Please log in or register to do it.

Mình rất ít khi đi coi kịch, thế mà hôm rồi lại có 2 sô coi kịch một lúc. Hôm trước qua Nấm coi nhóm kịch Up của Tử Dạ diễn vở Đùa Với Máu, hôm sau lại có lời mời qua SKK Hồng Vân coi vở Bỉ Vỏ. Thế là nghiễm nhiên coi 2 vở kịch trong 2 ngày liên tiếp. Một là, của các bạn sinh viên, coi như nhóm diễn nghiệp dư. Một là của sân khấu to hoành tráng, diễn viên chuyên nghiệp.

Cả 2 vở kịch mình đều không thích, vì tính mình vốn không kiên nhẫn. Bắt coi 3 tiếng đồng hồ liên tiếp thì quả là rất mệt đầu (ghi chú: kịch Bỉ Vỏ thì có 5 phút giải lao). Tức là việc không thích là do cá nhân mình thôi, còn nội dung và diễn xuất của các bạn ý thì cũng… Oke.

Đùa với máu, nội dung theo kiểu phim bộ Hongkong, Đài Loan trường phái tâm lý tình cảm gia đình, không có gì nổi bật. Bỉ Vỏ thì là tác phẩm quá kinh điển và nổi tiếng của Nguyên Hồng trên cả lĩnh vực phim ảnh và sân khấu kịch.

Tuy nhiên, nhóm kịch Up đã làm khá tốt vai trò diễn viên của họ. Mình nhận thấy các bạn rất máu lửa, tràn đầy nhiệt huyết và… thuộc thoại! Sở dĩ mình phải đưa cái chi tiết “thuộc thoại” vô vì bên sân khấu kịch Hồng Vân, toàn diễn viên chuyên nghiệp, lại có nhiều ngôi sao (Trịnh Kim Chi, Hoà Hiệp, Lan Phương, Đức Thịnh… ) nhưng cơ khổ là các ông sao nhà ta không thuộc thoại hoặc là chưa thuộc hết thoại. Mình CỰC KỲ KHÓ CHỊU khi cứ phải xem kịch kèm “echo”. Mà mình không hiểu họ nhắc thoại kiểu gì mà cứ bô bô như chỗ không người, tới mức mình ngồi hàng ghế đầu tiên, quay xuống dòm 2-3 hàng kế tiếp cũng thấy khán giả khó chịu ra mặt.

Cô gái ăn cắp - Bỉ Vỏ - Sân khấu kịch Phú Nhuận
Cô gái ăn cắp – Bỉ Vỏ – Sân khấu kịch Phú Nhuận

Các bạn cứ hình dung, tự nhiên nhân vật nữ đang khóc, có giọng nói dửng dưng (của người nhắc): em đừng khóc nữa. Rồi giọng nam chính cũng lặp lại: em đừng khóc nữa. Một hồi, nhân vật nam ôm nhân vật nữ, cái giọng nhắc tuồng lại vô cảm đọc: thôi mình đi xuống nhé. Nhưng cơ khổ là nam chính không nghe thấy hay không thèm diễn theo gì đó không chịu lặp lại, thế là lại “thôi mình đi xuống nhé”. Vẫn ôm nhau. “Thôi mình đi xuống nhé”. Lúc này nam chính mới “thôi mình đi xuống nhé”.

Rồi đỉnh điểm của việc nhắc tuồng là nhắc luôn… diễn xuất. Mình nghe được ít nhất 2 lần nhắc diễn xuất, khi 5 Sài Gòn ôm 8 Bính thì được nhắc “tay phải đưa lên” tới 2 lần cho tới khi 5 Sài Gòn đưa tay lên! Rồi cảnh bắc cóc trẻ con thì nhắc “dịch sang bên phải”.

Thưa các anh chị diễn viên kịch, các anh chị toàn ngôi sao lớn, được giữ vai chính, sao các anh chị lại có thể coi thường chúng tôi – khán giả – như vậy nhỉ? Chẹp, chắc bận chạy sô dữ quá mà. Hay vì mắc bệnh ngôi sao? Cái này thì phải đi hỏi bà bầu Hồng Vân mới rõ. Nhưng nếu cứ thế này thì lần sau mình sẽ phê phán lên trên báo, chứ không chỉ viết blog đâu nhen. Một lần, mình đọc được bài phỏng vấn của nghệ sỹ Thành Lộc, anh ý có nói một ý đại khái rằng người nghệ sỹ đã lên sân khấu là phải sống cuộc sống của nhân vật. Vậy nên có người, khi tấm màn nhung đã khép lại rồi mà vẫn chưa thoát ra được khỏi nhân vật của mình, và khi đó cuộc sống có thể trở thành bi kịch.

