Please log in or register to do it.

 

> Phần 4 – http://on.fb.me/172KdFU
> Phần 3 – http://on.fb.me/10uo3Zn
> Phần 2 – http://on.fb.me/10tgli1
> Phần 1 – http://on.fb.me/10tgmCH

Tôi đang ngồi trong phòng để chờ sạc pin điện thoại thì chú Giàu bước vào phòng, với một vẻ mặt rất… bình thường (vì ngoại trừ lúc chú cười thì hiếm khi chú thay đổi biểu cảm khuôn mặt qua xì-tai khác). Chú hỏi tôi vừa rồi cháu có chụp được tấm hình nào của tụi nó không? Tôi hỏi lại hình gì hả chú, thì chú nói tàu hải giám Trung Quốc nó cắt ngang mũi tàu mình. Cháu không biết hả? Không ạ, cháu ở trong phòng chờ sạc pin nãy giờ, nó đã đi chưa chú? Chưa. Nó vẫn ở ngay bên cạnh.

Tôi rút luôn chiếc điện thoại ra khỏi dây sạc rồi ù té chạy 2 tầng cầu thang lên mạn phải tàu và đã thấy rất đông người lố nhố xì xào bình phẩm, có người tỏ vẻ căm tức, có người lại đứng cười đùa, có người thì giơ điện thoại máy ảnh lên cố chụp ké tấm hình. Vì khi này, tàu hải giám đó đã đi cách tàu HQ960 một khoảng khá xa. Tự nhiên tôi thấy nóng ruột mà chẳng rõ tại sao. Tôi nghĩ tức quá, giá mà mình có mặt khi đấy để coi tụi nó tỏ thái độ thế nào? Đúng là cái điện thoại mắc dịch, hết pin đúng lúc nước sôi lửa bỏng! Rồi chợt nhớ ra, tôi chạy lên boong chỗ phòng thủy thủ, chui vào trong đó mượn thuyền trưởng chiếc ống dòm để đi xem… tàu địch!

Sau một hồi căng mắt ra căn chỉnh thì tôi cũng thu được vào tầm nhìn của mình khung cảnh rất… đáng ghét trên con tàu đó. Nói chung, đó là một con tàu vô cùng hiện đại, khang trang và rất mới. Trên tàu có trang bị vũ khí, có dòng chữ tiếng Trung Quốc chạy ở mạn tàu và cũng có những người mặc đồ thủy thủ đang lấy ống nhòm ra theo dõi tàu HQ960 của chúng tôi. Đúng lúc này, trên biển bất ngờ xuất hiện thêm 2 chiếc tàu đặc công của Việt Nam đi lại góp vui. Đại tá Kính cất giọng nói oang oang “các bác ơi, thôi có gì đâu mà bàn tán, tàu mình đi lại gặp nó suốt mà”.

Đại tá Kính nói rằng 2 tàu đặc công đi theo hộ tống đoàn công tác từ quân cảng Cam Ranh và đã bị phía Trung Quốc “để ý” rồi. Căng thẳng tăng cao khi đêm hôm qua tàu HQ960 “vô tình” đi quá sâu vào khu vực lãnh hải của đảo Châu Viên (là đảo của Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trên thực tế). Tự dưng thấy 2 “ông” đặc công chạy qua chạy lại, bữa nay phát hiện thêm một ông cứu hộ to đùng này nữa nên nó sợ, mới phải điều “thằng” hải giám sáp vô coi mặt chứ không có gì đâu các bác ơi. Mình sắp tới An Bang rồi, bố bảo nó cũng không dám ho he sáp lại gần thêm phát nữa!

Tôi nghe nói mà… vui gần chết! Tôi trả lại ống nhòm cho thuyền trưởng rồi lại ù té chạy xuống dưới phòng khoe “thành tích” với chú Giàu. Tôi bảo chú ơi, hóa ra tụi nó e dè mình chứ không có gì đâu. Tàu đặc công mình mới “hiện hình” kìa, chú lên coi mau lên. Đấy, suốt mấy hôm rồi chú cứ thắc mắc chẳng thấy tàu chiến của Việt Nam đi qua đi lại, bây giờ xuất hiện một phát hẳn 2 cái nhé. Chú đã “thỏa mãn” chưa?

Nét mặt chú Giàu lúc này giãn ra và chú nở một nụ cười, chú bảo tôi “Vậy à, để chú lên xem thử”. Rồi tới lúc đứng ở trên boong, chú Giàu lại nói “Uh phải vậy mới được chứ. Nhưng mà… có 2 tàu vẫn ít, phải có vài chục cái tàu chiến đi lại thế này mới có tính răn đe. Phải có thật nhiều tàu chiến bảo vệ ngư dân”.

