Please log in or register to do it.

Năm 2021 trôi qua với hàng loạt scandal lớn trong showbiz Việt, kéo theo sự quan tâm, theo dõi của đông đảo công chúng. Những câu chuyện gây tranh cãi nổ ra, đặc biệt là chuyện đời tư và làm từ thiện gây ảnh hưởng tới hình ảnh của nhiều nghệ sĩ.

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng đưa ra thông báo cho biết họ đã gửi đơn tố cáo, nhờ tới pháp luật giải quyết những lùm xùm.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long về chủ đề này để rộng đường dư luận.

(?) Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ đã đồng loạt đâm đơn kiện, nhờ tới pháp luật giải quyết những lùm xùm phía sau sân khấu (cụ thể là trong lĩnh vực từ thiện). Là một người làm truyền thông lâu năm, theo anh, đây có phải là một hành động nên làm?

Nếu đánh giá trên phương diện có đúng pháp luật hay không thì đương nhiên họ làm đúng, pháp luật hoanh nghênh, khuyến khích công dân đâm đơn kiện khi thấy oan sai. Cái gì pháp luật không cấm thì nghệ sỹ cứ làm thôi. Còn có đúng hay không trên phương diện được mất thì phải bàn từng trường hợp cụ thể. Riêng về khía cạnh truyền thông, tôi cho rằng các nghệ sĩ đang thiếu đi cái nhìn tổng quát về kiện tụng.

Đã đâm đơn kiện, tức là họ muốn và tự tin rằng họ sẽ giành phần thắng trên mặt phận pháp lý. Thế nhưng, để chiến thắng một cách toàn cục, người nghệ sĩ phải chiếm lợi thế ở hai mặt trận khác nhau: cả mặt trận pháp lý và mặt trận truyền thông.

Hai mặt trận này luôn song hành với nhau, mặt trận truyền thông sẽ bổ trợ rất nhiều cho mặt trận pháp lý. Nói cách khác, nếu bạn muốn thắng một cách toàn cục thì phải chắc chắn thắng ở mặt trận truyền thông. Thế nhưng, điều này sẽ không xảy ra ở chiều ngược lại.

Nếu bạn chưa chắc chắn thắng ở mặt trận truyền thông mà đã đâm đơn kiện, thì nếu kiện thua, bạn sẽ thua đau; còn nếu bạn kiện thắng thì dư luận cũng không ủng hộ.

Nhìn lại lịch sử kiện tụng sẽ thấy, có nhiều vụ kiện mà người thắng ở mặt trận pháp lý vẫn chịu thua thiệt nhiều ở mặt trận truyền thông. Vụ kiện của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga hay Vụ con ruồi trong chai nước của THP là thí dụ điển hình.

Tất nhiên, cũng còn phải xem xem nghệ sỹ họ đang thực sự muốn cái gì? Nếu muốn thắng một trận vẻ vang thì hoàn cảnh hiện nay là không thể. Nếu nghệ sỹ cho rằng dùng cuộc chiến pháp lý để lật ngược tình thế về truyền thông, qua đó lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng thì sai hoàn toàn. Điều đó không bao giờ xảy ra.

Những vụ kiện giữa các nghệ sĩ và bà Phương Hằng sẽ đi tới đâu?

(?) Nhiều ý kiến cho rằng, việc đâm đơn ra tòa là hành động “cực chẳng đã” của những người nghệ sĩ, khi họ muốn bảo vệ danh tiếng của chính họ cũng như của những người làm nghệ thuật. Anh nghĩ sao về điều này?

Có 2 vấn đề trong câu hỏi của bạn. Ở vấn đề thứ nhất, danh tiếng – thứ mà chúng ta đang nhắc tới chính là cuộc chiến trên mặt trận truyền thông như tôi vừa nói, chứ đâu phải vấn đề pháp lý.

Có thể về pháp lý những người nghệ sĩ đó không sai, nhưng họ đang bị yếu trên mặt trận truyền thông, họ phải nghĩ cách giải quyết vấn đề này trước đã. Tôi hoàn toàn hiểu, trong số họ có thể có những điều mà dư luận khiến họ cay cú, cảm thấy bị oan ức, nhưng điều đó không bao giờ thay đổi dựa trên một phán quyết tại toà. Không có quan toà nào bắt dư luận phải ngừng ghét và yêu thương nghệ sỹ được cả.

