Please log in or register to do it.

NHỮNG SẢN PHẨM “BÁO CHÍ” KÌ QUÁI CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

Cách đây mấy tuần, khi có dịp đi ăn trưa với anh Nguyễn Thanh Sơn (Giám đốc T&A Ogilvy, thầy dạy truyền thông của mình), mình có thay mặt một bạn trong Group nghiên cứu về Truyền thông Xã hội (SOMER) để hỏi anh Sơn về điểm khác biệt nổi bật giữa báo chí Việt Nam và Quốc tế.

Anh Sơn nói (*), ở Việt Nam có một định nghĩa gọi là “Bài PR”, “Bài quảng cáo” trong khi nước ngoài không có các khái niệm này, hay ít nhất là nó không được đánh đồng.

Báo chí – ở nước ngoài – là phải viết những bài báo chuẩn mực thông tin thuần túy, tôn trọng pháp luật và các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, đạo đức báo chí. Tức là, giả sử như có một “bài báo” của doanh nghiệp tự viết, tự sáng tạo ra (tất nhiên theo chiều hướng có lợi cho mình) thì nó phải được tách ra khỏi tờ báo thành một “ấn phẩm” riêng, hay ít nhất là được thông báo rõ ràng (bằng nhiều hình thức) cho độc giả biết, và hiểu rằng đây là một trang quảng cáo của doanh nghiệp chứ không phải là trang báo.

Nếu là đọc giả trung thành của Thanh Niên hay Tuổi Trẻ, các bạn chắc không xa lạ với cách làm như vậy. Hai tờ báo lớn này – cũng giống báo nước ngoài – có hẳn một “ấn phẩm” quảng cáo nằm trong ruột để người đọc nếu không quan tâm thì dễ dàng vứt bỏ – động tác mang tính chất sàng lọc thông tin. Hoặc nếu có quan tâm, cũng hiểu được mức độ “uy tín” của nguồn tin mà mình đang tiếp nhận. Đó là cách làm rất thông minh, khoa học và hướng tới quyền lợi của người đọc, mà (trong chừng mực nào đấy) bảo toàn nguyên vẹn được quyền lợi tài chính của tòa báo.

Nhưng, cũng vẫn ở Thanh Niên và Tuổi Trẻ, nằm bên ngoài “ấn phẩm” quảng cáo “thuần”, vẫn có những trang thông tin được trình bày, thiết kế y như một trang báo “bình thường”, mà phải nhìn rất kỹ mới thấy vài chữ bé như con kiến ở đâu đó phía trên hay phía dưới giải thích rằng đây là trang “Doanh nghiệp viết” hay “Tự giới thiệu”, đại khái thế.

Cách làm như thế là chưa sòng phẳng với đọc giả – những người đang làm nên vị thế cho chính thương hiệu tờ báo của mình. Và thể hiện thái độ “dùng dằng” giữa việc bảo toàn danh tiếng tờ báo và lợi ích về tài chính.

Nhưng cách làm như vậy vẫn còn văn minh chán so với kiểu đăng “bài PR” (hoặc mang đậm tính PR) của một vài “báo” mạng hiện nay.

Bài “So găng 3 smartphone màn hình lớn giá rẻ tại Việt Nam” trên trang thông tin điện tử GenK là một ví dụ điển hình. Tác giả mang 3 chiếc điện thoại màn hình lớn thương hiệu Việt của HKPhone, mobiistar và QMobile ra so sánh theo một cách đầy chủ quan và vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp dẫn tới sự phản ứng giận dữ của đọc giả (thể hiện trong các phản hồi) và tự làm sụt giảm uy tín của trang thông tin này.

Có đến trên 80% ý kiến phản hồi quay ngược lại chỉ trích người viết bài như “Đọc cái title là đủ biết lại thêm 1 bài PR của thằng HKPorn Revo Max. 1 vote cho thằng Revo Max thất bại”, “Những bài dạng này mình đều không đọc sau khi thấy xuất hiện chữ HK”, “Like cmt của 2 bạn, toàn làm mù lý trí người dùng”, “Đồng ý, HK hối lộ Genk dìm hàng Q-mobile”, “thông cảm đi bạn, PR mới có tiền mà”…

Mở đầu bài viết, tác giả nói rằng “Các loại điện thoại giá rẻ gắn mác thương hiệu Việt dù đã từng phải gánh chịu rất nhiều những điều tiếng xấu đối với người yêu công nghệ, nhưng nếu xét từ phía người tiêu dùng nói chung thì các dòng điện thoại này lại đang trở thành một xu thế”. Đây là một cách nói áp đặt vì không đưa ra được những dẫn chứng, số liệu gì cụ thể. Những chữ như “rất nhiều”, “xét từ phía người tiêu dùng” là hoàn toàn chủ quan, dựa vào “cảm giác” của người viết khi tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh và từ riêng những nguồn tin xung quanh chứ không phải thống kê khoa học.