Tôi bảo eo ơi chú khó tính thế. Lúc đầu thì kêu là chẳng thấy cái nào, giờ thấy rồi lại đòi hai chục chiếc. Tiền ở đâu mà mua hả chú? Chú Giàu lại cười rồi nói thì mình đã làm tốt nên làm cho tốt hơn nữa chứ. Chú bảo cháu coi có sóng điện thoại chưa, giúp chú gửi hình về cho “nhóm ở nhà” coi đã.

Rồi chú mở điện thoại ra cho tôi coi, khoe tấm hình chú chụp với tàu hải giám Trung Quốc. Chú bảo lúc “thằng này” xuất hiện, chiến sĩ trên tàu “xua” mọi người vào hết trong khoang, không cho đứng 2 bên mạn vì sợ có gì bất trắc xảy ra. Chỉ có mỗi mình chú nhất quyết không chịu vào, lại đưa điện thoại nhờ một chị bên báo Quân Đội Nhân Dân đứng từ trong chụp ra cho chú một kiểu hình.

Chú bảo thấy chú chụp hình phanh ngực chưa? Tôi bảo cháu tưởng “thời trang” này cũng bình thường nên thực tình không để ý. Chú nói chú đã phanh ngực ra đứng “trước mũi” tàu của nó để cho nó biết rằng chú không có sợ, và sẵn sàng “đánh nhau” với nó. Nó thích thì mình chiều thôi, chết chú còn không sợ chứ có gì chú phải sợ mấy thằng giặc cỏ này?

Tôi nghe chú Giàu nói, rồi lại cẩn trọng coi lại bức hình trong điện thoại. Quả tình nếu không có thuyết minh của chú thì tôi cũng không biết là chú đang… phanh ngực! Vì cái áo vẫn y nguyên, chỉ có vài cái nút phía trên được cởi ra hơi kéo xệch đi một chút. Lúc chú đứng chụp hình, là thời điểm tàu hải giám Trung Quốc đang đi sát tàu HQ960 nhất nên “hậu cảnh” nhìn khá rõ.

Nếu người coi hình không phải là tôi chắc sẽ thấy bức hình có vẻ rất… buồn cười với một ông già mặt ngẩng cao kiêu hãnh, quần áo xộc xệch cố tỏ vẻ anh hùng! Nhưng tôi không nghĩ thế. Vì đã từng ngồi hàng giờ đồng hồ nghe chú Giàu kể lại những giây phút đối mặt với sự sống và cái chết, những lúc chú vững trí bền gang trước đòn tra tấn kinh khiếp của kẻ thù nên cảm giác của tôi lúc đó hoàn toàn là cảm phục.

Tôi nhìn thấy trong dáng vẻ bé nhỏ và già nua đó một sự dũng cảm và kiên cường không thay đổi dù đã trải qua bao nhiêu năm sóng gió của một kiếp người. Tôi nghĩ nếu có trong tay một khẩu súng phóng lựu vào lúc đó, chắc chắn chú sẽ giơ lên bắn thẳng vào con tàu hải giám xấc xược của Trung Quốc thay vì đưa tay kéo xệch vài chiếc nút áo xuống một cách “đáng thương” như vậy.

Khoảnh khắc đó tôi cũng chợt nhận ra rằng tận sâu thẳm trong con người của chú (và có thể nhiều người khác nữa) là một trái tim nồng nàn yêu nước. Một khao khát đến tột cùng việc bất chấp tính mạng của mình để đấu tranh cho sự toàn vẹn chủ quyền của quê hương, giống như công việc chú đã làm mấy chục năm về trước.

Tôi đưa điện thoại lại cho chú và bảo, thôi chú ạ, lần sau mà như thế chú cũng đừng “lên gân” quá. Chú cứ đứng ở ngoài đó, lỡ như tụi Trung Quốc nó mang vòi rồng ra phun nước vào người chú thì chú tính sao? Có cả trăm người ở trên tàu, chiến sĩ thì không đáng bao nhiêu, làm sao canh chừng được hết. Lỡ như có việc gì xảy ra thì tội cho mấy em đó lắm chú à. Cháu biết là chú không sợ tụi Trung Quốc nhưng mình có thể làm liên lụy người ta, tội nghiệp.

