“… chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.
Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời.
Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.
Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.
Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế – Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.
(Bộ phim tài liệu Người Tử Tế)
Vậy (người) tử tế là gì?
“Tử tế, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
“Từ rất xa xưa, cha tôi có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế – trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.
“Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, là niềm an ủi của người đời. Chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì”.
Người đời thường nói:
Đồ hủi
sống như hủi
bẩn như hủi
lười như hủi
không dây với hủi!
“Cũng là để hiểu với người mắc bệnh phong mà người đời gọi là đồ hủi ăn ở với nhau ra sao, chúng tôi đã gặp vài ba cảnh đời thiết nghĩ cũng nên kể lại”.
Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà-nội quá! Mình thì người nhà quê – Bố cháu là Chiện, Bà gọi cháu là Chiền.
Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng: Mẹ nó là người hủi.
Mẹ nó là người hủi thì bố nó bỏ đi luôn.
Mẹ nó, chị Nguyễn Thị Hằng phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền, bát gạo đêm đêm chị lần mò, mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định: phải tự vẫn.
Nhưng còn thằng chiền, thằng chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là, đêm đêm chị lần về và bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch.
Hỡi những người lành lặn và tử tế. Một vạn tám ngàn viên gạch.
Đêm. Lạnh buốt. Và đau đớn.
Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền – một người hủi – đã có một ước vọng rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng tâm sự…
Thế còn bạn, bạn có phải là một Người Tử Tế?
Bạn nghĩ gì về Người Tử Tế?