Please log in or register to do it.

1. Thưa anh! Chúng ta thường xuyên gặp các từ đạo nhạc, vay mượn ý tưởng trên báo chí. Vậy anh có thể đưa ra một cách hiểu đúng nhất về hiện tượng này.

Nói ngắn gọn thì đó là một phần tất yếu của showbiz… Việt! Người đạo nhạc, đạo ý tưởng sau tất cả những lùm xùm thì hầu như chẳng mất gì trước mắt, lợi nhiều hơn hại, nên họ hoặc là không sợ nếu vô tình mắc phải, hoặc cố tình coi như là bàn đạp để thu hút sự chú ý của dư luận để thêm nổi tiếng.

2. Là một người làm truyền thông, từng tư vấn cho nhiều nghệ sỹ trong showbiz xây dựng hình ảnh, xử lý khủng hoảng truyền thông. Anh đánh giá thế nào về vấn đề nghệ sỹ bị tố đạo nhái các sản phẩm nghệ thuật hiện nay?

Còn tuỳ đó là nghệ sĩ nào và họ coi trọng danh dự của họ tới đâu. Nhưng tôi phải cảnh báo rằng những scandal như vậy có thể giúp nghệ sĩ trở thành tâm điểm của báo chí, là cơ hội tốt để tự tiếp thị bản thân bất chấp sự khen chê của dư luận nhưng về lâu dài, họ sẽ thấy hối tiếc khi có “vết nhơ” không xoá được.

Hãy thử nghĩ đi, sẽ tới một thời điểm mà bạn – nghệ sĩ – có mọi thứ trong tay. Công danh, sự nghiệp, tiền bạc, hạnh phúc… Khi ấy bạn cần gì nữa ngoài sự coi trọng của xã hội và được ghi nhận theo đúng quy luật về tháp nhu cầu Masflow. Đó là thời điểm bạn phải thốt ra rất nhiều câu cảm thán “giá như”. Nhưng quá khứ thì không thay đổi được.

3. Mới đây có một ca sĩ bị tố lấy nguyên lời bài thơ của một nghệ sĩ làm lời hát cho bài hát mình sáng tác mà không xin phép tác giả, anh có theo dõi vụ việc này không và ý kiến của anh thế nào trong vụ việc này?

Tôi có theo dõi trên báo chí, mạng xã hội và các tuyên bố của bản thân những người trong cuộc. Tôi thấy ca sĩ đã sai hoàn toàn khi “thuổng” đồ người khác về làm tài sản của mình. Sau đó, ca sĩ chọn thái độ im lặng khi bị nhà thơ tố cáo và tới tận phút cuối cùng vẫn không xin lỗi mà chỉ quanh co giải thích theo hướng có lợi cho mình. Đó là cách hành xử không thể thông cảm được.

4. Đây có phải là vấn đề thường gặp không ạ? Theo anh các ca sỹ nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Đạo nhạc đạo thơ đạo ý tưởng thì không hiếm. Nhưng lì lợm và trâng tráo như ca sĩ này thì tôi mới thấy lần đầu. Tôi thấy thực sự kì lạ và khó hiểu?

Cách xử lý như thế nào thì phải xem mục đích của ca sĩ là gì? Nếu cậu ấy muốn mọi việc diễn ra êm đẹp, tôn trọng thành quả của mình và tác giả thơ thì chỉ cần xin lỗi và xin phép được sử dụng lời thơ là xong. Còn nếu ca sĩ có mục đích chọc tức dư luận, gây tranh cãi để qua đó PR bản thân thì tôi nghĩ cách làm của cậu ta đã đạt được mục đích ấy rồi.

5. Dù có bằng chứng về việc vay mượn, đạo nhạc, thậm chí chính nạn nhân lên tiếng, đưa ra bằng chứng nhưng nhiều người vẫn lờ đi hoặc quanh co, không thừa nhận, không xin lỗi. Theo anh, đó có phải là cách xử lý thông minh?

