Please log in or register to do it.

Cuối năm 2010, khi việc học tạm thời “dễ thở” vì đã qua khoảng thời gian nước rút, tôi lại ngồi nghĩ tìm cách kiếm việc làm thêm. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết có 2 việc là dạy gia sư và… đi nhặt rác! Kỳ thực thì cũng không hẳn là nhặt rác mà là nhặt giấy. Vì khoảng thời gian này, ở xóm nhà tôi ở tự nhiên rộ lên “phong trào” đó.

Chúng tôi rất tích cực nhặt giấy tập học sinh ở trong ngăn bàn, giấy vụn, giấy nháp trong lớp học. Rồi đứng ở cổng ra vào của trường để “xin” bài kiểm tra của các bạn sau giờ tan lớp. Tôi vẫn nhớ hồi đó giấy trắng (tập học sinh) là một thứ vô cùng giá trị, bán 1 ký được hẳn 4.400đ, trong khi giấy đen (sách giáo khoa, truyện) chỉ bán được 1.200đ mỗi ký.

Để gia tăng thu nhập, tôi và một vài đứa bạn trong xóm còn rủ nhau đạp xe lên công viên ở khu vực Hồ Quần Ngựa để “tăng gia sản xuất” vào buổi tối. Vì các cặp tình nhân thường rủ nhau vào khu vực này ngồi hóng mát. Và khi họ đứng dậy bỏ đi, rất nhiều giấy trắng lót dưới cỏ làm “chỗ ngồi” được hồn nhiên bỏ lại. Và tai họa đã giáng xuống đầu tôi từ cách kiếm tiền như vậy.

Buổi tối hôm đó cũng như nhiều hôm khác, tôi và một thằng bạn nữa đạp xe lên Hồ Quần Ngựa khoảng tầm 8h30 tối. Chúng tôi gửi xe rồi đi sâu vào bãi cỏ của công viên để bắt đầu “làm việc”. Thật tình cờ, trong khi đang nhặt giấy, tôi thấy có 1 chiếc thẻ xe của ai đó rơi ra nên cũng lấy bỏ vào trong túi áo với ý định chút nữa ra ngoài kia lấy xe đi về thì tiện thể đưa luôn cho người bảo vệ để ai làm rơi thì trả về cho họ.

Đến khoảng chừng 10 giờ, tôi hí hửng ra về với rất nhiều “chiến lợi phẩm”. Vì tính tình hiếu động, tôi đã không đi qua cửa chính để vào khu vực gửi xe mà chui qua mấy sợi dây thừng giăng ngang để đến chỗ xe đạp cho tiết kiệm thời gian. Tôi hí hửng dắt xe ra cổng và đưa vé xe cho bảo vệ. Sau khi xem kỹ vé xe của tôi thì người đó hét lên rằng “mày định lừa tao để đánh tráo xe à?”. Tôi giật mình coi lại thì đúng là tôi đã dắt lộn một chiếc xe của người khác mất rồi.

Tôi nghĩ chuyện cũng chẳng có gì nên bình tĩnh trình bày rằng chú ơi, xe này với xe của cháu giống nhau quá nên cháu bị lấy nhầm chứ không định đánh tráo xe chú ạ, vì rõ ràng cháu vẫn đưa cho chú vé xe của cháu mà. Nhưng người coi xe nhất quyết không chịu và nói với tôi rằng đứng đấy chờ công an qua giải quyết. Tôi mới bảo “vâng, chú kêu công an thì quá tốt, vì cháu có làm gì đâu mà sợ”. Người coi xe khi đấy xông tới định đánh tôi vì “già mồm thách thức” nhưng tôi né được. Và một số người làm chung đã ngăn ông ta lại.

Một lúc sau thì chiếc xe xít-đờ-ca với 3 người công an chạy tới. Người coi xe rất nhanh chóng trình bày sự việc với công an và nói rằng nhất định tôi là thằng ăn cắp. Dấu hiệu rõ nhất là việc tôi đã chui qua hàng rào. Ông ấy cũng trình bày rằng dạo gần đây đã bị mất rất nhiều xe và phương thức của kẻ trộm là mang xe cũ vào bãi gửi, sau đó tháo yên xe này gắn qua xe khác để tráo đổi xe rồi đường hoàng dắt ra khỏi bãi.

Mấy người công an nghe xong thì tới chỗ tôi và nói “Đ.M mày ở Đội Giậm Chân phải không?”. Tôi bảo không cháu có ở đội nào đâu thì bị ăn ngay một cái tát như trời giáng tối tăm mặt mũi và rồi người ta nói với nhau là “mang nó về đồn giải quyết”.

