Please log in or register to do it.

Không nhớ chính xác, nhưng có thể bắt đầu từ khi học lớp 3 hay 4 thì mình đã mê “công nghệ”. Chữ “công nghệ” được đặt trong nháy nháy, vì nói cho chính xác hơn thì mình khoái lập trình. Mà cái sự khoái trá đó bắt nguồn từ việc mình bị nghiện game. Chắc nhiều người bất ngờ khi biết mình đã có giai đoạn bị nghiện game. Quả thật hồi đó sao mà nghiện dữ dội vậy không biết nữa. Lúc ấy mình chỉ gọi là “đi chơi điện tử” hay “đánh game 4 nút”. Mãi đến những năm lớp 7, 8 mới có “game 6 nút” là hiện đại lắm rồi.

Ngót nghét 12 năm sau, mình mới biết “cái đó” bây giờ được các bạn trẻ gọi là Gameboy Advanced. Nghe hết sức sang trọng và đẳng cấp.

Một thời say mê

Mình say mê chơi Mario truyền thống, Nấm đuôi, Nấm mèo, Nấm chó, Natra cứu mẹ, Bắn tăng, Rambo, Ninja rùa, Đá banh, Lý Tiểu Long… Ôi nhiều lắm, chắc phải đến cả mấy trăm trò. Nhiều khi nhìn chằm chằm vào màn hình TV (chơi trên TV chứ không phải trên computer nhé) mình tự hỏi: tại sao lại có trò chơi điện tử? Rồi mình tự trả lời: ờ, tại vì có người sản xuất ra.

Rồi làm sao người ta sản xuất ra được, tại sao bấm vào nút sang trái sang phải thì nhân vật của mình đi được, tại sao bấm vào nút A, nút B thì nó nhảy hoặc là đánh đấm được? Mình tự trả lời: tại vì nó đã được “cài đặt” sẵn như vậy rồi; và chắc là mấy cái “cài đặt” đó được “ghi nhớ” vô cái băng trò chơi.

Và mình đi khắp nơi, gặp tất cả những người mà mình nghĩ là có thể biết được bí mật chỉ để hỏi một câu duy nhất: làm sao để làm ra được cái băng trò chơi điện tử như vậy? Chẳng ai trả lời được câu hỏi đó cho đến một ngày, có người nói với mình là “nó” đã được lập trình. Và muốn làm được thì phải học lập trình.

Mình đã đến với lập trình như vậy đó. Với một quyết tâm là phải làm cho ra được cái băng trò chơi điện tử. Lần đầu tiếp xúc với máy tính là lớp 8, nhưng 10 năm sau đó mình mới lần đầu tiên trong đời tự tay viết được một chương trình chạy bằng hợp ngữ, sau đó dịch ra mã máy, ép xung vào một con Chip, mang con chip đó gắn vào một bộ đèn LED 18 bóng, cắm điện và chờ kết quả…

Những bóng đèn sáng rồi tắt theo một chu trình, tạo ra những “hình vẽ” – với cảm nhận của mình là – đẹp vô cùng tận. Mặc dù nó chỉ đơn giản là tạo ra các đường thẳng hoặc chéo. Nhưng mình hiểu rằng, với nguyên lý đó, mình đã có thể làm ra được mọi thứ – nếu có đủ thời gian và đầu tư công sức. Mình đã trả lời được câu hỏi từ ngày xưa: làm sao người ta tạo ra được cái băng trò chơi điện tử!

Hôm rồi, sau khi mình viết một loạt bài về iPhone và công nghệ 3G, lúc đi cafe cà pháo, cô em gái đã đặt một câu hỏi rất shock hàng: tại sao em lại phải sử dụng 3G trong khi máy tính của em lúc nào cũng nối mạng ADSL còn điện thoại thì lúc nào cũng có sẵn sóng Wifi? Mình bảo: sẽ có những lúc em chẳng thể có sóng wifi… “Thì em đợi về nhà có wifi rồi tính tiếp” – cô bé nhanh nhảu cướp lời. Và mình cũng “giật mình” ngẫm nghĩ. Giả sử mình chụp được một tấm hình đẹp, quay được một video clip hay, tại sao mình “không thể” chờ đến chỗ có Wifi để chia sẻ lên facebook mà cứ phải bật 3G rồi “làm ngay cho nóng”, tại sao phải tốn tiền như vậy?