Chiếu theo câu nói đó, một số nghệ sỹ  trong Bỉ Vỏ đang cực kỳ hạnh phúc. Bởi vì các bạn không thuộc thoại, các bạn quên diễn xuất. Tức là các bạn và nhân vật của bạn là 2 thực thể tách rời nhau.

http://www.youtube.com/watch?v=XqNBZLMDH8M

Vở Đùa với máu của nhóm kịch Up khi kết thúc, có một chi tiết khiến mình trăn trở mãi. Đó là cảnh một bạn diễn viên nữ đã đứng ôm mặt khóc, và diễn viên nam (Tử Dạ) ra ôm an ủi, chùi nước mắt. Khi cả 4 diễn viên lên chào khán giả, thì nhân vật bà mẹ cũng nước mắt ngắn dài. Mình thực lòng không biết những giọt nước mắt đó là bao nhiêu phần trăm cảm xúc thực? Vì một vở kịch có khi phải diễn cả năm trời, liệu các bạn có đong đủ cảm xúc để hoá thân trọn vẹn vào vai diễn như thế trong từng buổi diễn lặp đi lặp lại, hay vẫn tiếp tục là một màn kịch sau vai diễn?

Nhưng với những gì mình cảm nhận, trực tiếp, tại “sân khấu” thì 99% cảm xúc mà các bạn đang có là cảm xúc thật. Những giọt nước mắt sau vai diễn là những giọt nước mắt thật. Mà, nếu có không thật đi chăng nữa, thì ngay cả việc các bạn truyền được tình cảm tới người xem thì cũng đã đáng biểu dương. Vì cuối cùng, các bạn cũng là một diễn viên mà.

Đùa Với Máu - Nhóm kịch UP
Đùa Với Máu – Nhóm kịch UP

Đùa với máu là vở kịch “kỳ lạ” lần đầu tiên mình được coi. Nó lạ ở chỗ diễn viên ngồi chung với khách, vì “sân khấu” là lối đi của quán cafe, và có thêm một “sân khấu riêng” cỡ 4m2 ở trên cùng nữa. Đạo cụ của các bạn chỉ có một miếng gỗ che vải làm ban thờ (ông bố), cây lược, cái bật lửa, mâm cơm, chén đũa; balo, túi xách gắn ở trên người… Âm thanh điều khiển bằng một chiếc laptop trên cái bàn nước đối diện chỗ mình ngồi, ánh sáng có một người cầm đèn… rọi rọi theo nhân vật. Diễn viên xuất hiện bằng cách… mở cửa quán và xông vô!

Trong khi đó, SKK Kịch Hồng Vân thì quá chuyên nghiệp. Đơn giản, vì nó… chuyên nghiệp! Chuyên nghiệp đến từng đường may trên áo, đến từng chi tiết trên chiếc xe tay kéo, chuyên nghiệp tới mức sử dụng diễn viên trẻ em… thật. Tới mức 11h đêm còn lôi một đứa con nít 2-3 tuổi lên sân khấu và… khóc tu tu. Đứa bạn đi cùng mình, sau mỗi lần chuyển cảnh, lại “thốt lên” ôi sao người ta làm nhanh thế. Mình chỉ bảo, thì người ta là… chuyên nghiệp.

Đùa Với Máu - Nhóm kịch UP
Đùa Với Máu – Nhóm kịch UP

Và nhóm kịch Up, khi diễn ở một nơi không chuyên nghiệp, thì buộc các bạn phải lấy khả năng diễn xuất để đắp vào.

Công bằng mà nói, Cô Gái Ăn Cắp (tên kịch của truyện dài Bỉ Vỏ sau chuyển thể) là một vở diễn đáng để đi xem. Mà ngay cả cái tên “Bỉ Vỏ” cũng đủ là một ngôi sao có sức kéo người ta mua vé. Chỉ có điều, mình đã quá kỳ vọng vào Bỉ Vỏ để rồi thất vọng. Xem xong kịch thì mọi thứ cũng trôi tuột đi luôn. Chẳng đọng lại cái gì để mà trăn trở.

