Please log in or register to do it.

Ba mẹ tôi vì hoàn cảnh riêng phải làm việc cách xa nhà cả 2000 cây số. Ở Hải Phòng chỉ có 3 chị em tôi sống cùng bà nội. Khi ấy tôi đang học cuối năm lớp 11, và bà thì vừa đúng 70, là cái tuổi “thất thập cổ lai hy” xếp vào hàng xưa nay hiếm. Bà đã rất vất vả, làm đủ mọi nghề mọi việc, lại phải đóng cả hai vai là ba và mẹ để chăm sóc nuôi nấng 3 đứa cháu. Mấy chị em tôi chỉ biết bảo nhau sống ngoan ngoãn, lễ phép và ráng học thật giỏi để cho bà được nở mày nở mặt.

Tôi tự hỏi mình đã làm gì thế này? Tại sao sự việc kinh khủng và xấu xa này lại dội bom xuống gia đình tôi như vậy?

Trong khi suốt đêm hôm đó tôi ngồi đối diện với chính mình trong cái căn phòng kinh khiếp đó và suy nghĩ xem mình sẽ làm gì để có thể vượt qua nỗi nhục nhã không thể nào gột rửa thì những gì xảy ra vào buổi sáng hôm sau khiến tôi không bao giờ muốn nhắc lại thêm một lần nào nữa. Tinh thần tôi bị “đao” trầm trọng và tôi nghĩ cuộc đời mình thế là xong. Số phận tôi coi như đã được định đoạt và rẽ sang trang khác.

Rồi thêm một lần nữa tim tôi như có ai bóp chặt và đập loạn xạ khi nghe có tiếng nói của Thầy giáo chủ nhiệm vọng vào. Tôi không nhớ chính xác khi đó Thầy giáo nói cái gì nhưng có vẻ rất to tiếng và đã xảy ra tranh cãi. Một lúc sau thì Thầy xuất hiện trước mặt tôi với dáng vẻ liêu xiêu vẹo qua một bên thường thấy vì cái cặp xách to và nặng. Thầy nhăn mày và hỏi tôi “Tại sao em lại thế này?”.

Tôi nghĩ lẽ ra mình đã khóc, khóc thật to và thật lớn khi gặp được Thầy vì cảm thấy đã được an toàn và che chở, nhưng thật lạ là tôi đã không làm như thế. Câu đầu tiên tôi nói với Thầy là “Thầy ơi, Thầy đừng nói cho bà em nghe Thầy nhé”. Nét mặt vẫn chưa giãn ra, Thầy bảo “Bà em đang ngồi đợi ở phía ngoài”. Đến lúc này thì tôi òa khóc nức nở và năn nỉ Thầy ơi Thầy đưa bà em về đi em xấu hổ lắm không dám gặp bà em đâu…

Nhưng không kịp nữa rồi. Thầy giáo đi ra phía ngoài và cũng lại tranh đấu gì đó để dắt bà tôi vào tận trong phòng để gặp. Bà mang theo một chiếc bánh mì pa-tê và 2 hộp sữa. Bà bảo là “con ăn đi cho đỡ đói”, “tụi nó có đánh con không?”. Tôi lắc đầu bảo là con không sao hết, người ta chỉ hỏi chuyện con thôi chứ không làm gì cả, bà cứ yên tâm về trước đi con sẽ về sau. Khi nói những câu đấy tôi không khóc. Tôi chẳng hiểu Thầy giáo đã nói những gì với bà nhưng bà cũng không khóc và tỏ ra cứng rắn một cách kỳ lạ.

Sau khi hỏi han một lúc thì Thầy bảo thôi bà yên tâm rồi nhé để cháu đưa bà về trước, một chút nữa cháu đón Long về với bà sau!

***

Suốt mấy hôm sau đó tôi nghỉ học và trốn tiệt ở trong nhà. Vì tôi có cảm giác nếu ló mặt ra đường thì cả trăm cả ngàn con người ở ngoài kia sẽ nhìn tôi như một thằng ăn cắp. Tôi cảm thấy cuộc đời mình đầy một màu đen và xấu hổ với chính cả những người trong gia đình nữa, dù tuyệt nhiên không một ai đả động gì đến sự cố không may đấy. Thậm chí mấy cô chú hàng xóm và ông “tổ trưởng” còn qua nhà tôi động viên thăm hỏi. Họ nói với tôi rằng mấy chị em tôi là người đàng hoàng thế nào thì hàng xóm láng giềng đều biết cả, không một ai tìn rằng tôi đã làm ra chuyện “tày đình” như vậy.

Tới ngày thứ 5 hay thứ 6 gì đó của hành trình “trở về từ địa ngục” thì Thầy giáo chủ nhiệm đến nhà. Thầy mua cho tôi hai cái áo mới, một cái quần mới và động viên tôi đi học lại. Hôm đó thầy còn dắt theo cả 3 người bạn ngồi cùng bàn của tôi đến nữa (Minh Phuong). Sau khi Thầy giáo đi về trước thì mấy người bạn đó nói với tôi rằng Long hãy đi học lại đi, chắc chắn cả lớp sẽ không ai đề cập tới chuyện này đâu vì Thầy giáo đã nói là nếu ai trêu trọc bạn thì sẽ bị Thầy đuổi học.

Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng như vậy. Vì dù thực sự là lớp chuyên toán được ưu ái nhất trong trường với hơn năm chục học sinh ưu tú nhưng chúng tôi vẫn chưa phải là người lớn. Thế nên dù có kính trọng và nghe lời Thầy giáo đến đâu chăng nữa, vẫn có đôi lúc lời nói vui đùa của chúng bạn làm tôi tổn thương ghê gớm và không thể trở lại bình thường như lúc trước. Mà sức ép lớn nhất với tôi lại xuất phát từ Thầy giáo, tại vì từ khi bằng cả quan hệ và tiền bạc để “cứu” tôi ra khỏi “nhà tù”, Thầy vẫn chưa một lần nói chuyện với tôi về ngọn nguồn câu chuyện mà chỉ nói duy nhất một câu rằng “Thôi mọi chuyện đã qua rồi, em hãy chú ý sống sao nghèo cho sạch, rách cho thơm, có gì khó khăn thì nói với Thầy, đừng bao giờ để Thầy thất vọng với em thêm một lần nào nữa”.

Vì câu nói đó của Thầy mà tôi chết lặng. Biết bao nhiêu tháng ngày sau đó tôi sống trong sự mặc cảm tội lỗi và luôn có cảm giác Thầy không còn thương tôi như trước nữa. Tôi vốn đã là đứa học sinh đặc biệt nhất trong lớp vì gia đình thuộc dạng “có hoàn cảnh khó khăn”, được Thầy chu cấp học phí và nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất rất rất nhiều. Tôi biết Thầy đã đặt kỳ vọng vào tôi ghê gớm lắm nên sự việc xảy ra thế này tôi không thể trách Thầy mình được. Đó là lý do tôi xin rút ra khỏi đội tuyển không đi thi học sinh giỏi Toán của trường năm ấy nữa.

Tôi nhờ một bạn gái trong lớp là cháu gái của Thầy nói với Thầy rằng tôi có việc muốn gặp trực tiếp Thầy sau buổi học. Và thật may là Thầy đồng ý.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 26, 2013 at 12:31AM)

Có 3 câu chuyện phía sau một bức hình (phần 3)
Có 3 câu chuyện phía sau một bức hình (phần 1)

Your email address will not be published. Required fields are marked *