Please log in or register to do it.

CÓ 3 CÂU CHUYỆN PHÍA SAU MỘT BỨC HÌNH (Phần 3)

> Phần 2 – http://on.fb.me/10tgli1
> Phần 1 – http://on.fb.me/10tgmCH

Buổi trưa hôm ấy, tôi đã “lấy hết can đảm” để kể cho Thầy nghe toàn bộ từ đầu đến cuối câu chuyện “tình ngay lý gian” mà tôi gặp phải. Sau khi kể xong tất cả, tôi nói với Thầy rằng tôi xin nghỉ học. Vì tôi không thể chịu đựng được tình cảnh này thêm một giây một phút nào nữa cả. Tôi nói với Thầy giáo chủ nhiệm của mình rằng tất cả mọi người có thể nghĩ sai về tôi nhưng tôi xin thầy hãy tin tôi, bởi vì từ tận sâu thẳm trong lòng, tôi kính trọng Thầy như người cha thứ hai của mình và tôi sẽ tổn thương ghê gớm nếu vì hiểu lầm mà Thầy không còn tin tôi như trước nữa.

Tôi nói với thầy rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất phải nghỉ học, tôi cũng không bao giờ có mảy may một nửa phần suy nghĩ trách cứ Thầy. Tôi chỉ buồn cho cái số của mình đã nghèo còn thêm tủi. Tôi nói với Thầy rằng cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ thôi căm thù lũ công an khốn nạn đã đẩy tôi vào đường cùng, khiến tôi chỉ sau một ngày đã biến thành một con người hoàn toàn khác với vết nhơ không thể nào gột rửa.

Thầy giáo im lặng ngồi lắng nghe tôi trình bày hết đầu đuôi câu chuyện rồi bảo với tôi rằng chiều nay Thầy cho em nghỉ, em hãy về nhà cho thật bình tĩnh lại, rồi suy nghĩ kỹ những gì Thầy nói, xem lại trong sự việc này ai là người đã gây ra chuyện? Tại sao người ta lại bắt em và tại sao người ta lại kết luận về em như thế? Thầy giáo nói rằng chuyện gì cũng có nguyên do của nó, và không ai trên đời này có thể tránh được những điều không may xảy đến. Nhưng quan trọng là người ta ứng xử với việc không may đó thế nào. Nếu em cho rằng việc căm thù tất cả những người công an trên đời sẽ giúp em nhẹ nhõm thì em cứ làm như vậy, và xem thử mọi việc có tốt hơn không? Nhưng Thầy tin rằng nếu em làm thế thì em sẽ đi từ sai lầm này qua sai lầm khác.

Thực sự đã có lúc Thầy hiểu chưa đúng về em nhưng rồi Thầy chấp nhận lắng nghe em nói. Bây giờ Thầy đặt địa vị của Thầy vào em để cố gắng hiểu những gì em đang trải qua và cảm nhận. Vậy em cũng nên làm như thế để hiểu những gì mà các bạn trong lớp, những người sống xung quanh em đang cảm nhận và hãy làm sao để người ta thay đổi suy nghĩ đó.

Thực sự khi nghe Thầy nói tôi cũng không đồng tình nhiều lắm và không có tâm trí đâu để mà suy nghĩ về chuyện đấy. Tôi chỉ hỏi lại Thầy duy nhất một câu “Thầy có tin em không ạ?”. Thầy giáo nói là “Thầy có tin em” và đối với tôi, như thế là quá đủ. Tôi đứng dậy chào Thầy và quyết tâm nghỉ học.

Thế nhưng buổi chiều ngày hôm đó, Thầy giáo lại dành ra thêm một tiết học nữa để nói gì đó với các bạn trong lớp về câu chuyện của tôi. Nội dung cuộc nói chuyện ấy tôi đã không bao giờ được biết, được nghe nói hay kể lại. Kể cả có năn nỉ từ những người bạn thân nhất của tôi như @Phuong Vu, Tuan Anh… Các bạn ấy chỉ nói với tôi rằng Thầy đã mang uy tín của mình ra để minh oan cho tôi trước lớp và vĩnh viễn từ đó câu chuyện của tôi đã không bao giờ được bất kỳ ai trong lớp nhắc lại thêm một lần nào nữa cho tới khi chúng tôi kết thúc lớp 12 vào năm 2001. Và theo thời gian, tôi cũng thấy rằng mình không cần thiết phải tìm hiểu sâu về nội dung câu chuyện buổi chiều hôm đấy nữa.

Tôi chỉ biết rằng, nếu không có sự tin tưởng, chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương của Thầy chủ nhiệm Phạm Văn Quyết của mình, thì chắc chắn cuộc đời tôi sẽ trở thành một thằng vô học, lang thang đầu đường xó chợ và cũng rất có thể đã trở thành một thằng ăn cắp thực sự mất rồi!