Chú Giàu mới bảo là chú biết, nhưng chú cũng chẳng yêu cầu ai phải bảo vệ gì chú cả. Cháu có thấy cái tàu này suốt ngày phát radio thông báo tàu nước ngoài với cả tàu lạ, chú thấy vớ vẩn. Trong chiến đấu, cái quan trọng nhất là phải biết rõ kẻ thù. Mình không biết rõ kẻ thù thì mình biết chiến đấu với ai? Tàu nước ngoài là tàu của nước nào? Không lẽ kẻ thù của mình là tàu của cả thế giới hay sao? Tôi im re, một hồi bảo thôi xuống ăn cơm chú ơi rồi cúp đuôi chạy về phòng “trốn”.

Từ đầu đến cuối hành trình, chú Giàu rất ít “giao du” cùng “người lạ”. Chú chỉ hay nói chuyện với tôi và một bác là nhà biên kịch ở cùng phòng. Mà khổ cái bác biên kịch này thì cực kỳ vui tính và hào sảng, luôn ở trong trạng thái “tây tây”, mặt lúc nào cũng đỏ gay đỏ gắt, cười khà khà và giả dạng các vị lãnh đạo ngày xưa rồi diễn kịch. Thế là chú Giàu hay đi cùng tôi khi đặt chân lên đảo. Có lẽ vì mục đích chuyến đi của chú khác với mọi người nên cách “hoạt động”, hành tung và góc nhìn của chú cũng vô cùng… bí ẩn!

Khi tôi nói đời sống của các chiến sĩ ở đây tạm ổn thì chú bảo là chưa tốt; tôi nói chỗ này quá tốt rồi thì chú nói có thể tốt hơn. Tôi bảo đảo này quá trời vũ khí hạng nặng nhìn đã con mắt ha chú, thì chú bảo Trung Quốc nó “cho một nhát” là chết, phải mua sắm gấp 5 lần như thế! Tôi nói cái xe tăng này nhìn ngầu quá mà tiếc không được chụp hình, chú bảo cháu cứ chụp đi, vệ tinh Trung Quốc nó bay trên trời nó chụp được hết rồi, cần gì phải giấu! Tôi bảo chú ơi sao chú cứ nhìn mọi thứ tiêu cực thế hại não quá trời. Chú Giàu bảo là chú rất lo cho anh em chiến sĩ, ở nơi xa xôi hẻo lánh thế này chẳng biết đâu mà nói đâu cháu ạ.

***

Thực ra, dù có yêu quý và kính trọng chú Giàu đến đâu chăng nữa tôi vẫn không bao giờ có thể đứng chung một góc nhìn với chú. Bởi vì tôi với chú sinh ra ở hai giai đoạn khác nhau của đất nước, với hai hoàn cảnh sống khác nhau và trải nghiệm cuộc đời thì tôi còn thua xa chú nhiều nhiều lắm. Cũng giống như trường hợp của Tiến trong câu chuyện thứ 2, tôi chỉ có thể cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của chú để tìm cách hiểu và tôn trọng việc làm của chú. Chứ thực tình tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc đó là “sai” hay “đúng”.

Tôi nghĩ mỗi người có một lý tưởng sống khác nhau và sẽ sống chết đến cùng để bảo vệ lý tưởng của mình. Nhưng ít nhất chú cũng có những lời nói, việc làm và hành động khiến tôi phải nghiêng mình kính trọng. Có thể cách thức chú đang làm, con đường chú đang đi, chiếu theo quy định của luật pháp ở giai đoạn hiện thời và thể chế chính trị hiện thời là không phù hợp. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không nhìn thấy ở chú sự cực đoan mù quáng hay kiểu cào bằng đạp đổ tung hê mọi thứ mà một số vị dân chủ nửa mùa đang ngày đêm rao rảng.

Tôi khá dị ứng cụm từ “phản động” vì đơn giản nó tạo ra cảm giác không sòng phẳng. Tôi chia những người đấu tranh dân chủ ra làm hai dạng “trong sáng” hay “không trong sáng”, “người quân tử” hay “kẻ tiểu nhân”. Để quy hoạch các dạng người này, tôi chỉ đơn giản nhìn vào vị thế họ đứng, lời họ nói và việc họ làm. Chính vì thế tôi rất dễ dàng nhận ra những kẻ đang ăn trắng mặc trơn ở nước ngoài, ngày ngày lên mạng gào thét phán xét về những thứ mà họ chưa bao giờ nhìn thấy, trông thấy và trải nghiệm. Những kẻ chỉ muốn núp lùm kích động, giương cao ngọn cờ đấu tranh dân chủ kì thực đang ăn bẩn trên xương máu đồng bào, kích động hận thù để đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Đó đích thị là mấy kẻ tiểu nhân có động cơ không trong sáng, đầy toan tính và vụ lợi.

