Please log in or register to do it.

Các em nhớ kỹ nhé, xử lý khủng hoảng truyền thông không-bao-giờ bắt đầu bằng câu hỏi “Xử lý cách nào” mà bằng câu hỏi “Có cần xử lý hay không”.

Đặt câu hỏi sai, tự khắc chuỗi hành động đằng sau sẽ sai theo, và chúng ta tự đưa mình vào thế khó. Case gần đây của TS Vũ Thành Tự Anh (trường Fulbright) và ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đều mắc cùng một lỗi này.

TS Vũ Thành Tự Anh – Tổ trưởng tổ tư vấn chống dịch của UBND TpHCM bị bác sĩ Trương Hữu Khanh cáo buộc đưa ra dự báo dịch sai, dẫn tới việc Sài Gòn be bét vì covid. Bác sĩ Khanh nói vui rằng Fulbright nên đổi tên thành Fuldark hoặc là Fuleft sau vụ tư vấn quá flop lần này.

TS Tự Anh đã nhanh chóng lên trang cá nhân đính chính, cũng như thả comment dài dằng dặc vô bài đăng của BS Khanh. Bài đính chính có vài luận điểm, đại khái nói rằng dự báo chỉ là dự báo, lỗi không phải do TS Tự Anh và êkip. Đặc biệt, TS Tự Anh nói rằng xin nhận trách nhiệm cá nhân, chứ việc này không liên quan gì đến Fulbright.

Tuy nhiên, rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu cho rằng việc này chỉ là dự án cá nhân, vậy tại sao vài tháng trước, khi mô hình dự báo được tung lên báo chí, tất cả các bài báo đều nói rằng đây là dự án của nhóm chuyên gia Fulbright thì TS Tự Anh và êkip không đính chính? Chỉ đến bây giờ, khi Sài Gòn có hàng nghìn người chết và dự báo bị chỉ trích thì TS Tự Anh mới phủ nhận sự liên quan?

Đáng buồn hơn, bài đăng của TS Tự Anh trở nên lố bịch khi rất nhiều người đã kịp chụp lại một post trên chính fanpage của trường Fulbright vào thời điểm dự báo được đưa ra nói rõ dự báo là thành quả của Fulbright. Và đến bây giờ, post này đã bị xóa đi.

Nếu bình tâm lại, TS Tự Anh nên đặt ra câu hỏi: Vì sao anh lại cần phải đính chính? Đính chính để được gì?

Cô giáo sẽ trả lời luôn: TS Tự Anh là một nhà khoa học, và nói một cách “hơi khó nghe” thì uy tín của TS Tự Anh – của một nhà khoa học – thực ra không bị sứt mẻ gì khi dư luận – người dân phản ứng và hiểu sai. Nó chỉ có vấn đề nếu các cơ quan đoàn thể, các tổ chức, và các nhà khoa học khác thấy rằng nó có vấn đề.

Mà với nhóm người đã được liệt kê, cô giáo không cho rằng phần đông trong đó lại ngây thơ tới mức không hiểu thế nào là dự báo. Không hiểu cái khó của người làm tư vấn, và họ rất khó quy kết việc bùng dịch của Sài Gòn cho trách nhiệm cá nhân của TS Tự Anh cũng như êkip.

Tóm lại, nếu đánh giá đúng mức độ leo thang của khủng hoảng, thì lời khuyên trong trường hợp này là nên im lặng. Hoặc nếu bức xúc quá cần giải thích, TS Tự Anh có thể chọn một kênh truyền thông hẹp, diễn đàn của các nhà trí thức để phân bua, thay vì đưa tuyên bố trên kênh đại chúng.

Trong thực tế, công chúng không quá quan tâm đến những thứ “nhức đầu” của các nhà khoa học. Họ đơn giản nói rằng êkip đã sai còn cãi cố. Và đặc biệt, họ xoáy sâu vào cái-sai-rõ-ràng trong việc phủ nhận vai trò cá nhân hay vai trò tập thể (trường Fulbright) trong khủng hoảng này. Vốn là điểm yếu mà TS Tự Anh không thể nào “cãi” được.

Điều tương tự cũng xảy ra với case cung đấu của Đàm Vĩnh Hưng và bà Phương Hằng.

Bà Phương Hằng livestream gọi đích danh tên Đàm Vĩnh Hưng, nói rằng số tiền từ thiện anh quyên góp lên tới gần trăm tỷ và thách anh đưa ra sao kê.