[youtube http://www.youtube.com/watch?v=videoseries?list=PL64E01F69098BE717&hl=vi_VN&w=500&h=284]

Câu hỏi đó cứ chao qua chao lại cho đến buổi tối hôm nay, mình đi nghe Quang Hà hát ở Saigon Xanh. Tất cả những việc như móc điện thoại ra quay film, edit, rồi upload lên facebook mình làm gần như vô thức. Giống như một thói quen khó bỏ. Sóng điện thoại trong phòng trà hơi yếu nên tốc độ 3G cũng khá chập chờn. Mình hơi nản và tự nhủ, thôi để về nhà lấy ADSL upload cho nhanh. Và ngay trong khoảnh khắc đó, mình đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của cô bé, tại sao phải có 3G?

Dù có sử dụng iPhone 4 nhưng trong điều kiện ánh sáng kém nên chất lượng video thu được không hề tốt. Chưa kể trước khi upload phải nén lại một lần nữa, nên video mà mình upload lên facebook không có gì nổi trội về hình ảnh. Âm thanh thì đương nhiên cũng chẳng tốt bằng các file nhạc MP3 có đầy rẫy trên Internet.

Thế nhưng, có một thứ mà chẳng cái video clip “chính hãng” nào có được, đó là cảm xúc. Cảm xúc khi nghe hát và một sự thôi thúc mãnh liệt cần phải chia sẻ điều đó. Vậy là, cô em gái ạ, em không cần 3G để upload một bài hát hay một video lên mạng, mà em đang cần 3G để lưu giữ và chia sẻ cảm xúc với một ai đó, ngay lập tức, trên Internet. Wifi không đủ xa và đủ nhiều, còn GPRS lại không đủ mạnh để giúp em làm được điều đó mọi lúc mọi nơi, như cách mà 3G đang thực hiện.

Khó tiếp nhận vì chưa đi vào đời sống

Nhớ hồi xưa đi học về truyền thông, Thầy giáo có nói một ý rằng các sản phẩm “trình thấp” sẽ nhấn mạnh các lợi ích về mặt chức năng, còn các sản phẩm “trình cao” sẽ nói tới lợi ích về mặt cảm xúc nhiều hơn. Ví dụ như “Óng mượt như tơ” và “Sự lôi cuốn kỳ diệu từ mái tóc” là 2 thông điệp rất rõ cho những ví dụ kiểu này. Thế nhưng nhìn vào các thông điệp quảng cáo 3G, có vẻ như các nhà mạng chưa tập trung nhiều lắm vào ý nghĩa cảm xúc của công nghệ mà chỉ nói khơi khơi những thông điệp rất khô khốc và “nặng nề” về kỹ thuật như kiểu Internet mọi lúc mọi nơi, video call, chat liền tay, coi TV, nghe nhạc, xem phim… Họ đã nhấn được vào tiện ích “mọi lúc mọi nơi” nhưng lại bỏ qua mất 2 yếu tố rất quan trọng là “chia sẻ” và “ngay lập tức”. Mình nghĩ, công nghệ được phát minh ra là để phục vụ cho đời sống, và rất nên để cho những người tiêu dùng bình dân nhất nhìn xuyên vào phía sau công nghệ, để thấy được công nghệ A, B nào đó phục vụ thế nào cho cuộc sống thường ngày của họ.

Nói một cách bình dân thì cô em gái ạ, 3G rất hữu dụng trong những trường hợp mà em cảm thấy “không thể trì hoàn cái sự sung sướng này lại được”. Ví dụ cụ thể là như ngay tại thời điểm bây giờ, khi anh đang ngồi viết blog entry thì cúp điện. Nhưng không sao cả, vài phút nữa viết xong anh sẽ lại copy vô điện thoại, bật 3G để gửi email được cho em và post lên mạng ngay lập tức.

Cảm ơn em vì đã đặt cho anh câu hỏi. Và cảm ơn ca sỹ Quang Hà vì những bài hát đầy cảm xúc đã gián tiếp giúp Mèo Mun “khơi nguồn sáng tạo”.

Xin lỗi em chỉ là... của Hoàng Lê Vy - Clip ca nhạc hay phim kích dục?
Show bị huỷ, thiệt hại "nhiều tỷ đồng", Chế Linh nhập viện cấp cứu?

Your email address will not be published. Required fields are marked *