***

Có một đêm chạy xe lang thang với người bạn thân khắp nẻo đường phố Sài Gòn, chúng tôi dừng chân đứng nói chuyện trên cầu Thủ Thiêm lộng gió. Một bên là tòa nhà Bitexco cao 68 tầng lừng lững, một bên là khu Saigon Pearl đèn đuốc sáng choang như khung cảnh khu mua sắm sầm uất ở HongKong. Người bạn đó nói với tôi rằng Sài Gòn mình đẹp quá mà sao nhiều người cứ quyết tâm bỏ nước ra đi? Tại sao nhiều người cứ suốt ngày ở Hải Ngoại làm ra đủ thứ nói xấu Việt Nam rồi gây hận thù chia rẽ?

Tôi bảo là em đang ám chỉ trung tâm Thúy Nga hay ASIAN có phải không? Nó nói đúng là như thế. Bao nhiêu năm đã qua rồi, sao những người ấy không theo gương Nguyễn Cao Kỳ Duyên mà về nước làm ăn, khép quá khứ lại một bên rồi hướng tới những điều tốt đẹp hơn đang nằm phía trước? Nó bảo tệ nhất là ông Ngạn. Ông này chống cộng điên cuồng anh nhỉ, quá bảo thủ và thù dai, chẳng làm được điều gì tốt đẹp.

Tôi mới nhẹ nhàng giải thích “Em không phải người ta thì làm sao em biết. Hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của người ta để hiểu những gì người ta đã trải qua và cảm nhận thì em sẽ suy ra được tại sao người ta làm thế”. Nếu thực sự anh cũng giống ông Ngạn, phải mang cả vợ con lao đầu xuống biển rồi vợ chết con chết, gia đình ly tán, sau một đêm thức dậy thấy mình không còn một người thân thích trên đời thì anh cũng sẽ chống cộng điên cuồng còn hơn ông ấy hiện nay. Đừng nói là một cái trung tâm Thúy Nga quay lại Việt Nam mà cả thế giới này làm như thế anh cũng sẽ đi theo đường ngược lại. Có những nỗi đau mà có khi đến hết cuộc đời cũng chẳng thế nào nguôi ngoai được. Chúng ta nên tìm cách hiểu họ thì hơn.

Tôi lại kể cho người ban, người em đó nghe câu chuyện mấy năm về trước khi tôi vừa chân rướt chân ráo theo bác Phùng Tiến Công vào Sài Gòn làm trang nhacSO. Khi này trong đội hình đội ngũ của chúng tôi có một cậu bé làm kỹ thuật cực kỳ tài giỏi dù mới chỉ học năm 2 đại học. Nhưng “cái tật” của em này là… sống chết cũng “ghét tụi Bắc Kỳ”. Tôi hỏi tại sao, nhưng bác Công nói là “anh cũng không biết nữa”. Nó nói với anh như vậy và bảo là nể anh lắm mới chịu làm chung. Nhưng nếu em làm việc thì phải hết sức chú ý và đừng lấy làm bất ngờ nếu nó tỏ ra không hợp tác. Anh sẽ tìm cách từ từ khuyên giải nó thêm.

Và đúng là khi bắt tay vào làm việc tôi cũng đã được cậu em đó cho nếm đòn thế nào gọi là kì thị “tụi Bắc Kỳ”. Tôi nói nó không nghe, kêu làm nó cũng chẳng chịu làm, mặc dù tôi là sếp nó! Nó nhất quyết rằng chỉ nhận việc trực tiếp từ anh Công hoặc là nghỉ việc thôi không làm nữa. Nó nói nó đang làm freelance cho mấy công ty bên Ấn Độ đâu có thiếu tiền, đừng nghĩ nó cần việc ở đây. Và thế là tôi phải tìm cách khác.

Thật may mắn làm sao khi tuyển người bác Công đã tuyển 2 người một lúc, là em “kì thị Bắc Kỳ” và một em bạn thân của em này nữa. Tuy không làm việc trực tiếp với em kia được nhưng nếu tôi giao việc qua thằng nhóc còn lại thì tụi nó cũng vẫn sẽ hoàn thành. Rồi cứ như vậy một thời gian, qua những cử chỉ quan tâm thăm hỏi hết sức thật lòng, những lần rủ hai em đấy đi ăn uống và tâm sự tôi đã được nghe một câu chuyện gia đình hết sức đau thương. Và sau khi nghe kể thì tôi đã thấu hiểu tại sao thằng bé đó lại “kỳ thị Bắc Kỳ” và tôi nói với nó một câu rằng “nếu anh ở trong hoàn cảnh của em, chắc anh cũng sẽ làm như vậy”.

(Còn nữa)

>>> Join group Những bài viết hay nhất trên facebook Nguyễn Ngọc Long Backmoon để không bỏ lỡ bất cứ thông tin quan trọng nào trên facebook của mình.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 26, 2013 at 10:43PM)

Truyền thông - tiếp thị là cuộc chiến về nhận thức
Có 3 câu chuyện phía sau một bức hình (phần 2)

Your email address will not be published. Required fields are marked *