Please log in or register to do it.

Gói bánh chưng, bánh tét

Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.
Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.

Gói bánh chưng bánh tét

Tống cựu nghinh tân

Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, cùng hàng xóm vệ sinh nhà thờ, đường xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết.
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau…. Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

Lễ rước vong linh ông bà

Cúng giao thừa
Chiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ.
Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến vong linh ông, bà, tổ tiên… và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới.

Đón giao thừa

Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu – vừa – đủ – xài – sung hoặc cầu – vừa – đủ – xài – thơm.

Mâm ngũ quả

Màu của ngày Tết

Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, màu chủ lực trong ngày Tết vẫn là màu đỏ theo quan niệm màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào v.v…
Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết “”mồng”” mới thôi!
Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.

Màu đỏ ngày Tết cổ truyền

Mâm cỗ cổ truyền ngày tết

Ngày Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi mâm cỗ với những món cổ truyền để thắp hương ông bà tổ tiên bày tỏ lòng tôn kính theo đúng truyền thống. Một mâm cỗ Tết theo kiểu cổ truyền sẽ bao gồm những món ăn như thế nào?
Theo truyền thống, cứ chiều 30 Tết, dù còn bao nhiêu công việc thì người phụ nữ trong nhà vẫn phải dành thời gian để chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để dâng mời ông bà tổ tiên về sum họp, chung vui đón Tết cùng con cháu.

Mâm cỗ ngày Tết
Tùy điều kiện mà mâm cơm cuối năm của mỗi gia đình sẽ nhiều hay ít món, nhưng phổ biến với các gia đình trung lưu là từ 8 đến 10 món khác nhau. Không thể thiếu là dưa hành, bánh chưng, giò xào, gà luộc hay bát canh bóng thả ngọt vị tôm khô được chế biến khéo léo. Tuy đều là những món ăn đã quen thuộc, nhưng với khẩu vị tinh tế của người xưa, để chế biến thành công từng món cũng đòi hỏi những bí quyết riêng.
Ngày nay, mâm cỗ truyền thống cũng đã được cách tân đa dạng hơn với nhiều món được chế biến cầu kỳ. Nhưng để nhớ đến hương vị Tết xưa thì có lẽ những món ăn truyền thống được làm đúng cách, đậm đà hương vị vẫn là những nét không thể thiếu để làm nên một cái Tết trọn vẹn ý nghĩa trong mỗi gia đình Việt Nam.

Xông nhà, xông đất

Người Việt ta có tục xông nhà rất thú vị. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai “nặng vía” thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ “đổ” tại mình “vía không tốt”. Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.

Xông nhà, chúc Tết

Lễ xuất hành

Người Việt thường chọn một người trong gia đình bước ra khỏi nhà trong những giây phút đầu tiên của năm mới. Người xuất hành phải xem lịch, chọn hướng tốt, hạp với tuổi để mong được may mắn trong năm mới mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.

Khai hạ du xuân

Hái lộc

Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự “rước lộc”. Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

 

(Theo wikilamdep.net)

 

Tục biếu Tết, kiêng kỵ và những phong tục thú vị của ngày Tết Nguyên Đán
Những nét đẹp trong phong tục Tết cổ truyền - Phần 1

Your email address will not be published. Required fields are marked *