Năm 2015, chị Vũ Lệ Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) mang một túi tiền lẻ đến FPT SHOP mua iPhone 6 Plus 64 GB làm quà sinh nhật chồng. Khách hàng này cho biết đây là số tiền góp được từ việc bán đồ ăn vặt.
Tháng 8/2016, anh Trần Văn Tr. (TP.HCM) cũng đem 18,99 triệu đồng tiền lẻ mệnh giá từ 500 đồng đến 5.000 đồng để mua một chiếc Galaxy Note 7. Khách hàng này cho biết anh kinh doanh gạo tại gia, số tiền lẻ có được do buôn bán mỗi ngày tích cóp.
Tháng 11/2016, một nhà bán lẻ ở Bình Dương tung lên mạng đoạn clip khách hàng tên Thái Phong đến mua iPhone 7 Black bản 128 GB, giá bán 21,69 triệu đồng. Bao tiền khách mang đến có mệnh giá từ 1.000 – 5.000 đồng, được anh tiết lộ là “tiền để dành cưới vợ”.
Ban đầu dư luận thích thú với các sự việc này, nhưng sau đó nghiêng qua phía các đơn vị bán lẻ đang dùng “chiêu trò” để thu hút truyền thông. Và đúng là triêu chò này luôn hiệu quả.
Quyền lực của tiền lẻ được nâng lên tầm cao mới vào tháng 5/2017, khi hàng chục tài xế ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dùng tiền lẻ thấm nước hoặc vo tròn để mua vé qua khu vực này khiến giao thông ùn tắc cục bộ. Họ cho rằng đó là cách để phản đối việc “thu phí BOT bất công”.
Trong những ngày đầu tháng 8/2017, các tài xế qua trạm thu phí Cai Lậy tiếp tục áp dụng cách này để gây sức ép với nhà đầu tư BOT. Họ thậm chí còn nhét tiền vào trong chai nhựa để gây khó khăn cho quá trình kiểm điểm.
“Chiêu trò” này hiệu quả tới mức không chỉ thu hút được sự quan tâm của truyền thông mà còn cả giới luật sư tranh cãi về việc “làm như vậy có phạm luật hay không”. Và cuối cùng, vấn đề được đặt lên bàn nghị sự.
Bỏ qua khía cạnh luật pháp và chính trị, cô giáo đặc biệt lưu tâm đến lợi ích trong khía cạnh truyền thông của việc này. Rõ ràng, các tài xế đã khai thác được sức mạnh của truyền thông trong việc phát đi thông điệp rằng họ thấy bất công tại các BOT và phản kháng.
Nếu tài xế biểu tình, báo chí chưa chắc đã lên tiếng vì tính chất pháp lý phức tạp và nhạy cảm. Chưa kể, báo chí có lên tiếng dư luận cũng không mấy quan tâm. Nhưng sự biến hoá của những đồng tiền lẻ lại có sức hút truyền thông và người dân ghê gớm.
Các concept “Kì quặc”, “Chuyện lạ” và “Con kiến kiện củ khoai” được (vô tình hay hữu ý) đã phát huy tác dụng.
Trên thế giới, cách làm như vậy cũng có tiền lệ từ lâu.
Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) bắt đầu ngày 30-11/2015 quy tụ 195 nguyên thủ quốc gia tại Paris diễn ra ngay sau cuộc khủng bố 13-11 nên mọi hoạt động diễu hành đều bị cấm.
Tuy nhiên, sự cấm đoán này cũng không thể ngăn cản sự sáng tạo bất tận của người dân Pháp. Từ 2 giờ sáng 29-11, khoảng 12.000 đôi giày được xếp ngay ngắn dưới chân quảng trường Republique thay cho cuộc tuần hành bị hủy.
Sự việc này có hấp lực ghê gớm đến mức hình ảnh 12.000 ngàn đôi giày được viral ngay lập tức trên mạng xã hội và hàng nghìn trang báo lớn nhỏ trên thế giới đưa tin.
Sự sáng tạo và sức mạnh của truyền thông xã hội tạo ra những biến chuyển “không thật không thể tin nổi”. Và cái chính, là người dân đã được trao quyền để cất lên tiếng nói.
Ở chiều ngược lại, cam kết một chính phủ kiến tạo (ưu tiên lắng nghe dư luận hơn kiến nghị từ các Bộ ngành) của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cộng hưởng để dấy lên nhiều kỳ vọng cho một thời kỳ đổi mới. Thời kỳ mà tiền lẻ không vô dụng như người ta vẫn nghĩ và ý kiến người dân cần được các cơ quan quản lý thực sự cầu thị lắng nghe.
> ĐỌC THÊM: 16 concept truyền thông bất biến
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long