Sáng nay, sau 1 tháng tạm dừng để các bên bổ sung chứng cứ, TAND TP.HCM mở lại phiên xử vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường hơn 40 tỷ vì cho rằng đơn vị này “vi phạm nghiêm trọng đề án 24, không chỉ làm giảm lợi nhuận của Vinasun mà còn ảnh hưởng đến tình trạng giao thông trong nước”.
Đây được xem như vụ kiện vô tiền khoáng hậu, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, giữa “taxi truyền thống” và “taxi công nghệ”.
Việc 2 hãng này kiện nhau, tôi không quan tâm lắm, nhưng đặc biệt quan ngại về tính “lần đầu”.
Là bởi phán quyết của toà án trong vụ kiện tụng này sẽ tạo ra một án lệ. Hiểu nôm na là tạo ra một “khuôn mẫu” để các cơ quan tư pháp chiếu theo đó mà xét xử các vụ án tương lai.
Việc áp dụng án lệ đã được luật hoá không chỉ trong nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP mà còn ở nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, ý kiến của giới chuyên môn cho rằng các quy định này còn cứng nhắc và nhiều bất cập. Điều này dẫn tới việc áp dụng án lệ đối mặt nguy cơ chỉ đảm bảo được công lý hình thức (formal justice) chứ không đạt được công lý thực chất (substantive justice).
Thế nên việc xét xử những vụ kiện tụng tạo ra án lệ như của Vinasun và Grab nên được tham chiếu đến những “bằng chứng” bên ngoài hồ sơ vụ án. Và xét tới cả các hệ luỵ xã hội trong tương lai sau bất cứ phán quyết nào.
Thí dụ nếu toà xử Vinasun thắng kiện, thì câu hỏi đặt ra là những người chụp hình dạo có kiện được các công ty sản xuất smartphone? Các cơ sở vẽ truyền thần có kiện được hàng photocopy? Trung tâm luyện viết chữ đẹp đi kiện Microsoft vì tạo ra MS Word? Hay tôi kiện thằng Triệu Gia Khánh chó vì nó đẹp trai hơn làm tôi bị ế nhệ đến giờ?
Cùng hồi hộp chờ coi phán quyết của toà!
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long