Với những kẻ như vậy, tôi không muốn chui vào cái giày của họ để cố hiểu họ làm gì cả. Tôi chỉ muốn rằng tất cả những người Việt Nam trong sáng khác, dù đang ở trong nước hay ở nước ngoài hãy thực sự hiểu nhau và chia sẻ với nhau. Bất kỳ một thể chế chính trị nào, bất cứ một đảng phái nào cũng có những điều tiêu cực và tích cực. Chúng ta nên sòng phẳng khi xét về các điều tốt xấu, một cách rạch ròi. Cái gì tốt thì nên ghi nhận, cái gì xấu thì mạnh dạn nêu ra và đấu tranh cho nó tốt đẹp hơn. Người nào xấu thì phê phán, người nào tốt thì phải nêu gương. Không thể vì 99 người xấu để rồi vùi dập luôn 1 người tốt hiếm hoi còn lại được.

Tôi theo dõi trên Youtube loạt phóng sự về Trường Sa của kênh truyền hình hải ngoại Phố BolsaTV. Tôi cũng đọc rất nhiều bài viết về chủ quyền biển đảo trên trang KBCHN (một cơ quan truyền thông người Việt ở nước ngoài). Hay đơn giản hơn là những cuộc trao đổi với chú Giàu – một nhà bất đồng chính kiến. Tôi thấy rằng họ là những người thực sự cầu thị và “quân tử” khi tham gia vào cuộc chơi chính trị. Dù rằng ông chủ của Phố BolsaTV hay KBCHN đều gặp những rắc rối không đáng có, thậm chí cả những cuộc biểu tình chống đối ngay chính tại cộng đồng vì cho rằng họ “đã thay đổi lập trường” khi nhận lời mời của Việt Nam ra thăm đảo và cùng ngồi lại nói chuyện để hiểu nhau hơn.

Hai cuộc chiến tranh đã xảy ra với nhiều hận thù chưa thể giải quyết rốt ráo trong một sớm một chiều. Tôi nghĩ, có những con người là “nạn nhân ngầm” của chiến tranh như trường hợp của Tiến mà tôi có đề cập trong câu chuyện thứ 2. Có những nỗi đau mà phải mất hàng chục năm mới có thể nguôi ngoai, thậm chí có thể mất cả một đời người. Đó thực sự là những bài toán không có lời giải đáp vẹn toàn. Nhưng còn chúng ta là những người trẻ, thế hệ chẳng mấy chốc nữa sẽ giữ vai trò làm chủ đất nước này, chúng ta có sẵn sàng ngồi xuống đặt mình vào hoàn cảnh của những người khác để thực sự hiểu nhau không? Hay vẫn u u mê mê quay cuồng như con rối theo sự chỉ đạo ngầm của những kẻ cơ hội và không trong sáng?

Tôi cho rằng nếu không tỉnh táo để phân biệt đúng sai, để thượng tôn tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào mình lên cao nhất, thì có thể chính chúng ta sẽ bị biến thành những nạn nhân của một cuộc “chiến tranh kiểu mới” đang được ngấm ngầm kích động từ những nhà dân chủ tiểu nhân, nửa mùa và không trong sáng. Đó là cuộc chiến của những người bị đẩy ra hai phía chỉ vì không có cơ hội thực sự hiểu nhau.

__ HẾT __

>>> Xin hãy bấm share để bày tỏ quan điểm ủng hộ tinh thần yêu nước chân chính và nói không với việc gây kích động hận thù dân tộc của những kẻ cơ hội.

>>> Thành thật xin lỗi vì chú Giàu nhắn lại với tôi rằng chú kém vi tính quá chưa biết chèn file qua email nên chưa gửi được “bức hình” – là hình chú chụp với tàu hải giám Trung Quốc qua cho tôi được. Xin được lượng thứ và sẽ bổ sung sau.

>>> Join group Những bài viết hay nhất trên facebook Nguyễn Ngọc Long Backmoon để không bỏ lỡ những bài viết quan trọng của mình.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 29, 2013 at 01:32AM)

Nhiệt tình + ngu ngốc = hiu hiu
Hãy kết bạn khi bạn thực sự quan tâm

Your email address will not be published. Required fields are marked *