Please log in or register to do it.

Theo tục lệ, trong những ngày đầu năm mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người. Do đó, người dân Việt Nam từ xưa có rất nhiều điều kiêng kỵ như sau:

Kỵ mai táng:

Kiêng kỵ mai táng trong Tết

Nếu nhà ai không may có thân nhân qua đời vào ngày 30 hay Mùng Một Tết thì phải quàn thi hài trong nhà, đợi qua ngày Mùng Một và khi nào làng làm lễ động thổ xong mới được làm đám. Nếu làng làm động thổ vào ngày mùng một, mùng hai thì đơn giản; nhưng nếu làm vào mùng sáu, mùng bảy tháng giêng thì tang gia vô cùng khổ sở. Họ cho rằng khởi đầu một năm mà đã có sự lạnh lẽo của đám tang thì làng sẽ gặp nhiều điều không may cho cả năm đó.

Tục xông đất:

Tết cổ truyền Tân niên

Sáng mùng một Tết, người ta rất kiêng vào nhà ai đó mà chưa có người xông nhà. Nguời xông nhà phải có tuổi không được xung khắc với tuổi gia chủ, kỵ những người trong năm bị hoạn nạn (cháy nhà, mất của, tai nạn, nhà có đám…), kỵ những người vợ chồng bất hoà, sinh con một bề, vía dữ.v.v… Thường người ta kén một người “nhẹ vía” trong gia đình ra đi từ trước giờ giao thừa, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và người nầy sẽ tự “xông nhà” cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà, người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mùng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người nầy đem lại sự may mắn suốt năm.

Ngày mùng Một Tết:

Ngày mùng một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như: làm ăn thua lỗ, trong nhà lủn củn, ra đường hay gặp tai bay vạ gió v.v…

Kiêng kỵ quét nhà Tết

Trong ngày này, người ta kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Hoa, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Vì sao có tục kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong “Sưu thần ký” có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng một tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó có tục kiêng không hốt rác ngày Tết.

Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay. Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác, viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.

Kiêng kỵ Tết cổ truyền

Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

Tóm lại, phong tục trong ngày Tết là tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt. Giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính già yêu trẻ… thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, người người sống trong bình yên, hạnh phúc.

 

(Nguồn: Wikilamdep.net)

Một trợ lý giỏi, trước hết phải là một người tử tế.
Phong tục tập quán đẹp trong dịp Tết Nguyên Đán (P3): Tân Niên

Your email address will not be published. Required fields are marked *