Tết Nguyên Đán là dịp Tết lớn nhất và quan trọng nhất của tất cả người con đất Việt. Với lịch sử văn hóa lâu đời thì có những phong tục, tập quán thú vị xoay quanh dịp Tết cổ truyền mà người Việt còn lưu giữ tận đến ngày nay.
Phong tục biếu Tết
Biếu tết là tặng quà cho người khác ăn tết. Ðây là dịp để nhớ ơn những người đã từng giúp mình, để tỏ lòng yêu kính đối với người trên, tỏ lòng quan tâm thương mến với họ hàng, bạn bè. Thông thường thì:
• Bà con thân thiết biếu tết lẫn nhau
• Con rể, con dâu biếu tết cha mẹ vợ/chồng
• Học trò biếu tết thầy cô
• Bạn bè biếu tết lẫn nhau
• Con nợ biếu tết chủ nợ
• Bệnh nhân biếu tết thầy thuốc
Việc biếu tết thể hiện tấm lòng biết ơn, hoặc yêu thương chân thành, hoặc quan tâm thương mến, nên rất đáng quý. Ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ tục này. Tuy nhiên, đừng lợi dụng việc biếu tết này để hối lộ, mua chuộc.
Phong tục kiêng kị ngày Tết
Kiêng (hay kiêng cử) là những điều không được làm. Trong những ngày tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Sau đây là một số điều thường được kiêng:
• Quét nhà, đổ rác (vì sợ quét, đổ đi những điều may mắn)
• Nói những điều tục tĩu
• Mặc quần áo trắng (sợ có tang)
• Nói tới những chuyện chết chóc, nói những điều xui xẻo
Những điều kiêng cữ này đều có vẻ hoang đường, ngày nay tuy nhiều người không tin nữa, nhưng một số đông khác vẫn còn giữ.
Tết Việt Nam chứa đựng và mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, của thời gian nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày tết.
Chúc thọ, chúc Tết
Tết Nguyên Đán là một dịp để cho mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thấm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý.
“Mồng một là Tết nhà cha”: Sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết.
Ngày xưa họ còn được con cháu tế sống với hai lạy hai vái. Để mừng tuổi con cháu là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt bọn trẻ.
“Mồng hai nhà mẹ”: Cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
“Mồng ba Tết thầy”: Sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người. Tóm lại, tục chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.
(Tổng hợp)