Trưa nay đi ăn đặc sản Hưng Yên – bánh đa cá với em Trà Ly Gogo xinh đẹp. Phải nói là chưa bao giờ mình cảm thấy thỏa mãn, sung sướng và lên đỉnh một cách tuyệt vời như vậy. Ngon dã man luôn nhưng chẳng nhớ địa chỉ chính xác ở đâu. Chỉ mang mang là gần cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc.
Sau đó vì trời mưa nên 2 đứa phải chui vô trú ẩn ở Chao Cafe. Tất nhiên vừa bước vô quán thì mình đã thấy ngay cái thùng từ thiện (http://on.fb.me/1aKd9CN) nhưng mình không quan tâm đâu í. Vì đúng như ý kiến của bạn Xieunhan Xuperman, việc đặt thùng từ thiện thế này chẳng có gì lạ lẫm. Sân bay, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, rạp phim v.v… chỗ nào cũng có. Thế nhưng khi đã yên vị ở bàn, đập ngay vào mắt mình là một tờ giấy được kẹp trong miếng mê ca như hình minh họa.
Chỉ một tờ giấy nhỏ xíu như vậy thôi nhưng nó tác dụng hiệu quả tức thì (ít nhất là với bản thân mình). Vì nó làm cho mình cảm thấy sự khác biệt của họ trong cách làm từ thiện. Vì khi nhìn thùng từ thiện ở những chỗ đã liệt kê, mình không diễn giải cái hình ảnh đó ra thành “từ thiện”. Mà tùy lúc tùy nơi, tùy thời điểm, mình sẽ nghĩ thế này:
– Gớm, lại làm trò, mệt thật!
– Ai biết chúng mày lấy tiền này cho ai cơ chứ!
– Ôi chẳng quan tâm đâu í!
– Ah, có cái thùng đựng tiền lẻ
– Bao nhiêu lâu nó sẽ mở ra để lấy một lần nhỉ?
– Ai giữ chìa khóa nhỉ?
– Mình ăn cắp nó có biết không nhỉ?
– Có ai vứt tiền rách vào không nhỉ?
– Hình như trong bóp mình có mấy tờ 500 hay sao í, có nên cho không nhỉ?
– v.v… và v.v…
Tức là trong tâm trí mình, cái hình ảnh của thùng tiền từ thiện đó chẳng liên hệ tới một cảm xúc gì tích cực chứ đừng nói là tốt đẹp hay gây thiện cảm. Nhưng cách làm của Chao Cafe làm mình có cảm giác an tâm và tin tưởng. Mình không nghĩ rằng có ai đó sẽ nhấc máy lên để gọi vào 2 số điện thoại của “Chị Mai” hay “Chị Luân” như thông tin tờ báo cáo này cung cấp. Nhưng việc đưa thông tin một cách chi tiết, tường minh và cụ thể như vậy tạo ra được niềm tin tuyệt đối.
Nếu không muốn nhắc tới một điểm cộng nữa cho cái chữ “Trân trọng, Hoàng Quốc Hưng” ở cuối cùng mang đậm thông điệp người thật và việc thật.
Những khoản mục như số tiền còn dư tháng trước, số tiền thu được tháng này, phần đóng góp của quán từng này, phần đóng góp của khách từng kia… khiến cho mọi thứ trở nên sinh động và rất đời thường. Khi đọc những dòng chữ đó, trong đầu mình hiện lên hình ảnh một gái đang miệt mài bên những sổ sách giấy tờ để cộng trừ nhân chia, ghi chép.
Tới khúc “Tặng 50 xuất ăn tại Bệnh viện Nhi Trung Ương”, “Tặng 80 xuất ăn tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu” thì mình lại hình dung ra cảnh nấu nướng, vận chuyển, bưng bê, phân phát; những ánh mắt, nụ cười và cả những giọt mồ hôi âm thầm chảy xuống. Tất cả những liên tưởng và hình ảnh đó sẽ tạo ra trong tâm trí của mình một sự yêu mến và tin tưởng khi nghĩ tới thương hiệu của quán cafe.
Có thể các bạn sẽ nghĩ rằng vì mình là một người quá nhạy cảm và thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội như vậy nên mới bị thu hút bởi tờ báo cáo thế này. Nhưng vấn đề mình muốn nói ở đây không phải chỉ gói gọn trong một tờ giấy và một cái thùng từ thiện “vô tri vô giác” mà ở cách làm truyền thông dựa trên sự thật. Nếu những người chủ quán cafe không phát tâm mong muốn làm từ thiện thật, thì họ sẽ không thể biết rằng những tờ giấy nhỏ như vậy lại trở nên đáng giá và hữu dụng.
Nếu chủ tâm ngồi nghĩ ra một chương trình từ thiện CHỈ ĐỂ LẤY CỚ PR thì hãy tin tôi đi, khách hàng của bạn, công chúng của bạn, đối tác của bạn và ngay cả chính bản thân bạn nữa cũng chẳng bao giờ có được một xíu xiu cảm xúc nào với những chương trình kiểu đó đâu. Cái thùng từ thiện sẽ mãi mãi là một chiếc hộp mica đựng tiền xu tiền lẻ gắn với các liên tưởng dửng dưng hoặc đôi khi là tiêu cực cho sản phẩm dịch vụ mà bạn đang muốn PR. Bất chấp bạn có bỏ ra bao nhiêu tiền để làm truyền thông chăng nữa. Truyền thông như vậy, làm để được gì???
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – June 25, 2013 at 07:56PM)