Please log in or register to do it.

Hãy tự hỏi bản thân xem, có phải bao lâu nay bạn vẫn truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của xã hội bằng cách “đánh vào” nhóm người yếm thế?

Cần kêu gọi từ thiện thì đưa hình ảnh trẻ em nghèo.
Cần kêu gọi thay đổi thái độ với người nhiễm HIV thì kể câu chuyện của một cô giáo đáng thương.
Cần kêu gọi sự chung sức với nạn nhân da cam thì hình ảnh một em bé đầu to hai mắt lồi ra ngơ ngác…

Hình ảnh dưới của Soha là một thí dụ điển hình. Tất nhiên, đó là một hình ảnh cực kỳ lay động tâm can.

nguyen-ngoc-long

Cha già. Tóc bạc. Châm chận. Mắt mờ. Chiếc xe đạp cũ. Cơn mưa xối xả. Biển nước mênh mông.

Còn gì buồn và còn gì sầu hơn vậy nữa?

Nhưng rồi nó có tạo ra các thay đổi tích cực hay không? Đa số chúng ta nghĩ là có, nhưng thực tế thì lại là không.

Những hình ảnh và câu chuyện kiểu này đời nào chẳng có. Nó cào cấu ruột gan của một nhóm người, một nhóm rất đông người, vốn là nhóm chẳng có giá trị và vai trò gì lớn trong việc tạo ra các “cải cách” mang tính bước ngoặt hay lịch sử.

Một nhóm nhỏ còn lại, là những người giàu, người có tiền, người có quyền, người có chức, người có nhiều tri thức, thì cũng chỉ thở dài một tiếng. Rồi thôi.

Vì đúng là bắt một người ngồi rung đùi trong xe hơi nghe nhạc, hoặc nằm dài trên sofa ở một căn penhouse nào đó chờ shipper mang đồ ăn tới, phải cảm cái khổ của ông lão trong hình tới mức thôi thúc phải thay đổi một điều gì đó, thì cũng… hơi làm khó nhau quá thật!

Người ta thường quan tâm tới những vấn đề đụng tới lợi ích thiết thân, hơn là toàn tâm toàn ý lo chuyện bao đồng cho xã hội.

Nữ “tổng thống đầu tiên” (trong ngoặc kép) của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi có một cách rất hay để đấu tranh cho nền dân chủ trên đất nước của bà. Đó là tấn công trực diện vào quyền lợi của chế độ độc tài .

Bà kêu gọi Quốc tế không tới du lịch và cấm vận Miến Điện như một giải pháp “đau lòng”. Vì khi lệnh cấm vận được thực thi, kinh tế bị cô lập thì người dân chịu khổ. Nhưng bà giải thích rằng người dân Miến Điện đã khổ quá rồi, có khổ thêm chút… cũng đành cắn răng chịu đựng! Còn hơn nỗ lực kiếm tiền để giúp chính quyền độc tài tha hồ bòn rút.

Cái hay của chính sách này là đánh vào quyền lợi của tầng lớp ăn trên ngồi chốc. Và nó tạo ra hiệu quả tức thì. Việc làm ấy đủ sức kéo các bên ngồi lên bàn đàm phán.

Giống như chuyện bãi rác Đa Phước làm loạn khu đô thị cao cấp bậc nhất Sài Gòn là Phú Mỹ Hưng ấy mà. Bao nhiêu năm nó tấn công người dân Bình Chánh nào có ai hay, nhưng cả gan đụng đến khu nhà giàu Quận 7 là không có được. Không được một tí nào!

Báo chí nước mình, nếu thay vì phản ánh cái khổ của người nghèo, thử tập trung vào cái khổ của người giàu có và trí thức. Vạch ra cho nhóm này thấy những điều mà họ biết nhưng quên, hoặc chưa nghĩ tới, mà nhất định họ phải gánh chịu ấy, thì hiệu quả thay đổi sẽ diễn ra cấp kì, cấp thiết, và nhanh chóng lắm.

Là tôi trộm nghĩ, Sài Gòn mà cứ mưa lớn thế này thì tất nhiên người dân… thất thủ! Nhưng cứ mãi kêu gào chuyện ông chạy xe ôm, bà bán cơm bình dân hay chị hai vé số bị thất thu, đói khổ thì chắc mươi mười lăm năm nữa cũng chẳng có sự thay đổi nào đáng kể.

Nhưng chỉ cần hiện diện trên con đường đó cơ ngơi của một quan thầy thì mọi thứ sẽ khác ngay thôi. Đừng nói chuyện cống rãnh ngập nước cho nó buồn cười. Tới cả con đường trải ngựa hàng ngàn tỷ thẳng đều tăm tắp còn có thể bất ngờ uốn cong mềm mại khi đụng trúng quyền lợi của ai đó được nữa thì đâu có gì là không thể?

Vậy thì ngày tới đây khi Sài Gòn mưa lớn, hãy thử một lần lắp vào lồng ngực bạn một trái tim “sắt đá” để tạm ngưng thương cảm nhóm người yếm thế. Rồi cùng tôi trả lời câu hỏi, nếu việc này tiếp tục diễn ra, thì tầng lớp “cấp cao” có gì ảnh hưởng thiết thân về quyền lợi?

Khi có được câu trả lời hợp lý, chúng ta sẽ có hướng truyền thông hiệu quả, dù đôi khi bị ném đá là hơi… vô cảm!

Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/YrgKks

NHIỀU HƠN MỘT "ĐÔI GIÀY"
Việc này bạn biết, hay chỉ nghe ai nói lại

Your email address will not be published. Required fields are marked *