Cảnh quay được ghi lại ở Cung điện Hoàng gia tại Bangkok vào ngày 20/5/1992 đại diện cho một thời khắc quan trọng trong lịch sử Thái Lan. Một trong hai người đàn ông quỳ gối là tướng Suchinda Kraprayoon, người tiến hành một cuộc đảo chính và chuẩn bị lên làm thủ tướng Thái Lan. Người còn lại là tướng Chamlong Srimuang, ông dẫn đầu phong trào ủng hộ dân chủ chống lại sự kiểm soát quân sự của tướng Kraprayoon.
Bên ngoài, những cuộc biểu tình trên đường phố và cuộc đàn áp quân sự kéo dài nhiều ngày đã khiến một vài dân thường chết. Tại thời điểm được gọi là “tháng 5 đen tối” này, có vẻ như không bên nào chịu nhượng bộ và cũng không có cầu nối nào để thu hẹp khác biệt.
Cuối cùng, Vua Bhumibol Adulyadej triệu tập hai tướng đến cung điện và nói với họ: “Đất nước thuộc về mọi người, chứ không phải chỉ một hay hai người cụ thể. Những người đối đầu nhau sẽ đều là kẻ thua cuộc, và bên mất mát nhiều nhất sẽ chính là đất nước”.
“Các anh tự nhận mình là người chiến thắng để làm gì khi các anh đứng trên đống đổ nát và những mảnh vụn?”
Những lời đơn giản đó gây được tiếng vang lớn, phản ánh mong muốn ổn định của toàn bộ người dân. Sau đó, một nền dân chủ dựa trên bầu cử được phục hồi và một hiến pháp mới được ban hành (*).
Quay lại với câu chuyện về số liệu của các hãng hàng không, con số 16.4% chậm chuyến của Vietjet tiệm cận rất gần với 16.1% của VietnamAirlines, và thấp hơn hẳn 19.5% của Jetstar thì đâu là nơi công bố thông tin xứng tầm Quốc vương trong lòng người đọc?
Nếu chịu khó tìm kiếm ở Google, các bạn sẽ thấy nhiều tờ báo dẫn nguồn Cục hàng không để đề cập tới số liệu này. Thí dụ như “Chậm huỷ chuyến bay: Vietnam Airlines tăng, Vietjet Air giảm” trên tờ Ngày Nay, Thời báo Kinh doanh; “Vietjet có tỷ lệ hủy chuyến bay thấp nhất trong các hãng” trên tờ CafeF, hay “Vietnam Airlines chậm chuyến gấp đôi Vietjet Air” trên tờ Giáo Dục…
Trong khoá học Zero[C] khi đề cập tới 5 đặc điểm quan trọng của Kênh truyền thông, tôi có nói nhiều về Uy tín (https://goo.gl/yJqHcd). Mặc dù đó là một khái niệm nghiêng về Định tính nhiều hơn Định lượng, nhưng chúng ta vẫn có những thước đo để lượng hoá đặc tính này. Thế nhưng, câu chuyện Uy tín trong bài toán công bố thông tin lần này của Vietjet không là tất cả. Vì rõ ràng, chẳng cần nhờ cậy bất cứ tờ báo nào, thì nguồn tin từ Cục hàng không đã có đủ và có thừa Uy tín.
Nhưng thử nghĩ xem, với người dân Thái Lan, thì Quốc Vương chỉ đang nói Đúng hay Ông là người nói Phải? Và như tôi đã đề cập trong bài viết trước (https://goo.gl/molzAo), Nói phải, không chỉ là nói đúng. Nói phải, khó gấp vạn lần nói đúng. Nói phải, cần một thứ hỗ trợ thuyết phục hơn lý lẽ.
Thực ra, những câu nói của Quốc vương nếu chỉ xét theo khía cạnh đúng sai, thì không ít người nói được. Nhưng để hai vị tướng tự nguyện phủ phục dưới chân, cúi đầu và chấp nhận “bắt tay” mang lại nền hoà bình cho một đất nước Thái Lan thường lâm vào cảnh chia rẽ thế này thì chỉ có Quốc Vương.
Uy quyền của ông xuất phát từ tình yêu và lòng tôn kính sâu sắc người dân dành cho ông. Không chỉ là một người của công chúng, Ông còn là người cha nhân từ mà họ kính trọng và noi theo.
Vậy lựa chọn Kênh truyền thông nào đủ tâm đủ tầm đóng vai trò Quốc Vương trong lòng người đọc, câu trả lời xin dành cho Vietjet. Và với những bạn đang ngày đêm tìm cách truyền thông gầy dựng Uy tín để Xây dựng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ với mong muốn bán hàng, đó cũng là câu hỏi canh cánh cần thiết phải trả lời.
Tôi may mắn khi được có mặt tại Thái Lan vào những ngày “đau buồn nhất” để tận mắt chứng kiến hình ảnh Quốc Vương nhân từ của họ phủ sóng khắp nơi với hai tông màu đen trắng. Ông “có mặt” ở sân bay, nhà ga, tàu điện, quán ăn, trên xe taxi, sảnh khách sạn, vị trí trang trọng ở các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị… Và đặc biệt là trên quần áo của hàng triệu người dân.
Một buổi sáng khi mặt trời còn chưa hửng nắng, thủ đô Bangkok chìm trong một màn sương mờ ảo và thanh bình đến kỳ lạ bởi những tiếng chim hót ríu rít chuyền cành, tôi rảo bước trong công viên Suan Santi Pharp và bắt gặp hàng chục người ở nhiều độ tuổi mặc áo đen đi thể dục.
Họ liên tục chắp tay, ôm nhau và nói những điều gì đó mà tôi đoán là để chia sẻ về sự mất mát chung khi Quốc vương của họ mới băng hà. Người đàn ông mà tôi xin phép chụp tấm hình dưới đây chỉ là một trong số đó, nếu không kể tới một người vô gia cư khác ngủ tại công viên hướng đôi mắt nhìn ra phía xa xăm với hình ảnh Quốc vương tôn kính ở trên tay.
Tôi không biết tiếng Thái và những người dân Thái không hiểu gì tiếng Việt, nhưng lúc chúng tôi ôm nhau để chia sẻ về nỗi đau mất mát, sự kính trọng đã cất lên tiếng nói chung để đôi bên có thể hiểu hết tình cảm của nhau.
Những hình ảnh đó đủ ám ảnh để trên suốt con đường lang thang về khách sạn, và ngay cả bây giờ, tôi vẫn cứ nghĩ mãi và cho rằng chúng ta với cương vị là người kinh doanh, rất cần trả lời câu hỏi Vậy rốt cuộc, kênh truyền thông nào xứng đáng là Quốc vương trong lòng khách hàng của tôi, của bạn?
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/ZpF1ae