Please log in or register to do it.

Nếu ai đã từng có dịp ra Trường Sa dù chỉ một lần trong đời, sẽ thấy rằng đó là kỷ niệm không thể nào quên được. Và một trong những “nỗi ám ảnh khó gọi tên” xuyên suốt chuyến đi đó không chỉ là sự gắn bó nghĩa tình quân dân máu thịt mà còn là những câu hát khi vui tươi trong sáng, lúc bi tráng hào hùng hay thiết tha tình cảm của đội ngũ văn công đi theo phục vụ.

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của cô ca sĩ có tên gọi thật hay Đồng Trần Ngọc Khánh lúc biểu diễn trên nhà giàn DK1. Khi kết thúc những câu hát cuối cùng, Ngọc Khánh dang tay ra cười thật tươi và nói bây giờ em chỉ có một mong muốn duy nhất thôi và hy vọng được các anh đáp ứng. Cả “hội trường” lặng im phăng phắc chờ xem cô “văn công” này bày tỏ xem cô có mong muốn thế nào?

Ngọc Khánh nhìn thẳng vô các chiến sĩ và nói to, dõng dạc “các anh ôm em đi”. Mọi người trong đoàn công tác chết lặng vì bất ngờ. Các chiến sĩ cũng chết lặng vì bối rối. Cô văn công mím môi, quên cả ngượng ngùng nhắc lại thêm lần nữa “các anh ôm em đi”. Người lính già đứng sau lưng cậu tân binh đẩy quân tiến lên phía trước nhưng chiến sĩ vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Quên cả ngại ngùng, Ngọc Khánh xà vào ôm từng người một, mắt mũi đỏ hoe dặn “các anh ở lại mạnh giỏi, nhớ giữ gìn sức khoẻ”…

Tới giờ chia tay, ở bên dưới liên tục nói vọng lên yêu cầu đoàn văn công và đại biểu về xuồng ngay lập tức đề phòng mưa giông tới. Đồng chí Kim Anh – người quản lý văn công hùng hồn phản bác “hôm nay chúng ta sẽ bất tuân mệnh lệnh, tàu phải chờ chúng ta” và ra hiệu cho văn công hát tiếp. Đoàn người rồng rắn xen kẽ văn công, chiến sĩ, đại biểu… lại ôm lấy vai nhau vừa đi vừa hát quanh diện tích mặt nhà giàn bằng thép vỏn vẹn 4m2.

Ca sĩ Ngọc Mai – một thạc sĩ, cô giáo thanh nhạc tuổi đời còn rất trẻ đến từ Nhạc viện thành phố cũng vòng tay ôm chặt từng chiến sĩ, vừa cười tươi như hoa vừa cất cao giọng hát trong khi nước mắt chảy vòng quanh. Có rất rất nhiều người đã nói ca khúc “Giấc mơ trưa” mà Ngọc Mai thể hiện trên Nhà giàn DK1 là bài hát nhạc nhẹ hay nhất họ từng được nghe tính đến thời điểm đó (http://on.fb.me/18SZsAy). Giây phút lắng đọng này chắc chắn sẽ là một kỷ niệm, một phần ký ức mãi mãi không thể nào quên được của cả đoàn công tác.

Cũng như trong buổi lễ tưởng niệm các liệt sĩ ở khu vực gần nhà giàn DK1 hồi sáng sớm, mỗi người đã rơi nước mắt vì một cảm xúc khác nhau. Riêng tôi, tôi khóc cho những người con ưu tú, anh hùng bất khuất vẻ vang của Quê Hương đã ngã xuống khi trong tay không tấc sắt, nắm chặt lá cờ Tổ Quốc, máu đỏ hoà vào sóng biển Gạc Ma tạo thành vòng tròn bất tử mãi mãi trường tồn. Tôi cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy nụ cười lạc quan, vui tươi đến hồn nhiên của những chiến sĩ tuổi đời chỉ vừa mười tám đôi mươi ở nơi được mệnh danh là gian khổ nhất giữa muôn trùng biển.