Đáp lại, Đàm Vĩnh Hưng cũng lên một video thách ngược bà Phương Hằng đưa ra bằng chứng nhưng anh tự đưa mình vào hố khi nhắc đi nhắc lại rằng bà Hằng phải chứng minh số tiền anh nhận được là 96 tỷ “không sai dù chỉ một zem”.

Thực ra, mấu chốt trong tuyên bố của bà Phương Hằng là Đàm Vĩnh Hưng đã không giải ngân hết số tiền từ thiện. Còn Đàm Vĩnh Hưng lại xử lý bằng tuyên bố “con số tôi nhận được không phải là 96 tỷ”.

Các em đã thấy rõ vấn đề chưa: Hai cái này nó hoàn toàn không liên quan và cũng không có liên đới đến nhau!

Giá như Đàm Vĩnh Hưng nhìn rõ nguồn cơn đám cháy nằm ở chỗ “không giải ngân hết tiền từ thiện” thì anh sẽ biết rằng thực tế nó là như vậy. Điều đó đã xảy ra rồi chứ không còn là đồn đoán gì nữa. Câu chuyện này lý ra đã chấm dứt từ tháng 6/2021 với con số 1,43 tỷ.

Đàm Vĩnh Hưng giải ngân 1,43 tỷ SAU KHI bị mang tiếng là om tiền một thời gian. Và thực tế, với cách làm “nghệ sỹ” của mình, Đàm Vĩnh Hưng không chứng minh được con số chính xác là 1,43 tỷ hay 1,43 tỷ 500 đồng lẻ. Và tóm lại, đó là cách làm từ thiện kiểu “áng chừng”.

Áng chừng như vậy có sai không? Có. Vì về nguyên tắc, một đồng từ thiện cũng không được đụng vô. Nhưng có đáng trách không? Có và không. Ai ghét thì họ đã trách rồi. Còn ai thương thì họ sẽ không coi đó là vấn đề quá lớn. Ai ghét thì họ sẽ cho rằng con số áng chừng là 1,43 tỷ nhưng con số thật có thể là 143 tỷ hay 143.000 tỷ. Ai thương thì họ sẽ cho rằng con số thật có thể chưa tới 1,43 tỷ mà ca sỹ phải bỏ thêm vô. Hoặc nếu con số thật có vượt quá 1,43 tỷ thì họ cũng tự cho rằng Đàm Vĩnh Hưng có lý do để trừ qua sớt lại.

Như vậy, trong khủng hoảng này, kể cả khi Đàm Vĩnh Hưng chưng ra được sao kê là chính xác 1,43 tỷ như anh tuyên bố không thừa không thiếu một đồng thì ai ghét vẫn ghét, vẫn nghi; còn ai yêu thì vẫn yêu không đổi. Vậy Đàm Vĩnh Hưng lên video tuyên bố đòi bà Hằng phải chứng minh anh đã nhận 96 tỷ thực ra vô nghĩa. Nó không những không giải quyết được việc gì, không cứu vãn được miếng uy tín danh dự nào mà lại khiến câu chuyện tiếp tục bùng lên.

Và vâng, như case của TS Tự Anh, dư luận nhanh chóng tìm thấy một chi tiết mà Đàm Vĩnh Hưng “sai rành rành” để tấn công anh. Đó là yêu cầu “không được sai dù chỉ một zem”. Họ cười cợt và bình luận yêu cầu phi lý đó.

Cả TS Vũ Thành Tự Anh và CS Đàm Vĩnh Hưng đều đánh giá sai mức độ leo thang khủng hoảng truyền thông!

Khi cô giáo biên tút này, thì TS Tự Anh đã ẩn hoàn toàn các bài đăng trên facebook. Đó là cách xử lý hoàn toàn đúng. Đàm Vĩnh Hưng cũng nên làm y như vậy, đó là im lặng cho qua.

Đánh giá sai mức độ leo thang khủng hoảng là cách nhanh nhất để tự thổi bùng ngọn lửa khủng hoảng truyền thông cho chính bản thân và doanh nghiệp của mình. Các em nhớ nhé.

P/s: Khuyên là khuyên như thế, chứ cô nghĩ TS Tự Anh là nhà khoa học thì việc im lặng sẽ dễ hơn người “bạo truyền thông” như Đàm Vĩnh Hưng rất rất nhiều lần.


Nguồn: Facebook blogger Nguyễn Ngọc Long

Vụ Ireland thu hồi lô mì Hảo Hảo vì chứa chất gây hại sức khoẻ: Đại sứ thương hiệu nên xử lý thế nào?
Đưa quan điểm trên mạng xã hội: Thế nào là tự do ngôn luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *