Please log in or register to do it.

“CHUYỆN BUỒN TỪ MỘT TẤM BẢN ĐỒ”

Cách đây mấy năm, mình đã có cơ hội tận mục sở thị trò “cướp nước” bằng bản đồ của láng giềng Trung Quốc.

Khi ấy TLBB đang là “gà đẻ trứng vàng”, là cái máy-in-tiền nuôi sống toàn bộ công ty FPT Online, cho nên việc phóng viên Trần Vương Thuấn tình cờ phát hiện ra sự vô lý của một tấm bản đồ trong game và đăng lên tờ Thế Giới Số thì cả công ty như ngồi trên đống lửa (bài viết “Chuyện buồn từ tấm bản đồ Game”).

Buổi chiều tối hôm ấy mình nhận được điện thoại của TGĐ đề nghị check mail và hỗ trợ cho game (khi ấy mình đang làm bên mảng nhạc, một dự án khác của FPT Online).

Thực ra khi ấy mình chưa có kinh nghiệm làm truyền thông nhiều lắm, càng không có kiến thức về xử lý khủng hoảng, nhưng bằng “cảm giác”, mình cho rằng đây là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Nhưng vì rối quá, lại thêm bấn loạn do chị Chánh Văn phòng nói rằng sẽ phải giải trình trên Sở (Thông tin truyền thông) nên mình chẳng biết phải làm sao!

Mình email cho sếp nói “Sáng mai em nghĩ cần họp gấp để xử lý việc này”. Sếp trả lời “Phải xử lý ngay trong buổi tối, để lâu giờ nào là nguy hiểm thêm giờ đấy”.

Bài học đầu tiên mình học được khi xử lý khủng hoảng truyền thông: không được quyền để xảy ra bất cứ độ trễ nào trong khủng hoảng. Mỗi giây mỗi phút đều vô cùng quan trọng.

Sếp nhắn “bây giờ phải làm sao?”. Mình im re vì cũng không biết phải làm sao! Một hồi sếp nhắn “Phải làm sao?”. Mình quạu lên mới bảo “Anh phải để từ từ cho em nghĩ chứ”.

“Em không biết thì coi xung quanh ai có kinh nghiệm hỏi thử đi? Gọi chị Nga (ban truyền thông tổng công ty FPT) hỏi đi, gọi chú Lan (Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cố vấn kiến thức cho cuộc thi Thiên Long Trạng Nguyên trong game Thiên Long Bát Bộ) hỏi đi. Chứ tình hình này chắc game mình đóng cửa”.

Mình gọi cho chị Nga ban truyền thông của Tổng công ty thì được khuyên “nên nhận lỗi” và “xin lỗi”. Mình hỏi “nếu nhận lỗi rồi bị đóng cửa game thì sao hả chị?”, chị Nga nói “Cũng khó nhỉ…”, thế là mình cũng… quéo theo!

Mình lại gọi cho chú Lê Văn Lan thì may quá đã tìm được ánh sáng le lói cuối đường hầm! Chú Lan nói, việc trong các trò chơi có sử dụng bản đồ thì nhiều game có, nhưng xét về khía cạnh pháp lý thì những bản đồ này hoàn toàn không có giá trị khẳng định chủ quyền, BỞI VÌ ĐÂY CHỈ LÀ NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ PHIẾM CHỈ.

Mình hỏi lại “bản đồ gì hả chú?”.

“Bản đồ PHIẾM CHỈ, là những bản đồ nhìn có vẻ giống như bản đồ của Việt Nam hay Trung Quốc hay nhiều Quốc gia khác nhưng thực chất nó không “phải là” bản đồ của Quốc gia nào hết. Nó chỉ là một thành phần của trò chơi ảo và mang tính chất Phiếm Chỉ”.

Chú Lan cũng chỉ cho mình biết nhiều nơi sử dụng những tấm bản đồ PHIẾM CHỈ, bản đồ “thí dụ”, bản đồ “minh hoạ” như vậy. Tuy nhiên, dù với tính chất phiếm chỉ nhưng do nhìn vô rất giống với bản đồ cổ của Việt Nam thời xa xưa, nên cũng cần có những ranh giới với “độ chính xác nhất định”.

“Các cháu nên yêu cầu công ty Trung Quốc sửa lại cho hợp lý hơn”.

Mình nhắn tin cho sếp nắm tình hình rồi làm việc với Giám đốc sản phẩm game Thiên Long Bát Bộ đề nghị liên lạc với đối tác Trung Quốc xác nhận rằng sẽ phát hành phiên bản cập nhật để sửa “lỗi này”.

2h sáng hôm đấy, Giám đốc sản phẩm nhắn tin thông báo đối tác đã tiếp nhận thông tin và hứa sẽ xử lý ngay.

3h sáng mình viết xong Công văn phản hồi tạp chí Thế Giới Số và công văn đề nghị gỡ bài ở một số trang đăng lại thông tin, sau đó email cho sếp và đi ngủ.

7h sáng hôm đó lên công ty sớm in công văn, ký tên đóng dấu, fax và gửi công văn qua toà soạn TGS đồng thời đăng bài thông báo lên VnExpress và Gamethu.

11h trưa có công văn phản hồi của TGS, kẹp chung với công văn gửi qua Vinagame – Zing đề nghị gỡ bài đăng lại của TGS. Sau đó mình email thẳng cho anh Lê Hồng Minh nhờ can thiệp.

Đến 1h chiều hôm đấy. Mọi việc đã giải quyết xong xuôi.

2 tuần sau có bản cập nhật kèm theo tấm bản đồ mới không còn “lỗi” sai đường biên giới, mình gửi TCBC cho các báo và Thế Giới Số đã đăng lên. Sự cố bản đồ chính thức được “đóng case”.

Thật may mắn vì FPT Online khi ấy không bị “vu” là công ty Trung Quốc như VNG. Lỗi tấm bản đồ của Thiên Long Bát Bộ là ở đường biên giới trong bối cảnh xa xưa chứ không liên quan đến đường lưỡi bò thời sự như của Chinh Đồ, và tình hình “chiến sự” lúc ấy cũng không “nhạy cảm” như giai đoạn hiện nay.

Thế nên, Chinh Đồ của VNG phải đóng cửa cũng không có gì là lạ. Và tất nhiên, việc ấy cũng chỉ giải quyết được những rắc rối trên “bề nổi”, còn hậu quả “bề chìm” của tấm bản đồ thì VNG sẽ còn phải đau đầu nhiều lắm.

Sent from fb.com/iPhoneVAiPad

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – December 20, 2012 at 04:46PM)

Ngọc Anh Sao Mai - Phù Thủy PR
Những sản phẩm "Báo chí" kì quái chỉ có ở Việt Nam

Your email address will not be published. Required fields are marked *