Còn vấn đề thứ 2, đúng là giới văn nghệ sĩ gần đây có một số người rất mất uy tín. Nhưng tôi cho rằng, đây là sự mất uy tín đối với những con người cụ thể thôi, chứ không phải tất cả giới nghệ sĩ đều như vậy.

Ngay trong lúc mọi người không hài lòng với một vài nghệ sĩ, cứ cho là 5 hay 10 như hiện nay, thì nó cũng không đáng gì đâu với số lượng nghệ sĩ có nhiều uy tín và vẫn đang được yêu mến. Những trường hợp này chỉ như “con sâu bỏ rầu nồi canh” thôi, mọi người sẽ vẫn yêu quý các nghệ sĩ khác và cũng đang có nhiều chỗ để họ gửi gắm niềm tin, tình cảm.

Chỉ có điều, việc xấu luôn lan nhanh và được nhắc tới nhiều. Việc tốt bao giờ cũng lan tỏa lặng lẽ, nhẹ nhàng, nhưng bền bỉ. Bởi vậy, nếu ai đó nói rằng, các nghệ sỹ xông ra kiện để lấy lại danh dự cho “giới nghệ sĩ” thì tôi không cho rằng mọi chuyện khủng hoảng tới mức như vậy. Những người này họ không đủ tính chính danh để đại diện cho toàn bộ giới nghệ sĩ. Tất nhiên, Nếu khán giả nói “toàn bộ nghệ sĩ đều ăn chặn tiền từ thiện” thì đó là câu chuyện khác. Khi ấy Hội nghệ sỹ nên đứng ra hỗ trợ hội viên của mình đi kiện.

Năm 2015, Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA) đã đâm đơn, thực hiện vụ kiện tập thể nhắm vào các công ty sản xuất hoá chất của Mĩ. Nếu VAVA thắng, thì đó là chiến thắng của tất cả các nạn nhân da dam Việt Nam. Đó là một vụ kiện chấn động dư luận trong và ngoài nước, vì nó có tính chính danh. Còn các vụ kiện mà bạn đang đề cập thì không như vậy. Rõ ràng một vài nghệ sỹ đang cố tình dùng lý lẽ “lấy lại danh dự cho giới nghệ sỹ” nhằm tăng thêm sức nặng cho vụ kiện cá nhân của họ. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra.

(?) Khi những scandal về từ thiện diễn ra liến tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người đã nhắc tới MC Phan Anh như một điển hình cho việc một nghệ sĩ bị mất hoàn toàn hình ảnh bởi scandal. Theo anh, liệu trường hợp này có lặp lại và scandal sẽ một lần nữa “giết chết” tên tuổi của những nghệ sĩ khác do khán giả bây giờ đã khác xưa?

Thực ra scandal lớn nhất, “giết chết” nghệ sĩ đã xảy ra từ lâu rồi chứ không thể nói hiện tại do nhận thức của khán giả thay đổi nên scandal mới có khả năng hủy hoại những người làm nghệ thuật. Vì scandal “hủy diệt” nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam chính là trường hợp của nhạc sĩ Bảo Chấn, sau khi ông bị cáo buộc đạo nhạc hai bài hát “Phố mùa đông” và “Tình thôi xót xa”.

Bảo Chấn là một nhạc sĩ lớn và cả cuộc đời nghệ thuật của ông chỉ có một scandal đó thôi, nhưng sau khi sự việc xảy ra, Bảo Chấn đã rút lui vì tự trọng. Không phải do truyền thông, do khán giả mà sự từ bỏ này do chính bản thân ông quyết định. Người nghệ sĩ ngã ở đâu thì hoàn toàn có thể đứng dậy ở đấy, họ vẫn có thể làm lại, nếu họ biết cách. Chỉ khi họ buông tay, tự bỏ cuộc chơi, họ mới tự “phong sát” chính mình. Giới văn nghệ sỹ Việt Nam không thiếu minh chứng cho điều đó.

