Please log in or register to do it.

III. TÂN NIÊN

Chúc Tết:

Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ”bề trên”. Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn…Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Xông nhà, chúc Tết

Sáng mồng một Tết, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng đễ lễ Tổ Tiên, chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mùng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên; và các người lớn thì “mừng tuổi” các trẻ em một cách bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”, còn gọi là “lì xì”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ, ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nẩy nở thêm nhiều.

Lễ hội Tết cổ truyền

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương “Tứ dân bách nghệ” của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày “Khai nghề”, “Làm lấy ngày”. Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dù người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân. Phong tục trong các lễ hội Tết hiện còn tiếp tục: Múa lân, múa rồng… Các lễ hội cổ truyền đã mất như thi đánh đu, thi leo cột mỡ…các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, hát chòi và nhiều loại bài bạc cổ truyền. Các trò chơi cộng đồng khác như đua thuyền, đấu vật tùy theo mỗi địa phương các lễ hội này có thể được tổ chức hay không.

Xuất hành hái lộc:

Hái lộc

Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý Thần, Thần tài, hỉ Thần…Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng…là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giử nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân.

Quà Tết, lễ Tết:

Biếu quà chúc Tết cổ truyền

Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ… quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Lễ mừng thọ:

Mừng thọ Tết

Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bác tuần, cửu tuần… tính theo tuổi mụ. Ngày Tết, ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.
Trong gia đình Việt Nam, người cao tuổi được kính trọng hơn hết vì có nhiều kinh nghiệm. Sự kính trọng quý vị cao niên cho thấy một xã hội biết kiêng nể nguồn gốc và có tinh thần khiêm tốn, chịu khó học hỏi từ những người đi trước vì có ai từng trải bằng các vị ấy. Cho nên, sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong gia tộc tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ mỗi độ xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, bất kể sanh nhằm ngày nào trong năm. Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Thăm viếng họ hàng:

Xông nhà, chúc Tết

Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức rườm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm. Để gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng, lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài, phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì chúc mau mau “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người” nghiã là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa vào dịp nầy.

Cờ bạc:

Cờ bạc ngày Tết

Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc, rượu chè nhưng trong dịp Tết, nhất là tối 29, 30; gia đình quay quần bên nồi bánh chưng thì việc đánh bài, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, tổ tôm…ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.

Cúng đưa hạ nêu:

Cúng Ông Công Ông Táo

Trong những ngày Tết, người Việt cho rằng có sự hiện diện của Ông Bà tổ tiên nên bàn thờ luôn được thấp hương và cúng cơm mỗi ngày. Thường thì chiều Mồng Ba cúng tiễn đưa Ông Bà, chiều Mồng Bảy cúng hạ nêu và xem như hết Tết.

 

(Nguồn: Vietlifestyle.com)

Những phong tục kiêng cữ thú vị của người Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền
Phong tục tập quán đẹp trong dịp Tết Nguyên Đán (P2): Giao thừa

Your email address will not be published. Required fields are marked *