Please log in or register to do it.

Báo Tuổi Trẻ đăng phóng sự với hàng tít đầy cảm xúc: “Tan tác phố Hàn Quốc ở Sài Gòn”.

“Những ngày này, con phố Hàn Quốc sôi động bậc nhất Sài Gòn nằm ở phường Tân Phong (Q.7) đã khoác lên mình chiếc áo ảm đạm, tiêu điều khi nhiều hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng, những bảng hiệu Hàn Quốc dần tháo bỏ.

Không còn vẻ nhộn nhịp, đường phố sôi động như trước đây, các con đường ở khu phố Hàn tại phường Tân Phong ngày cuối tuần 19-7 đã trở nên xơ xác, tiêu điều khi phố xá vắng vẻ, dòng người thưa thớt. Chỉ lác đác vài người Hàn Quốc rảo bộ, ăn uống trên phố thay vì khung cảnh xôm tụ như trước đây”.



Chắc hẳn rất nhiều người đọc những dòng chữ này sẽ thấy chạnh lòng, và… ớn lạnh! Khi nhận ra rằng đòn covid19 rồi sẽ chẳng chừa một ai. Vì chúng ta đang sống trong một nền kinh tế mở cửa, giao thương và hội nhập. Thế nên, chẳng cần biết về Hiệu ứng cánh bướm cũng sẽ thấy lo.

Câu chuyện ở đây là, nếu một công ty ở Bình Dương phá sản, nhiều gia đình tận Hải Phòng cũng có thể sẽ mất miếng ăn.

Ở một góc nhìn khác, việc Phố Hàn Quốc ở Quận 7 Sài Gòn “tan tác” khiến tôi liên tưởng đến những trận đòn hội đồng trên cả báo chính thống và mạng xã hội đổ vào Phố tàu ở Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nội và Phố Nga ở Nha Trang.

Tất nhiên, chúng ta luôn sống và làm việc theo pháp luật. Và bản thân tôi cũng không bao giờ cổ xuý cho những việc làm của người nước ngoài khả dĩ đe doạ đến an ninh quốc phòng (như xây dựng trái phép, thành lập “đặc khu”), hay an ninh tiền tệ (như việc thanh toán qua alipay đổ tiền thẳng về trung quốc), nhưng rõ ràng các vấn đề có yếu tố nước ngoài nhạy cảm khi mang ra “đấu tố” cũng cần cân nhắc đến lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Các thương nhân không phải là người xấu, và đừng nên nhìn họ với con mắt thù hằn. Vì rốt cục, đằng sau họ cũng là đời sống của hàng nghìn gia đình Việt, hàng vạn người dân Việt.

Công ty giày da Pou Yuen Vietnam (thuộc tập đoàn PCG Đài Loan) vừa qua đã buộc phải sa thải 3.000 người lao động, một con số rất khiếm tốn trên tổng số 70.000 lao động ở Vietnam. Thế nhưng sự việc đã khiến Phó thủ tướng phải chỉ đạo, vì ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn gia đình công nhân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Tây Ninh.

Nhưng cũng trong mùa covid, quả vải thiều lại khiến người nông dân thắng lớn khi sản lượng vượt 15 nghìn tấn, doanh thu khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng trong đó tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%.

Và nếu nói về xuất khẩu, thì trong suốt mùa thu hoạch vải thiều năm nay, các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai đã dành đường ưu tiên để xuất khẩu vải thiều một cách nhanh chóng sang Trung Quốc – thị trường truyền thống và lớn nhất đối với vải thiều Bắc Giang.

Nhân tiện bonus thêm câu chuyện Công ty CocaCola Việt Nam (tập đoàn Mĩ) vừa thua kiện và phải bồi thường một lao động người Việt số tiền 300 triệu VNĐ vì sa thải cô này trái luật. Và tất nhiên, đã nhắc đến CocaCola thì phải nhắc luôn cả Pepsi Co như “biểu tượng” của cặp đôi hoàn hảo với kỹ năng chuyển giá và trốn thuế thượng thừa.

Như vậy, công ty – doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Nga, Mĩ… là có công hay tội? Chắc chắn phải đặt vào từng trường hợp cụ thể, từng câu chuyện cụ thể để đánh giá đa chiều. Nếu cứ “đụng đến” Trung Quốc là auto-xấu, chúng ta đang bị nhiễm chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Điều đó, hiển nhiên không có lợi.

Điều mong mỏi nhất bây giờ của tôi rất rõ ràng, là dịch bệnh sớm qua, để các doanh nhân Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Nga, Mĩ… cùng quay trở lại sản xuất kinh doanh như thường nhật. Đừng có thêm bất cứ “con phố nước ngoài” nào tan hoang, và đừng có thêm bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào phá sản. Phải như vậy, để có thêm hàng vạn gia đình bớt đi được nỗi lo cơm áo gạo tiền; hàng vạn người lao động chấm dứt cảnh “người ráo mồ hôi, miệng trôi miếng thịt”.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Vì sao chiến dịch "Bảo vệ bác sĩ 24h" không thuận lợi về mặt truyền thông?
Hiểu nguyên tắc "phụ thuộc" để trở thành một marketer thành công

Your email address will not be published. Required fields are marked *