Chẳng hạn như Bằng Kiều – Thu Phương, Ngọc Huyền, hay điển hình nhất là Khánh Ly đã có lúc phải rút khỏi đời sống văn hoá nghệ thuật trong nước vì bị coi là phản động, có những hoạt động chống phá mạnh mẽ Việt Nam. Nhưng thử nhìn xem, bây giờ họ quay lại, được đón nhận, được lên truyền hình nhà nước và được tung hô như chưa từng có lỗi lầm nào trong quá khứ. Tức là scandal không bao giờ “giết chết” được nghệ sĩ, chỉ có nghệ sĩ tự giết chết nghệ sĩ mà thôi.

Quay trở lại câu chuyện của Phan Anh. Phan Anh đã mắc rất nhiều sai lầm về truyền thông và không ít nghệ sĩ cũng đang sai lầm theo cùng một cách như vậy. Và trong đó, lỗi lớn nhất chính là anh ấy, và nhiều nghệ sĩ hiện nay, đều nghĩ rằng mình bị oan, khi xảy ra khủng hoảng.

Họ phải hiểu rằng bất luận câu chuyện đúng sai thế nào, thì họ cũng đã có một cái lỗi rất lớn. Đó là lỗi “làm cho công chúng ghét”, làm cho công chúng hiểu lầm. Họ phải hiểu rằng: Nghệ sĩ không kiếm tiền theo cách của một doanh nghiệp bình thường. Họ sống được là bởi tình yêu thương của khán giả, của người hâm mộ. Nhan sắc, tài năng, đúng sai phải trái chỉ là công cụ để chiếm được trái tim khán giả. Thành công hay thất bại là nhờ tình yêu từ khán giả. Và đó là thứ vĩnh viễn không bao giờ có được từ một quyết định trên tòa án. Nếu cho rằng tòa án đưa phán quyết A đúng chị B đúng rồi khán giả sẽ phát sinh lòng yêu thương thì đó là một giấc mộng viển vông.

Khi bạn để khán giả ghét bạn, bạn đã sai. Bạn phải đi giải quyết thực trạng đó bằng cách làm cho người ta đồng cảm, thương quý mình. Bạn phải giải quyết ở góc độ “tôi đã sai”, còn nếu bạn cứ mạnh miệng tuyên bố: “kiện tôi đi”, “bóc tôi đi”, câu chuyện sẽ không bao giờ giải quyết được. Khán giả đang muốn nghệ sĩ nhận sai, thì việc cố chứng minh mình đúng là một hành động sai lầm.

(?) Có khi nào những nghệ sĩ đó lo lắng rằng, việc họ xin lỗi và nhận sai sẽ khiến công chúng quy chụp rằng, họ có khuất tất trong việc làm từ thiện?

Nghệ sỹ cần gì phải lo như vậy vì dư luận đã đang quy chụp rồi đấy thôi? Nhưng tại sao người ta quy chụp? Vì cách làm của những nghệ sĩ đó không đúng từ đầu.

Những nghệ sĩ này phải hiểu họ đã sai về mặt quy trình làm từ thiện chuyên nghiệp, họ không làm cho khán giả thấy họ minh bạch trong tài chính thì khán giả mới quay ra quy chụp. Còn tôi biết trong đó có những thứ là dư luận đang làm quá lên thật.

Nhưng việc nghệ sỹ làm 10 sai 1 là có, và có hiển nhiên. Dư luận đã quy chụp rồi thì còn quan trọng gì chuyện bạn nhận hay là không? Trong đầu khán giả đã có một phiên tòa và đã có phán quyết xong xuôi.

(?) Từ những câu chuyện kể trên, theo anh, có phải đã đến lúc người nghệ sĩ không nên mang những câu chuyện ngoài sân khấu lên truyền thông để đánh bóng tên tuổi, khi mà những lùm xùm này hoàn toàn cónh thể hủy hoại danh tiếng của họ?