Mình mang chuyện này để hỏi bà Hằng (Tiến sĩ Đỗ Thu Hằng, phó trưởng khoa Báo Chí – Học viện báo chí & tuyên truyền Hà Nội) thì được trả lời rằng (**) vấn đề ở đây là nhiều bạn làm báo nhưng lại chưa hiểu hết về báo chí. Báo chí cần đại diện cho tiếng nói của số đông đại chúng. Và người viết báo có trách nhiệm chứng minh cho đọc giả của mình thấy rõ ràng về điều đó chứ không phải hành xử theo kiểu thích gì nói đó, theo kiểu cướp diễn đàn, rằng tôi là nhà báo và tôi yêu quý anh thì tôi tâng anh lên trời, tôi ghét anh thì tôi cứ nhè điểm xấu của anh để tôi bôi ra cho thiên hạ thấy rồi nhập nhằng kết luận rằng anh xấu.

Vậy làm sao để “chứng minh cho đọc giả của mình thấy” một thông tin là đủ khách quan? Vẫn theo bà Hằng, phải dựa vào khái niệm tỷ suất liều lượng thông tin. Tức là báo chí phải đảm bảo cho tất cả các bên đều được nói, đều được nêu quan điểm chứ không được “bịt miệng” bất cứ ai. Thí dụ như tỷ lệ giữa người nông dân và người địa chủ là 8/2 thì trong một bài báo nói về mâu thuẫn quyền lợi giữa 2 giai cấp phải đảm bảo trích dẫn ý kiến của 4 nông dân bên cạnh 1 ý kiến của địa chủ, chứ không thể 2 nông dân và 2 địa chủ theo kiểu có vẻ như bình quân chủ nghĩa nhưng thực ra lại thành phiến diện. Cái đó gọi là “khách quan có chủ ý” – là một tiểu xảo của người viết, và phục vụ rất tốt cho những bài PR trá hình.

Chiếu qua bài “so găng” này thấy rất rõ việc này: một vài điểm yếu của QMobilemobiistar bị mang ra so với điểm mạnh của HKPhone, trong khi rất rất nhiều điểm mạnh của 2 hãng này thì bị tác giả “lờ đi” (đọc những phản hồi ở bài này và bài trước của cùng người viết sẽ thấy rõ). Việc lèo lái thông tin như vậy – dù vô tình hay chủ ý – đã dẫn tới hệ quả tất yếu là sự phản ứng từ dư luận.

Ngay cả trong trường hợp bỏ qua tất cả những phản ứng từ việc so sánh thiếu khách quan như vậy, thì việc lên tiếng “dìm hàng” các thương hiệu điện thoại thuần Việt cũng là một sự vi phạm nguyên tắc và đạo đức báo chí. Bởi vì chính khi này, người viết bài đã tự rơi vào cái bẫy “nông dân” và “địa chủ” mà không hay biết.

Nên nhớ rằng hàng năm, vẫn có cả trăm ngàn chiếc điện thoại thương hiệu Việt như mobiistar và Qmobile được đưa đến tay người tiêu dùng và được họ đón nhận, sử dụng và yêu thích (lên các trang fanpage của những hãng này sẽ thấy ngay điều đó). Họ có thể là những tiểu thương, là học sinh – sinh viên ít tiền, là dân văn phòng có thu nhập khiêm tốn… và họ sẵn sàng trả một khoản tiền phù hợp, để mua về những chiếc smartphone với tính năng hạn chế, chấp nhận một vài khuyết điểm của sản phẩm để được giảm giá thành.

Vậy nên cái câu kết luận trong bài rằng “điện thoại đến từ các hãng lớn sẽ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất” không có gì sai cả. Nhưng đó chỉ là tiếng nói của tầng lớp “địa chủ” mà thôi. Đó không phải và bài viết hoàn toàn không có bất cứ tiếng nói nào từ phía tầng lớp “nông dân”. Cũng là một cách hữu hiệu để tước đoạt đi cơ hội được tiếp cận các sản phẩm công nghệ phù hợp túi tiền của những người có nhu cầu vừa phải, và có mức thu nhập khiêm tốn.

Và tất nhiên, những “bài báo” không đứng về phía quyền lợi và bảo vệ quyền lợi cho đọc giả, chỉ muốn cướp diễn đàn để bày tỏ quan điểm cá nhân, hoặc để PR, quảng cáo trá hình nhưng lại không sòng phẳng trong việc công bố thông tin như vậy thì hệ quả tất yếu là không tránh được những phản hồi ném đá từ cộng đồng và dư luận.

Các ý kiến như “Đọc bài là biết ăn tiền”, “Bựa quá”, “Muốn mất đọc giả hay sao”, “Các hãng kia bị chơi rồi”… thể hiện thái độ rất rõ ràng từ phía người tiếp nhận thông tin. Và làm cho giá trị “bài báo”, uy tín của người viết, và theo thời gian là chính uy tín của trang báo sẽ dần tiệm cận với con số ZERO.

(*), (**) Mình viết lại theo ý hiểu của mình và trí nhớ của mình chứ không phải là tường thuật chính xác 100% câu từ của anh Sơn, bà Hằng.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – December 20, 2012 at 08:57AM)

Chuyện buồn từ một tấm bản đồ
Nhớ Đà Nẵng

Your email address will not be published. Required fields are marked *