Please log in or register to do it.

II. GIAO THỪA
Lễ rước vong linh ông bà:

Cúng giao thừa

Chiều 30 tháng Chạp, các thức ăn và trái cây được xếp thành cổ để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Đây là dịp cả gia đình quây quần trước vong linh cửu huyền thất tổ, ôn lại những sự việc đã xảy ra trong năm để rút tỉa kinh nghiệm cho năm mới. Gia trưởng (người đứng đầu gia tộc, thường là người cao tuổi nhất) trịnh trọng thắp nén hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau gia trưởng, mọi người trong nhà đều nghiêm trang chắp tay cung thỉnh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Cúng Giao thừa, hay lễ Trừ tịch:

Theo tục lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh, thiên tướng đi ngang qua nhà. Lúc đó do họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính bái mà Trời đã mang lại phước lành cho một năm. Thường thì một chiếc bàn hương án được kê ra, trên có bát nhang, hai ngọn đèn cầy. Lễ vật gồm: một con gà luộc, vài lát bánh tét hay bánh chưng, kẹo mứt, hoa quả, ruợu trà và vàng mã.

Cúng giao thừa

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa. Theo từ điển Hán- Việt của học giả Đào Duy Anh nghiã là cũ giao lại, mới đón lấy. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa còn mang tên là lễ Giao thừa. Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở miền Nam, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.

Trước đây, ở Việt Nam đúng vào phút giao thừa, các nhà thường đốt pháo Tết. Theo lời truyền thuyết dân gian, pháo được cho nổ vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ của năm cũ (vì người xưa đã tin rằng ma quỷ sợ tiếng động lớn) chào đón năm mới tươi vui và may mắn. Pháo càng dài càng lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy ra nhiều xác phác pháo và cháy hết thì càng được cho là điềm lành của năm mới.

Mừng Tuổi & Lì Xì:

Lì xì

Sau Giao Thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ chuẩn bị sẵn một ít tiền để tặng cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc.

Phong tục Tết cổ truyền

Chữ “lì xì” được phiên âm từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ “lợi thị” (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Để mừng tuổi các em, những người lớn trong gia đình, họ hàng, bạn bè của cha mẹ tặng các em những món tiền nho nhỏ (lì xì) và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt, v. v. Những món tiền này được cho vào phong bì màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng. Cũng như màu hồng thắm, màu đỏ hoặc các màu có sắc đỏ được tin là tượng trưng cho sự may mắn. Sau khi nhận những lời chúc thọ, các vị cao niên trong gia đình lì xì tất cả con cháu bất kể tuổi tác với những món tiền nho nhỏ, vừa bạc lẻ vừa tiền chẵn, ngụ ý chúc con cháu làm ăn phát đạt, tiền bạc sinh sôi nảy nở trong năm mới.

 

(Nguồn: Vietlifestyle.com)

Phong tục tập quán đẹp trong dịp Tết Nguyên Đán (P3): Tân Niên
Phong tục tập quán đẹp trong dịp Tết Nguyên Đán (P1): Tất Niên

Your email address will not be published. Required fields are marked *