Please log in or register to do it.

Không phải là xa cách, cái chết của một người luôn là cơ hội để những người còn sống khác xích lại gần nhau.

Đây là một bức ảnh chụp hành trình các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ trở lại Chư Tan Kra tìm hài cốt liệt sĩ. Khi này, chỉ có tình người, chẳng còn bên này bên kia nào hết.

Điều ấy đúng với tất cả cuộc chiến. Và hy vọng cuộc chiến với con covid quái ác lần này cũng sẽ khiến tất cả chúng ta cùng đoàn kết lại.

Mưa
Mưa
và mưa
những người lính già nằm võng nhìn tăng
hòa giọng hát sợi thương sợi nhớ
mấy mùa xanh suốt còn chờ đợi nhau…
lại nghe tiếng đồng đội vọng về thủ thỉ

– Đồng, Chúc, Ngọc, Lục, Vĩnh, Linh ơi!
mùa khô đã đành
tìm nhau gì mùa mưa cực thế?
dấu chân bạn sục trong bùn đỏ
tay bám tay những người lính trẻ
vắt rừng sốt rét mê man
chúng tớ về đây! về đây! về đây!
chẳng thiếu thằng nào cả
lần này có 34 đồng đội
theo bạn băng suối lũ đục ngầu…

lại nhỏm dậy khom lưng
chống gậy ngóng rừng
tiếng chuông vọng qua mưa
vang tới đỉnh Chư Tan Kra nổi gió

đây đầu khe ngọn suối
đây tên tuổi trong tim
bia mộ chưa biết tên
lời bạn vọng về
lối mòn dâu bể
đại ngàn lũy thành
đại ngàn máu đổ
tay rớm vì gai
mắt cay vì gió
bụi cỏ hoa xóa trắng mặt người

(Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” của tác giả Lữ Mai, NXB Hội Nhà văn)

Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” của tác giả Lữ Mai, NXB Hội Nhà văn lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về Trung đoàn mũ sắt – tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều chàng trai là người Hà Nội gốc.

Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (ngày 26/3/1968). Trong trận đánh này, hơn 200 người lính Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995.

“Chư Tan Kra mây trắng” gồm 6 chương, trong đó: Chương I – Giấc mơ vụn; Chương II – Đỉnh gió; Chương III – Bên kia đại dương; Chương IV – Mẹ vẫn đợi con về; Chương V – Gửi hòa bình; Chương VI – MẸ.

Xuyên suốt trường ca, tác giả gửi gắm tới độc giả về tình yêu quê hương đất nước, con người, đồng đội, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa của thanh niên thời bấy giờ tới thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ở đó còn là “lòng biết ơn” với những người con ngã xuống vì Tổ quốc, vì độc lập tự do cho dân tộc và hòa bình để thể hệ sau này sống có ý nghĩa, có trách nhiệm.


Nguồn: Facebook blogger Nguyễn Ngọc Long

5 lợi thế Việt Nam có thể khai thác để chống dịch thành công
Lời kêu gọi khẩn thiết gửi anh em bạn bè ở những nơi chưa bùng dịch

Your email address will not be published. Required fields are marked *