Ở nhà tôi có 3 cuốn Từ tốt đến Vĩ đại được nhiều người tặng nhưng không đọc: lý do lười!
Đợt rồi có tải thêm audiobook để nghe, nhưng nghe xong một lượt thì quyết định loại cuốn này ra khỏi list: lý do không phù hợp!
Tôi thấy Từ tốt đến Vĩ đại là một cuốn sách hay, nhưng chỉ thích hợp cho các cá nhân, tổ chức đã “tốt rồi”, và tìm kiếm một phương cách nào đó để chuyển qua giai đoạn tiếp theo, giai đoạn “tốt hơn” mà theo sách định nghĩa là “trường tồn” (thực ra chẳng có cái quái gì trường tồn được cả).
Có những cách hành xử mà cuốn sách này khuyên nghe rất đúng, thí dụ như “tập trung vào con người trước”, “mời những người tốt lên xe, mời những người không phù hợp xuống xe”, “những người tốt sẽ tự biết nên lái chuyến xe đi đâu, kế hoạch do họ tự vẽ ra”… tôi thấy rất hay.
Có điều, tôi chưa hiểu lấy tiền ở đâu ra để đổ xăng cho họ ngồi và nghĩ, bàn bạc với nhau xem sẽ lái xe đi đâu? Tôi không có nhiều xăng, nên thôi tôi mời xuống tất. Ai có khả năng kiếm xăng tôi mời lên trước vậy.
Tương tự với trường hợp về triết lý sống “Bước chân an lạc” của Thầy Nhất Hạnh, Làng Mai.
Thời gian gần đây, đơn vị phát hành phim có chủ ý pr nên đẩy truyền thông một số thông tin thực ra không mới với tôi, nhưng có vẻ mới với nhiều người. Đó là, Thầy Hạnh được mời đi giảng cho Microsoft, Google, Facebook… và kì diệu thay, các ông chủ của các tập đoàn lớn đều nhận ra rằng họ nên tập trung vào việc khiến cho đội ngũ cảm thấy “an lạc” hơn là chỉ chăm chăm kiếm tiền.
Thông tin này được viral nhiều, và ai cũng tấm tắc. Tôi thì thấy hơi nguy hiểm.
Đơn giản vì tôi (lúc đầu ghi “chúng ta”, sau sửa lại thành “tôi” để không đụng chạm) không phải là Microsoft, Google hay Facebook. À, tôi thậm chí còn chưa bằng một cái móng chân của BKAV hay BPhone nữa. Thế nên tôi chọn cách dễ. Cách dễ đấy là thôi cứ trả tiền, dù tôi biết tiền không mang lại hạnh phúc và an lạc cho nhân viên, nhưng việc này xem chừng dễ dàng hơn cả.
Nếu được lựa chọn giữa việc khiến cho nhân viên ăn hoa quả, oản gạo, uống trà, lướt cùng cỏ cây hoa lá mà hạnh phúc với việc trả cho nhân viên 10 triệu mỗi tháng, tôi sẽ chọn vế đầu. Vì đó là đích đến cuối cùng trong cuộc sống.
Nhưng nếu phải lựa chọn giữa việc khiến cho họ hiểu và tin rằng chỉ cần nhận 3 triệu để uống trà mà sống ung dung tự tại an vui với việc trả cho họ 10 triệu để ăn uống ngập mày ngập mặt thậm chí mang bệnh vô người thì thôi tôi chọn vế sau.
Vì trình độ tôi có hạn, tôi biết mình sẽ thất bại nếu muốn tẩy não người ta.
Tôi biết có những quốc gia hạnh phúc như Bhutan, ai đến đó xong cũng thấy lâng lâng sung sướng (mà có không cảm thấy thế cũng phải cố mà thấy thế không lại kém sang, thua bạn kém bè về thần thái). Bhutan thậm chí còn vừa công bố là quốc gia duy nhất đạt mức thải CO2 âm trên toàn thế giới.
Nhưng tôi vẫn hy vọng Chính phủ Việt Nam đừng theo mô hình đó.
Tôi chỉ mong đất nước này nhanh chóng tiến lên được theo mô hình chủ nghĩa tư bản giãy chết là mừng vui khôn kể. Dù tôi biết và tin chắc chắn rằng xã hội chủ nghĩa đại đồng mới là mô hình xã hội đỉnh cao nhất của loài người.
Vì cái gì cũng thế, phải học bò rồi mới lo học chạy, đốt cháy giai đoạn là không được. Nếu cố đấm ăn xôi, nhiều khi chúng ta lại phải đi căn chỉnh một nền kinh tế èo uột kiểu kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước hạnh phúc định hướng ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống an lạc định hướng vật chất, doanh nghiệp trường tồn định hướng không chết đói…
Đó là cuộc sống kiểu mọc đuôi, kiểu tiến hóa ngược, tôi tự thấy mình CHƯA phù hợp.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long