Cô đơn là hệ quả một phần từ việc “bị bỏ rơi”. Mà tôi cho rằng, nhiều người (nếu không muốn nói rằng tất cả) trong số chúng ta đều đã có lần trải nghiệm.
Cảm giác đó chẳng dễ chịu một chút nào. Nếu buộc phải đối mặt trong một thời gian dài vô vọng, nó còn kinh khủng hơn cái chết sinh học bình thường.
Câu chuyện về “Cậu bé ma”, mất toàn bộ khả năng giao tiếp phải sống thực vật suốt 12 năm dài đằng đẵng, bị giam cầm trong chính thân xác của mình khiến cho bất cứ ai đọc đều sởn da gà. Và vô cùng ám ảnh.
Thế mà điều tồi tệ đấy đã xảy ra với một em bé bên cạnh chúng ta. Và bất cứ ai có lương tri đều không dám tưởng tượng, vì nó quá sức chịu đựng của một con người.
Tôi nghĩ mình không cần và không nên đào thêm nỗi đau của một gia đình, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm ngăn chặn để việc đó không được quyền tái diễn. Ở cấp độ rộng hơn.
Chúng ta không được bỏ rơi bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào, và hãy bắt đầu bằng việc xóa bỏ nỗi cô đơn từ những người thân yêu nhất.
Bên cạnh việc mải mê lên án và chửi rủa trường học (tất nhiên mọi người vẫn có quyền làm điều đó), hãy nhìn ra xung quanh. Và tự hỏi, có bao nhiêu người đang bị “bỏ rơi” như vậy?
Tôi nghĩ là nhiều lắm.
- Bạn bè bỏ rơi bạn bè, “nhốt” ai đó vào sự tĩnh lặng trong một cuộc vui.
- Chồng bỏ rơi vợ, “nhốt” người đầu gối tay ấp với mình sau những toan tính đầy sóng gió ở chốn thương trường.
- Bố mẹ bỏ rơi con cái, “nhốt” chúng vào iPad, iPhone.
- Con cái bỏ rơi bố mẹ, “nhốt” bậc sinh thành vào những căn biệt thự nguy nga tráng lệ và chiếc tivi màn hình phẳng đắt tiền.
Tất cả chúng ta đều đang “bỏ rơi” nhau. Chỉ là tất cả đều quá vô tư và vô tâm nên không nhận ra điều đó.
Có người em hỏi tôi rằng “anh ơi, mình giúp được gì cho mọi người, khi bản thân chưa phải là đã thành công?”.
Tôi hỏi lại “thế em có biết mẹ em đang mặc áo số bao nhiêu?”.
Người em kia không trả lời được câu hỏi đó. Và nếu bạn cũng không trả lời được câu hỏi đó, thì như vậy là bất hiếu. Như vậy, là biểu hiện của sự bỏ rơi.
Chúng ta không cần phải thành công ghê gớm mới mua được cho cha mẹ một chiếc áo lành lặn. Thậm chí, chúng ta cũng không cần phải bán, phải mua gì hết. Vì nếu bạn biết rằng cha mẹ mặc áo số bao nhiêu, họ sẽ không thấy bị bỏ rơi.
Chúng ta không cần phải thành công ghê gớm mới ngồi ăn chung cùng con cái 3 bữa cơm tối một tuần. Chúng ta không cần phải thành công ghê gớm mới nhìn thấy bạn bè mình có vết trầy trên cổ áo. Chúng ta không cần phải thành công ghê gớm mới nhìn thấy nỗi lo toan nhọc nhằn trong ánh mắt của người mà chúng ta thực sự yêu thương?
Chúng ta không cần tiền để làm việc đấy.
“Con người ta không phải cứ ở một mình, hoặc ở một mình tại một nơi thật xa, trên một hòn đảo trống trơn nào đó mới cô đơn. Mà nhiều khi, cô đơn nhất lại là khi người ta ở giữa đám đông, ở giữa, nhưng nhận ra mình không có hình trong ánh mắt người mà mình yêu nhất”
(Nguyễn Ngọc Tư).
Chúng ta phẫn nộ khi thấy một em bé bị bỏ rơi trong xe ô tô, nhưng chính chúng ta vẫn đang bỏ rơi vợ chồng, con cái, cha mẹ, và những người thân yêu nhất.
Chúng ta không thấy ghê tởm bản thân mình, chỉ vì một lý do đơn giản:
Họ vẫn còn sống sót! Phải không?
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long