Please log in or register to do it.

Đây là bài viết cuối cùng trong năm Nhâm Thìn, khép lại 365 ngày nhiều cảm xúc.

Chương trình từ thiện phát quà cho những người nghèo phải kiếm sống ngoài đường của Ngày Hạnh Phúc và Johnson Johnson Vietnam đã hoàn thành vào lúc 6h15 phút. Vậy là mình hoàn thành kế hoạch. Sau đó rảnh rang tận hưởng không khí Ngày Cuối Năm.

Mình chạy xe loanh quanh một vài con phố, thấy thời tiết và không gian thật đẹp. Bao giờ cũng thế, Sài Gòn luôn đẹp nhất vào chiều 30 Tết. Mình đi lang thang qua Phó Đức Chính rồi quẹo về Lê Thị Hồng Gấm – thủ phủ Chợ trời. Ghé mua một số món đồ mà chẳng biết bao giờ mới sử dụng đến đây? Mua không trả giá, dù biết rằng giá trị thực của món đồ chỉ bằng 1/3, 1/4 như vậy.

***

Đã 6 năm kể từ cái Tết cuối cùng mình đứng bán hàng ở con phố nhiều kỷ niệm (với mình). Cảnh vật đã đổi thay nhưng tất nhiên là mình không thấy lạ vì cũng ghé thường xuyên. Chỉ có từng đó con người, từng đó khuôn mặt thì không thay đổi. Cũng như số phận của họ không thể nào thay đổi.

Có người biết mình, có người nhận ra mình và có người hoàn toàn quên mất mình là người đã từng có khoảng thời gian vui buồn cùng họ. Kể cả những người đã từng đối xử với mình rất tốt, hay những người chèn ép mình trong công việc kinh doanh, mình đều thấy họ thật đáng thương… đến tội! Những người phải mài mặt ngoài đường, rủa xả nhau, chèo kéo và lừa dối khách hàng để mong có Tết.

Y như mẹ con mình dạo trước. Cả năm cũng chỉ hy vọng vào buổi chiều 30 Tết, là thời điểm công an “tháo khoán” và khách hàng chịu chi hầu bao nhiều nhất. Số tiền kiếm được trong chiều 30 là tiền sắm Tết, mua ít gạo nếp nấu xôi và trái cây về cúng. Và trích ra hẳn 30.000đ cho một chục phút gọi về Hải Phòng thăm hỏi gia đình, họ hàng và người thân.

Chợ Trời là một đặc sản riêng của Sài Gòn và rất Sài Gòn. Nó được cấu thành bởi những yếu tố bình thường nhưng lại chẳng tầm thường. Nếu chưa có khoảng thời gian lăn lộn ở chợ trời thì làm sao hiểu và làm sao cảm được chợ trời? Mình đã từng thất vọng khi coi một bộ phim của đạo diễn có tiếng tăm dựng lại cảnh chợ trời trên phim ảnh với một nhóm người huyên thuyên mua bán rồi nháo nhào chạy trốn công an.

Sài Gòn không có chợ trời như vậy. Vì những người ở chợ trời không biết sử dụng chữ radio, xe wave và công an như ở trong phim ảnh. Họ gọi cái cassette là na-rô, xe honda là xe “quây” và gào lên với nhau là “xe “díp” tới” chứ không gọi công an. Vì đứng bán hàng ở chợ trời vốn là những người ít học và rất đói ăn.

Mẹ mình cũng chỉ học hết lớp 4. Nhưng vì một lý do và cơ duyên lạ thường nào đó lại có niềm tin mãnh liệt rằng học tập là cách duy nhất để đổi đời. Cho nên mẹ luôn khuyến khích và dành mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống cho mình, để mình an tâm học tập. Dù cái tốt nhất ấy có khi chỉ đơn giản là tô mì gõ 3.000đ mỗi buổi chiều. Mà phải là buổi chiều không ế khách.

Có nhiều người “góp ý” với mình về Ngày Hạnh Phúc. Rằng nên tập trung vào việc hỗ trợ các em học sinh, sinh viên học tập hơn là chăm lo cho mấy người ở ngoài đường. Nếu chiếu theo định nghĩa học tập bằng với đổi đời thì lời khuyên đó là chí lý. Nhưng mình thì biết, nếu chưa thoả mãn được nhu cầu cơ bản nhất là ăn uống thì học tập là một cái gì đó rất cao siêu. Kể cả tối thiểu tới mức có được hai bữa cháo một ngày thì cũng phải ăn trước đã. Học tập thì sẽ tính sau.

Sài Gòn ngày trước chỉ có 3 khu chợ trời nổi tiếng. Một ở Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm, hai ở Hùng Vương và ba ở Âu Cơ. Khu số một và hai đã gần như bị công an xoá sổ “thành công”. Nhưng ngay lập tức vài khu chợ trời “tự phát” và “nhỏ lẻ” khác lại ngay lập tức mọc lên. Nó giống như một người mang đầy mụn nhọt được giấu trong bộ quần áo đẹp. Nhìn vẻ bề ngoài cứ tưởng lung linh nhưng kì thực bên trong không đổi.

Đó là chân lý. Cũng như số phận của những người buôn thúng bán bưng ngoài chợ trời khó lòng thay đổi được. Ngoại trừ việc trông đợi vào sự nghiệp học hành của thế hệ tiếp theo.

***

Mình rời khu chợ trời chiều 30 Tết sau khi ghé mua một chiếc bật lửa “lính đánh thuê” với giá 180.000đ ở mâm hàng của cô Sương. Nhận ra mình là con trai của “dì Hai”, người đàn bà bệnh tật đó nhất định không chịu nhận tiền. Mình nói cô Sương cứ giữ tiền đó cho thằng cu Tuyn đi học. Mấy ngày Tết có rảnh qua nhà chơi với ba má con cho biết.

“Cha con, ông ấy cũng khoái nhậu với vợ chồng cô Sương á. Còn má con giờ già cả, ai còn nợ ai thiếu tiền bả cũng quên mất tiêu rồi. Qua chơi nhé cô Sương”.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – February 09, 2013)

IDOL
Cảm ơn bè bạn

Your email address will not be published. Required fields are marked *