó không thực tế.

3- Cái gì mình đã làm, thì chưa nên nói. Vì mình làm rồi, nhưng có chắc ra kết quả như ý hay không?

4- Cái gì mình đã làm và ra kết quả, thì cũng từ từ hẵng nói. Vì mình làm tốt, ra kết quả tốt là đúng với tình huống và điều kiện của mình; tư vấn cho người khác chưa chắc đúng.

5- Cái gì mình đã làm, ra kết quả tốt, đã thành công và có luôn thất bại; rồi mình lại sửa và tiếp tục thành công trong nhiều tháng nhiều năm, thì OK, khi này có thể lấy những gì mình đúc rút được để mang đi tư vấn.

Nếu không trải qua 5 cấp độ đó mà lỡ ham cái “bả danh vọng” thì rất dễ rơi vào hoàn cảnh nhiệt tình cộng với thiếu trải nghiệm mà thành ra chém gió. Người lịch sự thì họ chỉ cười trừ, gặp người đang khó chịu hoặc ưa phản biện, người ta vặn vẹo hỏi tới vài câu mình tịt nọc là quê lắm á.

Sông sâu tĩnh lặng
Lúa chín cúi đầu

Nhớ kỹ câu này dùm cô nhé các em ơiiiiiii.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Khủng hoảng truyền thông "chăn rau" của Quang Hải xử lý cách nào?
Đưa thông tin "sự cố hạ cánh của Vietjet khiến 200 chuyến bay phải hoãn hủy" có công bằng?

Your email address will not be published. Required fields are marked *