Đó là cách hành xử bặm trợn, giang hồ không đúng với hình ảnh một người nghệ sĩ chân chính.

6. Anh từng biết sự kiện đạo nhạc nào được xử lý triệt để chưa ạ? Tôi cứ có cảm giác mọi người đang xem chuyện này như là hiển nhiên và vẫn chấp nhận những sản phẩm như vậy tồn tại.

Tôi không biết bạn định sử dụng chữ triệt để theo nghĩa thế nào? Xét về mặt danh tiếng thì trước đây có sự việc nhạc sĩ Bảo Chấn bị phát hiện đạo nhạc với bài Phố Mùa Đông. Scandal này đã huỷ hoại danh tiếng cả đời của ông và khiến Bảo Chấn gần như phải chia tay showbiz lui về ở ẩn.

Vụ đấu tố của nhạc sĩ Hồng Xương Long với nhạc sĩ Minh Vy về việc tên của Hồng Xương Long không được tôn trọng bằng cách ghi rõ là “tác giả viết lời nhạc” cho 3 ca khúc rất “hot” là Trăng Vỡ, Đau Xót Lý Con Cua và Chim Trắng Mồ Côi cũng có cái kết “êm đẹp” khi yêu cầu này cuối cùng được đáp ứng. Nhưng xét về mặt dư luận tôi thấy mọi người thực sự không quan tâm.

Ở Việt Nam, phần đông khán giả chỉ quan tâm và nhớ tên ca sĩ, còn tựa đề bài hát, lời bài hát họ không nhất thiết cần nhớ cho chính xác. Cho nên tên nhạc sĩ sáng tác cũng ít người quan tâm, nói gì đến tên tác giả viết lời! Việc dư luận mặc nhiên chấp nhận việc này là do chính người ca sĩ không coi trọng tác phẩm mà họ sử dụng để gầy dựng lên danh tiếng.

Có một đêm nhạc của ca sĩ Giao Linh, sau khi hát xong, tôi thấy cô ấy gửi lời cảm ơn (vắng mặt) đến nhạc sĩ, rồi quay lại cúi đầu chào cảm ơn cả các nhạc công. Tôi thấy đó là một cách ứng xử cực kỳ văn minh mà các ca sĩ trẻ nên học hỏi thế hệ đi trước.

7. Nói một chút về chuyện đạo nhạc giữa các nhạc sỹ, ca sỹ trong nước. Theo anh, khổ chủ nên làm gì khi tác phẩm của mình bị vay mượn mà không hề được hỏi ý kiến?

Đây là vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý và đạo đức.

Vấn đề đạo đức thì phải trông chờ vào chính những người trong cuộc. Còn mặt pháp lý thì tôi mong là các tổ chức đại diện quyền cần có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ các chủ thể quyền. Các đơn vị như VCPMP hay RIAV chỉ tha thiết với việc đi thu tiền của các đơn vị kinh doanh, chưa tích cực hỗ trợ các tác giả bị “thuổng đồ”.

Riêng về mặt cá nhân tác giả, ngoài việc đăng ký bản quyền các tác phẩm của mình thì tôi thấy hoàn toàn bất lực, bó tay với tình trạng trộm cắp ngang nhiên như hiện nay.

Vì việc đăng ký bản quyền cho từng bài thơ, đoạn văn là gần như không thể. Kiện cáo thì mệt mỏi tốn kém thời gian; đưa sự việc lên báo chí thì thành ra PR ngược cho “kẻ cắp”, thậm chí còn bị chửi là ăn theo danh tiếng.

((( Bài trả lời phỏng vấn trên tiin.vn / http://bitly.com/1bVdeYe )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – February 22, 2014 at 05:21PM)

Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học
Thành công tạo ra cơ hội, nhưng thất bại sẽ biến nó thành tiền

Your email address will not be published. Required fields are marked *