Please log in or register to do it.

(Bài phỏng vấn trên Tiin.vn – http://goo.gl/Dg9nEG)

+ Thưa anh, vừa qua anh có một bài viết rất tâm huyết về chủ quyền biển đảo và truyền tải những kiến thức đúng đắn, có giá trị cho các bạn trẻ. Anh có thể cho biết nguyên nhân vì sao lại anh lại quyết định viết bài này?

Tôi có ý định này từ một năm về trước, sau chuyến đi ra thăm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tiếc rằng quá trình tìm kiếm chuẩn hoá tư liệu đã phải chuẩn bị quá lâu. Nhưng khi sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam thì tôi thấy mình phải hành động ngay. Không chờ được nữa. Tôi phải làm một việc gì đó dù nhỏ bé mà tôi làm được trong phạm vi kiến thức và sức lực mà tôi có. Vậy nên tôi viết!

+ Theo đánh giá của anh, các bạn trẻ đã đón nhận bài viết ấy thế nào?

Sử dụng các công thức về lan truyền trên mạng xã hội, tôi cho rằng bài viết đã được đọc bởi hàng triệu người dùng facebook. Thật vui là trong đó có cả những người không còn trẻ nữa, có nhiều anh chị nhà báo, nhiều anh chị trí thức có uy tín cũng lên tiếng ủng hộ tôi. Tôi không chỉ vui mà còn cảm động. Và tôi biết, mình phải cống hiến nhiều hơn nữa.

+ Những kiến thức này anh có được từ nguồn nào?

Tôi đọc sách về Luật biển, nghiên cứu các tài liệu nói về Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển, tôi hỏi thông tin từ các luật sư, tôi xin tài liệu từ nguồn Hải quân. Nói chung, tôi vận dụng mọi nguồn thông tin mà tôi có thể có để chắt lọc và tổng hợp.

+ Nhưng dường như các tài liệu mà anh đề cập rất khó để tìm kiếm trên Internet, nếu không các bạn trẻ đâu hào hứng đón nhận bài viết của anh như vậy?

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy. Tại sao tài liệu đầy rẫy trên Internet mà các bạn trẻ lại thấy khó khăn khi tiếp cận? Các bạn ấy có kém cỏi không? Chắc chắn là không. Tài liệu có bị giấu đi không? Cũng không luôn. Về sau tôi nhận thấy, mình may mắn hơn các bạn khi trên chuyến tàu đi Trường Sa, tôi được coi video tài liệu về luật biển. Tôi biết đến những kiến thức liên quan như đường cơ sở, vùng nội thuỷ, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, quyền chủ quyền, quyền tài phán…

Vậy, mấu chốt vấn đề của các bạn trẻ nằm ở chỗ họ không có được các “từ khoá” liên quan để tìm kiếm. Họ chỉ có thể tìm với những chữ như Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông, Yêu nước… thì khó tiếp cận được với nguồn tư liệu sâu hơn.

+ Gần đây, các bạn trẻ rộ lên phong trào thay avatar trên facebook để thể hiện lòng yêu nước, anh đánh giá thế nào về hành động ấy?

Rất tuyệt vời. Tôi không bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của bất cứ bạn trẻ nào.
Khi nói chuyện với nhiều chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ ngoài đảo, tôi nhận thấy họ đa dạng về học thức, nghề nghiệp và tính cách. Có những người mà bản thân họ tự nhận không phải “con ngoan trò giỏi”, nhưng khi đất nước cần, họ sẵn sàng chiến đấu. Tức là lòng yêu nước tồn tại trong mỗi người con đất Việt, nhưng nó dâng cao mạnh mẽ phụ thuộc vào thời điểm.

Tôi tin rằng những bạn trẻ “hư”, chơi bời, học dốt, nghiện hút, đua xe, giang hồ, đánh lộn… đều có thể trở thành những người yêu nước chân chính khi tổ quốc lâm nguy. Vấn đề là họ thiếu thông tin. Họ quá đói thông tin nên chỉ có thể yêu nước bằng những gì họ có và thể hiện trong tầm mức tri thức mà họ được trang bị.

Nếu có súng, họ dùng súng; nếu có viết, họ dùng viết; nếu có một tài khoản facebook thì họ dùng avatar để bày tỏ lòng yêu nước. Tôi rất cảm kích về điều đó và không nghi ngờ gì cả.

