Tôi phải canh mãi mới chụp được tấm hình này. Vì quan điểm của tôi là cố gắng không xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác, khi chưa xin phép.
Nếu không đoán được nội dung tấm hình, để tôi mô tả cho bạn nghe.
Đây là một chị phụ nữ, tôi đoán ở vùng quê bắc bộ nào đó lần đầu lên Hà Nội. Chị giơ chiếc điện thoại-cũ-nát, nhưng chắc chắn không phải loại feature phone đời cũ, có nối mạng 3 hoặc 4G, và phần mềm đang gọi video call chắc là Zalo (hoặc Facebook Messenger gì đó).
Chị nói “oang oang” giữa đường rằng Hà Nội đây này, mẹ đang ở Hồ Gươm đây này, và Hồ Gươm “đẹp xuất sắc”.
Không biết cô bé ở “đầu bên kia” có nhìn và cảm nhận được miếng “Hồ Gươm xuất sắc” nào qua màn hình điện thoại hay không, chứ tôi thì không thấy thế! Do tôi bận suy nghĩ hoài về “thân phận” của những người ít tiền giống chị phụ nữ này.
Vì trước đó chừng một tiếng, tôi cũng gặp một cặp vợ chồng “nhà quê” khác. Anh chồng đi trước càu nhàu, chị vợ đi sau cười hề hề mặc kệ. Chị giơ chiếc điện thoại cũ, không phải smartphone, màn hình có màu nhưng chỉ bé bằng đúng hộp diêm Thống Nhất lên để… quay phim!
Kỷ niệm và niềm vui lần đầu tới thủ đô của họ gói vào trong những chiếc điện thoại “quay film chỉ để cho có” một cách đơn sơ như vậy.
Đây chắc hẳn sẽ là một phần đại diện không nhỏ trong con số 30% lần đầu được di chuyển bằng máy bay theo thống kê của Cục hàng không, có được nhờ những hãng giá rẻ như Jetstar hay Vietjet. Những người luôn cảm thấy hạnh phúc với đoạn video cà giật nằm gọn trong lòng bàn tay không thể “bắn” từ máy này qua máy khác.
Tôi tin là họ sẽ hạnh phúc nếu một ngày được ngồi lên máy bay, kể cả “chậm cả ngày cũng được”. Miễn được đi máy bay, an toàn, giá rẻ, nhanh chóng và văn minh hơn xe khách nhiều lần.
Đó là lý do tôi không cho rằng việc chậm, hoãn, huỷ chuyến của các hãng hàng không là “bình thường” hay “vui vẻ”. Hay những người như các chị ở bờ Hồ khiến tôi hiểu rằng cuộc sống chỉ đơn giản là lựa chọn.
Delay trong ngành hàng không luôn là câu chuyện bất khả kháng không ai muốn. Điều hành bay không muốn, hành khách không muốn mà hãng máy bay càng không bao giờ muốn (vì họ là đơn vị bị thiệt hại nặng nề). Vậy chúng ta có thực sự văn minh khi gào thét, chửi bới vì một điều không ai muốn?
Nếu thực sự việc làm loạn ở sân bay hay lên mạng chửi vung trời sẽ khiến mọi chuyến bay trên thế giới không bị delay, tôi nghĩ mình sẽ là người đầu tiên làm việc đó. Nhưng tôi chọn không phí sức và hành xử lỗ mãng cho một việc không tạo ra thay đổi.
Cuộc sống càng văn minh, hiện đại, chúng ta càng được biết và thể hiện nhiều quyền lực. Nhưng quyền lựa chọn cách hành xử văn minh, hợp lý để thực sự “enjoy” với khía cạnh tích cực của vấn đề, hơn là vật vã đau khổ trong những điều mình không thể nào giải quyết dường như đang nghiêng về phía những người nghèo?
Cuối cùng, ai hành xử ít học hơn ai? Và quan trọng, là ai hạnh phúc hơn ai, khi quyền lựa chọn là công bằng cho tất cả.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long
Em rất thích cách nhìn nhận cuộc sống này của anh, vì em cũng hiểu phải có cái nhìn cuộc sống như thế mới có thể cân bằng. Giống như em luoin nghĩ phải sống thẳng thắn, công tâm nhất với bản thân mình thì mới đủ mạnh mẽ, tự tin với xác hội.^^
Lạc quan mới vui em ạ