Thế nào là sống tử tế và thế nào là sống chưa tử tế? Mình đã có 2 ngày hội thảo dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia của ISEE để cố công tìm ra định nghĩa của một điều tưởng chừng như đơn giản ấy.
Tối ngày hôm qua, mình cùng 6 bạn nữa “xuống đường” đi thực tế. Điểm tiếp cận đầu tiên là quán bánh gối ở Lý Quốc Sư. Mình ga-lăng tới trước chuẩn bị bàn ghế chỗ ngồi cho cả nhóm. Sau đấy chạy ra gọi đồ ăn.
Vì có ý định sẽ đi ăn nhiều món khác nên mình chỉ kêu 1 phần gồm 4 bánh. Bà bán quán tỏ rõ vẻ khó chịu và nói 7 người thì phải kêu 2 phần 8 bánh ăn mới đủ. Mình bảo không cô ơi tụi con tính đi ăn nhiều món khác nên chỉ kêu ít ít vậy thôi. Bà chủ đanh mặt lại và nói như ra lệnh:
“Tôi đã nói 7 người thì phải gọi 2 phần. Còn nếu gọi 1 phần thì tôi cắt ra làm đôi 4 cái bánh thành 8 miếng mỗi người cầm nửa cái mà vừa đi vừa ăn chứ không có bàn ghế nào phục vụ được các anh các chị như vậy cả!”.
Mình buộc phải đồng ý kêu 2 phần bánh gối để bảo toàn được chỗ ngồi.
Một hồi quay trở lại chỗ ngồi thì cô phục vụ bưng ra 4 cái bánh và 3 chén nước chấm “quăng” lên bàn nói “kêu ít thì chấm chung đi nhé”. Mình chịu hết nổi quay qua gắt gỏng “Bán buôn gì kì vậy? Vừa xong đã nói đồng ý kêu 2 phần còn gì nữa? Thêm 1 phần và mang đủ nước chấm ra dùm cái”.
Câu chuyện sau đó còn tiếp diễn với nhiều chi tiết khác…
Sáng hôm sau cả nhóm ngồi thảo luận, ngay lập tức hành động quát mắng của bà chủ quán và thái độ “láo xược” của cô phục vụ đã nhanh chóng được cả nhóm liệt vào dạng sống chưa tử tế với sự nhất trí cao. Mọi người còn bình luận đủ thứ chuyện xung quanh đó. Nhưng rồi mình nói, thực ra việc mình sẵng giọng với cô phục vụ cũng là một việc chưa tử tế. Vì thực ra cô ấy chưa làm gì sai cả!
Có bạn gạt ngay đi với lập luận rằng đó chỉ là sự phản kháng vì thái độ láo xược của cô kia. Và sau một hồi tranh luận, cả nhóm nhận ra rằng hoá ra việc phán xét một người nào đó là tử tế hay chưa tử tế thường rất dễ, trong khi chẳng mấy ai nhận ra việc nên tự phán xét bản thân mình xem đã thật tử tế hay chưa?
Thế rồi cả nhóm ngồi ngẫm nghĩ và nhận ra rằng thực ra ngay cả bà chủ quán cũng không phải là chưa tử tế. Bà ấy làm kinh doanh thì lợi nhuận đương nhiên phải được đặt lên cao nhất, nếu 7 người mà chỉ kêu như thể 2 người thì tiền bàn ghế chỗ ngồi ai trả? Tiền nước mắm, tiền công rửa 7 phần bát đũa ai lo? Rồi nếu nhóm khách nào tới cũng kêu đồ như vậy thì sau bao ngày quán này dẹp tiệm?
Vậy cuối cùng, ai mới thực sự là người chưa tử tế? Và khi hiểu được ra điều ấy, có phải mọi người trong nhóm đã trở nên khoan dung hơn hôm trước rất nhiều?
Đó là hệ quả của việc thâm nhập vào xã hội, va đập vào từng ngóc ngách trong cuộc sống để kiểm nghiệm những kiến thức về “sống tử tế” mà cả nhóm đang được học. Tri thức đó đồng thời tạo ra một không gian thích hợp và thông tin đầy đủ để mỗi người tự vấn, làm cho cảm giác khó chịu hôm qua biến mất, thay vào đó là cảm giác vừa xấu hổ khi tự đánh giá lại hành động của bản thân, vừa cảm thấy tâm hồn mình thật bình an vì đã thôi giận dữ và ngưng phán xét.
Đó chính là sức mạnh mà có khi phải là một người thiền tập nhiều năm bạn mới ngộ ra và hành xử được. Đó là sức mạnh của tri thức được soi chiếu vào cuộc sống.
(Hình minh hoạ các bạn Thanh niên tình nguyện trong chương trình Tiếp sức mùa thi do Công ty Thiên Long đồng tổ chức – một hoạt động xã hội thiết thực để các bạn sinh viên có cơ hội học được nhiều bài học vô giá trong cuộc sống)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – June 26, 2014 at 01:45AM)