Vào giây phút đó, chúng tôi thấy sự phân định rạch ròi là không còn cần thiết nữa. Chẳng cần quan tâm trước mắt mình ai có quê ở Sài Gòn, Đồng Nai; ai ở Thanh Hóa, Nghệ An; ai ở Quảng Bình, Quảng Trị; ai ở Hà Nội, Hải Phòng… Chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ không bao giờ có giới hạn về quê quán, màu da và âm sắc trong mỗi giọng nói vùng miền. Vì tất cả họ là đồng đội, đồng bào của chúng tôi, họ là máu xương của tổ quốc. Cũng như trong lời ca cổ của các nghệ sĩ ở nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trình diễn “khi anh ra chiến trường, mẹ không còn gọi tên anh là những Hùng, Long, Minh, Tuấn… Mẹ gọi tên các con một cách thân thương là chiến sĩ. Vì chiến sĩ thì đời nào cũng có, và con của mẹ sẽ trở thành bất tử”.

Còn nhớ cách đây 2 năm, tôi đọc được bài viết của một người lính đã từng trải qua sự tàn khốc của hai cuộc chiến. Người cựu binh này mô tả Việt Nam đang có một thế hệ gồm nhiều bạn trẻ ngồi trong phòng lạnh, uống nước ngọt, ăn gà rán và luôn miệng kêu gào trên facebook rằng “chính phủ không nên nhu nhược, phải chứng minh bằng hành động”. Ông nói rằng tha thiết mong các bạn trẻ hãy thôi sống ảo và đừng yêu nước bằng máu của kẻ khác! Lời nhận xét đó có thể không đúng với tất cả mọi người nhưng áp vào số đông cũng chẳng sai lệch bao nhiêu.

Có đôi lúc buồn buồn, đi lang thang trên đường phố Sài Gòn tôi bỗng giật mình tự hỏi, có phải vì đắm chìm trong thế giới ảo quá lâu, trong những cảnh chém giết không gớm tay trên phim ảnh mà tôi đã dần chai lì cảm xúc, và thấy mạng người sao thật là rẻ rúm? Vì khi coi nhau như những người xa lạ, thì cái chết của kẻ đối diện ngay trước mắt cũng chẳng khơi gợi được cảm xúc gì ngoài sự hiếu kì. Chẳng có diễn đàn, trang web, phần mềm chat chit hay một bộ phim bom tấn nào nói cho tôi biết chỉ có 20 – 30 phút khóc cười với nhau lại có thể biến những người hoàn toàn không quen biết trở nên gắn bó sâu nặng như anh em trong một gia đình.

Mỗi lúc nhớ Trường Sa, tôi thường mang hình, mang clip ngoài đảo ra coi lại. Và khi nghe các bạn hát “Giữa biển khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời”, nhìn các bạn nắm chặt tay nhau trong những giây phút cuối cùng chuẩn bị rời khỏi nhà giàn DK1 (http://on.fb.me/18SZwQJ) là tôi lại rưng rưng xúc động. Tôi thực sự không muốn có chiến tranh, thậm chí là va chạm. Vì đã trót coi những chiến sĩ ngoài Trường Sa như một phần máu thịt, thì làm sao chúng tôi có thể dửng dưng trước những hiểm nguy có thể gặp phải của anh em mình như vậy được?

Tôi cho rằng không chỉ các bạn trẻ phải ngưng việc yêu nước bằng máu của kẻ khác, mà tất cả chúng ta đều không nên yêu nước bằng máu của bất cứ người nào…

>>> Join group Những bài viết hay nhất trên facebook Nguyễn Ngọc Long Backmoon để không bỏ lỡ các bài viết hay nhất trên facebook của mình.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 19, 2013 at 12:37AM)

Nhân quyền tại Việt Nam
Hợp tác truyền thông với bạn Nguyễn Ngọc Long Blackmoon có lợi thế nào?

Your email address will not be published. Required fields are marked *