Please log in or register to do it.

Đêm 9/8, tại lễ kỷ niệm 10 năm Zalo Group, ông Vương Quang Khải – người sáng lập Zalo – công bố ứng dụng này đã cán mốc 80 triệu thành viên.

Tìm kiếm thông tin “Zalo 10 năm” ở Google, thấy các tờ báo khác cũng đưa thông điệp “80 triệu người dùng” lên tít. Cô giáo tạm hiểu, đây là thông điệp chính team Zalo muốn truyền tải nhân sự kiện 10 năm.

Bên cạnh đó, họ phát đi thông điệp phụ rằng Zalo “trở thành một trong những phương thức hiệu quả để cải cách hành chính” và “là nền tảng kinh doanh giàu tiềm năng trên di động”.

Có ý kiến cho rằng Zalo cứ nói mãi về con số người dùng là cách truyền thông… hơi chán!

Cô giáo cũng thấy mang con số người dùng ra nói thì chán thật! Dù nếu thường xuyên theo dõi facebook của Mark Zuckerberg, sẽ thấy em trai cô cũng thi thoảng lại lên đồng tự sướng về các con số của Facebook, Instagram và Whatsapp.

Nhưng với Zalo, cô thấy hơi tiếc vì việc họ đưa ra các con số chưa tinh tế. Điều này thể hiện ở lời chia sẻ của ông Vương Quang Khải khi tiết lộ “người dùng thứ 80 triệu đang sống và làm việc ở Washington, Mỹ” và “mỗi ngày, Zalo giúp chuyển đi 800 triệu tin nhắn”.

Rõ ràng 80 triệu người dùng là con số lớn so với dân số Việt Nam (với lưu ý Zalo có nhiều người dùng ở cả các nước trong khu vực). Nhưng mang 800 triệu tin nhắn đặt cạnh số lượng 80 triệu người dùng thì chưa khéo léo.

Chẳng lẽ một người dùng Zalo chỉ gửi 10 tin nhắn mỗi ngày? Còn nếu tăng số lượng này lên con số gấp đôi, gấp ba (vẫn là khiêm tốn với ứng dụng nhắn tin), thì ngay lập tức số lượng người dùng “thực sự đang hoạt động” (active users) của Zalo giảm đi tương ứng.

Tóm lại, dù với cách diễn giải thế nào thì thông điệp “lớn mạnh” của Zalo cũng bị tổn thương khi hai con số đó được đưa ra cùng lúc.

Quay lại thời điểm 3 tháng trước, khi Samsung mở bán bộ đôi Galaxy S8/S8+, CellphoneS đã vụt sáng như một ngôi sao trong cuộc đua bán hàng đặt trước dù doanh số của thương hiệu này… bét bảng!

Lý do vì thegioididong có 10.625 đặt cọc, FPT Shop là 10.284 còn CellphoneS chỉ vỏn vẹn 700. Nhưng bằng một cách “không thể tin được” nào đó, nhiều tờ báo lại “tự nhiên” mang các con số đặt cọc này chia nhỏ cho số lượng các cửa hàng.

Kết quả là, số lượng máy bán ra trên mỗi cửa hàng của CellphoneS lại xuất sắc vượt lên đầu bảng (31 máy/shop, so với 24 của FPTShop và 7 của TGDD chấm cơm).

Có nguyên tắc bất di bất dịch trong việc dùng các con số để truyền thông là so sánh, phân tích và thay đổi góc nhìn.

Như sự việc rất nóng gần đây là khi người dân Bắc Kạn đang vui chơi tại sân quảng trường thành phố thì một em bé 12 tuổi đã đánh đu lên cánh tay tượng đài (trong cụm tượng đài Chiến Thắng) khiến một phần công trình tiền tỷ này đổ sập và em bé bị thương.

Sáng 10/8, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Văn Trường cũng xác nhận thông tin trên và giải thích tượng đài nhìn tổng thể thì quy mô và hoành tráng, nhưng thực ra gồm nhiều phiến đá nhỏ ghép lại với nhau. Mỗi “thớt đá” này dày chỉ 50-70cm, nên việc đứa bé 12 tuổi đánh đu làm thớt đá sập xuống cũng là bình thường và dễ hiểu!

Trong khi một số người bụm miệng cười tủm tỉm vì niềm vui dân Việt mình giữ được gen Thánh Gióng, thì cô giáo thấy team Zalo nên vác sách lên Bắc Kạn học truyền thông rồi sửa lại thông điệp với các con số nhiệm màu hơn mới chuẩn.

>>> Đọc thêm về Thông điệp truyền thông


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Băn khoăn vụ gạt tay trúng má của Khánh CASA
Truyền thông tiền lẻ

Your email address will not be published. Required fields are marked *