Các bạn diễn viên – nếu không bị người nhắc thoại quá thô lỗ bô bô trên sân khấu – đã hoàn thành sạch sẽ vai trò của vở diễn. Nhưng ấn tượng thì không. Dường như 8 Bính là một vai diễn quá khó, quá nặng mà sức của Lan Phương chưa thể nào tải nổi. Mãi tới khi vở kịch hạ màn, và giọng dẫn đọc rằng 8 Bính và 5 Sài Gòn là những thân phận, và nạn nhân của chế độ Pháp thuộc, lầm lũi, đáng thương, bị vùi xuống đáy xã hội thì chắc nhiều khán giả sẽ chép miệng mà rằng “ủa, vậy hả, coi có thấy gì đâu ta”.

Phim hay nhờ hình ảnh và chi tiết, kịch hay nhờ diễn xuất và cảm xúc. Có một số chi tiết trong Cô Gái Ăn Cắp mình thấy khá tinh thế, nhưng vì nó nhỏ, nên người xem dễ bị lướt qua. Cái này không trách diễn viên được. Cuối cùng, cái “chất” của Bỉ Vỏ chỉ được “tải” qua kịch bản mà hụt (nhiều) mất phần cảm xúc. Mà kịch bản lại được “tinh giảm” đi nhiều, nên ai chưa coi phim, đọc truyện thì chắc sẽ thấy hơi bị nhạt!

Trịnh Đan Duy Anh trên sân khấu kịch Cô gái ăn cắp - Bỉ Vỏ
Trịnh Đan Duy Anh trên sân khấu kịch Cô gái ăn cắp – Bỉ Vỏ

Có một dạo, trong những lần chè chén bù khú, cánh phóng viên vẫn hỏi nhau bạn Trịnh Đan Duy Anh sau khi “bỗng dưng” ẵm giải đồng siêu mẫu thì biến đi đâu mất? Ngoại trừ việc chăm chỉ tập “chym” và post hình quần bơi trên facebook, tuyệt không thấy xuất hiện ở các sàn diễn thời trang. Đùng một phát, mình tròn mắt thấy Duy Anh vào vai ông quan Pháp trong Bỉ Vỏ. Cái tên Trịnh Đan Duy Anh đã mất, thay vào đó, người ta giới thiệu bạn ý là diễn viên Trịnh Duy Anh. Vậy là đã rõ, nghệ danh thay đổi cho một vai trò mới.

Và đùng một cái, mình khuyến khích bạn Duy Anh nên đi diễn kịch. Vì chân thành mà nói bạn diễn rất có duyên. Dù vai quan Pháp là một vai nhỏ như con thỏ, chẳng có nhiều đất cho bạn thi thố tài năng, nhưng với ngoại hình quá tây và quá cao, bạn đã nhập vài rất ngọt. Mà có thể vì không phải là diễn viên chính nên bạn không cần người nhắc thoại. Mà thoại của bạn thì đa phần toàn phăng, xoa, bông, tuơ, loa… khó nhớ ra phết. Nói chung là mình không biết tiếng Pháp nhưng nghe cũng… giông giống! Thế là Ok nhỉ.

Giáng Sinh Xanh - Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Quận 7
Giáng Sinh Xanh – Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Quận 7

Hiện mình đã có trong tay 3 cặp vé mời. 1 là của Up, 1 của SKK kịch Hồng Vân và 1 của Tiger với event Giáng Sinh Xanh bên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Quận 7 (gần xịt nhà mình). Chẳng biết lựa chọn thế nào? Sẽ đi Giáng Sinh Xanh vào tối 24 để coi Sexy Santarina, nghe nhạc rock thay vì dân ca truyền thống, nghe Hồ Ngọc Hà, Uyên Linh hát, xem trình diễn laser với sân khấu nổi  trên mặt nước; hay qua Kịch Phú Nhuận tiếp tục tự kỷ với một vở diễn chuyên nghiệp nào đó; hoặc ghé qua coi các bạn bên nhóm Up diễn kịch phong cách sinh viên?

Một phút dành cho quảng cáo: toàn bộ hình ảnh (trừ tấm cuối) và clip được chụp bằng Motorola Razr phiên bản 2011. Video clip quay chuẩn Full HD với tính năng chống rung. Tuy nhiên mạng nhà mình cùi quá nên tạm thời upload bản nhẹ thôi. Mai mốt có mạng xịn thì thay bằng bản full HD sau nhé. Giờ các bạn coi tạm đi. Ai không chịu cũng… ráng chịu. MMun không giải quyết được vụ này!

Biết tìm đâu
Sài Gòn, Cafe Sữa Đá với Hà Okio

Your email address will not be published. Required fields are marked *