***

Vừa hoàn thành thủ tục “về đồn” là tôi được đưa ngay vào một căn phòng hôi hám và ẩm thấp. Rất nhiều đấm, đá, đạp, túm tóc, đập đầu vào tường… được một người hỏi cung tôi thi triển. Người đó nói với tôi rằng “mấy tháng nay chúng tao khổ sở với lũ chúng mày”. Tôi quỳ xuống van xin người đó rằng tôi thực sự không định ăn cắp hay đánh tráo gì chiếc xe đạp đó, và tôi hoàn toàn không tham gia bất cứ một đội nhóm nào, cũng như chưa bao giờ nghe đến cái tên Giậm Chân Giậm Tay gì hết.

Đổi lại sau mỗi câu gào khóc của mình, tôi lại choáng voáng mặt mày và nghe thấy những tiếng bốp bốp phát ra khi đầu của mình được vinh dự đạp vào tường kèm theo lời cổ vũ “mày cứng đầu à, để tao xem đầu mày cứng đến đâu”. Sau chừng 15 phút luyện tập thiết đầu công như vậy thì tôi được dắt qua phòng “Lấy lời khai” với một tờ giấy trắng và chiếc bút bi đặt sẵn. Tôi được đọc gợi ý để viết “Bản tường trình” với nhiều chi tiết mà tôi nhất định không ghi lên tờ giấy.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng đấy thì thêm một người khác bước vào phòng và quăng cái vé xe trong túi áo khoác (mà tôi nhặt được trong bãi cỏ) lên trước mặt tôi và hỏi “cái gì đây?”.

“Mày khỏi cãi với bọn tao nữa nhé. Cái lũ chúng mày cho vài năm tù mọt gông cũng chưa biết sợ đâu”.

***

Suốt đêm hôm đấy tôi ngồi trong một căn phòng tối om và đầy muỗi. Cứ thỉnh thoảng nước mắt tôi lại chảy thành dòng và có lúc bật khóc to thành tiếng. Tôi bắt đầu cảm thấy những cơn đau ở khắp cơ thể – điều mà suốt khoảng thời gian trước tôi đã quá hoảng loạn mà không kịp nhận ra. Tôi bắt đầu suy nghĩ về gia đình, về những người hàng xóm, về trường lớp, thầy cô, bè bạn và cả tương lai đen tối của mình trong thời gian sắp tới.

Qua ánh đèn trắng hắt vào phòng qua khe cửa, tôi nhìn thấy một con kiến bò trên mép bàn và dõi mắt nhìn theo đường đi của nó. Tôi dùng tay chặn để con kiến đổi hướng bò ngược lại lúc nó chuẩn bị vượt ra ngoài tầm mắt và đếm “1”. Tôi bắt đầu ngồi đếm số thứ tự từng chút một như vậy và hít thở. Tôi cố gắng trấn tĩnh và tự an ủi bản thân rằng nhất định mọi việc rồi sẽ sớm qua thôi. Thầy giáo chủ nhiệm và bạn bè của tôi sẽ nói cho họ biết tôi không phải là hạng người như vậy. Những người hàng xóm của tôi cũng có thể chứng thực rằng dù gia đình tôi thực sự rất nghèo nhưng việc đi ăn cắp nhất định không bao giờ có thể xảy ra.

Thời gian cứ lặng lẽ và kĩu kịt nhích từng chút từng chút một. Chưa bao giờ tôi cảm thấy một không gian yên tĩnh và đặc quánh đến nghẹt thở như lúc đấy. Tôi hết ngồi trên ghế lại cố nằm co quắp lên mặt bàn vì quá lạnh. Đôi khi nghe thấy tiếng bước chân người thì tim tôi như ngừng đập và nín thở chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra. Nhưng rồi tiếng dép đi xa dần và mất hút. Tôi lại dỏng tai lên nghe, lại chờ đợi và lại khóc. Tôi không biết khi này ở nhà, bà nội có đang khóc hết nước mắt như tôi không? Bà có đang tất cả ngược xuôi giữa đêm đi tìm kiếm tôi không, vì chưa bao giờ tôi “mất tích” khỏi nhà suốt đêm như vậy cả.

(Còn nữa)

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 25, 2013 at 11:32PM)

Có 3 câu chuyện phía sau một bức hình (phần 2)
Nick Vujicic tới Việt Nam: "Tôi nghi ngờ "cái lợi" của khán giả"

Your email address will not be published. Required fields are marked *