+ Nhưng đó có phải là cách làm hiệu quả không anh?

Để trả lời được câu hỏi này thì phải hiểu việc “biểu tình” dưới góc độ truyền thông. Tôi cho rằng hành động thay avatar chính là một dạng biểu tình online. Cũng giống như phong trào viết thỉnh nguyện thư, lấy chữ ký online, gấp hạc giấy… mà Việt Nam sử dụng khi tuyên truyền về Tác hại của chất độc hoá học da cam/dioxin giai đoạn trước.

Tại sao phải biểu tình? Là để thông qua những hoạt động “bất thường” để la to lên, nhằm gây chú ý của dư luận, của truyền thông quốc tế. Nhằm thông qua đó biểu đạt ý kiến của mình một cách ôn hoà.

Hãy tưởng tượng, nếu bạn nổi tiếng như Lady Gaga. Bạn chỉ cần nói một câu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì sẽ được truyền thông thế giới đồng loạt loan tin”, nhưng vì bạn không nổi tiếng như vậy nên bạn có nói thế nói nữa cũng chẳng có ai chú ý. Vậy muốn người ta chú ý, bạn phải kêu gọi nhiều người cùng “bắc loa” lên hô dùm bạn. Việc thay avatar có ý nghĩa như vậy. Trong nội bộ cộng đồng người Việt, tôi cho rằng nó có hiệu quả nhất định để gây chú ý.

+ Vậy phải làm sao để hiệu quả hơn, thưa anh?

Theo nguyên lý mà tôi vừa nói, chúng ta có thể thay việc đổi avatar hình tàu chiến qua hình ảnh khác. Bởi vì cho dù chúng ta có “nhuộm đỏ” facebook bằng cờ đỏ sao vàng thì mức độ quan tâm của cộng đồng người dùng thế giới trên facebook cũng không đáng kể. Hơn nữa, hình ảnh tàu chiến đi ngược lại thông điệp hoà bình mà Việt Nam đang tạo dựng, vậy là lợi bất cấp hại.

Vẫn cách làm như vậy, nhưng thay bằng hình ảnh các ngôi sao, các chính trị gia uy tín trên thế giới mặc quốc phục Việt Nam như áo dài, nón lá… kèm theo thông điệp chủ quyền thì sẽ gây chú ý nhiều hơn. Cụ thể vừa rồi Thủ tướng Nhật có lên tiếng ủng hộ Việt Nam, các bạn trẻ chỉ cần thay avatar bằng hình của ông kèm theo dòng chữ “Thanks sir” (cảm ơn ông) chẳng hạn, cũng là một cách làm hiệu quả hơn về nhiều mặt.

+ Ngoài ra, anh còn gợi ý những cách thức nào khác để thể hiện lòng yêu nước?

Quá nhiều. Khi các bạn đã hiểu rõ về nguyên lý. Nhưng cái quan trọng nhất và đơn giản nhất mỗi người làm được là tự trang bị cho mình kiến thức đúng đắn và kỹ năng nắm bắt, tìm hiểu thông tin. Chúng ta có một trái tim nóng nhưng cần có cái đầu lạnh, và cái đầu lạnh phải chứa đầy kiến thức. Lời khuyên của tôi đơn giản lắm: hãy tự nghiên cứu, hãy học tập và hãy tôi rèn nhân cách, sống tốt hơn mỗi ngày. Phải làm được việc nhỏ, phải làm chủ được bản thân chúng ta mới mong thay đổi được tình hình đất nước một cách thông minh và đúng đắn. Tôi rất muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tôi cảm phục tình yêu và nhiệt huyết các bạn trẻ dành cho đất nước.

>>> ĐỌC THÊM:

+ SỰ THẬT CẦN PHẢI BIẾT VỤ “TÀU SÂN BAY KHOAN DẦU” HD981 CỦA TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VIỆT NAM – http://goo.gl/RU0NbZ

+ ANH HÙNG BÀN PHÍM – http://goo.gl/tov3gl

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – May 11, 2014 at 12:13AM)

Dân vận 2.0
Anh hùng bàn phím

Your email address will not be published. Required fields are marked *