Không phải vậy. Tôi rất khuyến khích các bạn nghệ sĩ làm truyền thông, nhưng phải làm truyền thông thật là khéo léo. Nguyên tắc cơ bản nhất là “hãy để người thứ ba nói về bạn”. Chứ đừng suốt ngày livestream để tự nói về mình. Hành động ấy có lợi trong ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về lâu dài vì nó dễ gây phản cảm.

Một thí dụ điển hình là cặp vợ chồng nghệ sỹ Lý Hải – Minh Hà. Họ làm từ thiện tốt hơn một số nghệ sỹ ở khoản sao kê, nhưng nói là đúng hoàn toàn theo quy trình từ thiện chuyên nghiệp thì chưa phải. Nhưng tại sao mọi người không ném đá, mà khen ngợi hết lời? Vì họ có bao giờ vỗ ngực khoe khoang là họ minh bạch đâu. Tự khán giả thấy thế và khen như thế. Đấy là “để người thứ 3 nói về mình”.

Hoặc trường hợp hoa hậu H’Hen Niê, cô ấy làm từ thiện trong những ngày diễn ra dịch Covid-19 và cứ chuyên tâm, cặm cụi làm điều đó. Công chúng sẽ nhìn được tấm lòng của Hhen Niê, họ tự chia sẻ và ngợi ca bởi nghĩ “thật thiệt thòi cho cô ấy” nếu không được tung hô.

Nguyên tắc làm từ thiện đơn giản dành cho nghệ sĩ: Hãy làm với cái tâm, hãy làm thật, và đừng ngại PR

Thêm một chú ý, nếu muốn truyền thông bài bản khi làm từ thiện, bạn phải truyền thông kết quả chứ đừng chỉ nói tới quá trình. Thí dụ, bạn đi xây cầu giúp một xã nghèo, bạn hãy chờ một năm sau rồi đến đó ghi lại cảm nhận của người dân ở đó, quay chụp hình ảnh những đứa trẻ đi học dễ dàng an toàn ra sao. Đó là chính là kết quả. Kết quả bao giờ cũng mang lại cảm xúc và giá trị nhiều hơn là quá trình bước đầu.

Nhưng tôi hỏi thật nhé, bao nhiêu nghệ sỹ khi làm từ thiện nghĩ tới những tác động xã hội mà việc mình làm có thể mang lại một cách thực sự? Hay miễn sao hành động đó được ghi nhận, được quay phim chụp hình tung lên báo chí để chạy các tít bài PR thật kêu là hoàn thành nhiệm vụ, còn đối tượng thụ hưởng chỉ là công cụ để họ đạt được mục tiêu? Vì thế, đòi hỏi họ phải theo sát cả một quá trình, phải nín nhịn chờ tới khi tác động xảy ra, kết quả xuất hiện mới PR thì chắc là tôi hơi tự tin thái quá!

(?) Theo anh, nguyên nhân của những lùm xùm này có khi nào là bởi những nghệ sĩ lâu nay đã quen với danh vọng và sự tôn vinh của công chúng?. Họ chưa thích nghi với những thay đổi của khán giả?

Đúng vậy! Các bạn nghệ sĩ hiện tại đang hơi “xui xẻo”, họ sống đúng vào thời điểm mà khán giả ngày càng tinh nhạy, thông minh. Quyền lực của công chúng đã thay đổi. Nói cách khác, thời điểm này như một đường biên, họ sẽ là những người hy sinh để lớp nghệ sĩ sau nhìn vào và coi đó là bài học cho mình.

Đừng ảo tưởng rằng mình quyền lực, mình là ông vua bà chúa, mình có thể hô mưa gọi gió hay đứng trên dư luận. Những điều đó là có thật trước khi câu chuyện này xảy ra. Đúng là họ đã từng có những đặc quyền đặc lợi, và bây giờ họ không khỏi bị sốc. Các nghệ sĩ lứa sau sẽ nhìn vào đó và rút kinh nghiệm thôi, rồi showbiz sẽ không xảy ra những câu chuyện tương tự như thế này nữa!

(?) Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!


Nguồn: Blogger Nguyễn Ngọc Long trả lời phỏng vấn báo Dân Việt

Jack lên sóng truyền hình bất chấp bê bối tình ái: Xem thường khán giả?

Your email address will not be published. Required fields are marked *