Please log in or register to do it.

Sáng dậy sớm học bài, sẵn tiện gửi link cho một bạn trong team học cùng, cô giáo chợt để ý taggline của Google Primer là “Learn marketing, Fast”.

Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, mạnh mẽ, và đầy cuốn hút.

Nhưng nếu ai đã dùng, thực sự dùng Primer với thời gian đủ lâu rồi mới hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau chữ “Fast”.

Để diễn giải (không đầy đủ lắm), thì có thể hiểu nôm na “Fast” ở đây nghĩa là: Hàng trăm kỹ sư giỏi nhất của chúng tôi, bỏ ra hàng nghìn giờ cân nhắc cắt gọt từng câu chữ, chuyển đổi từng hình ảnh minh hoạ, thêm thắt từng bài tập tương tác để tất cả các kiến thức về kinh doanh, quản trị, truyền thông, marketing gửi tới cho các bạn với mục tiêu rút ngắn thời gian đọc hiểu đi được vài phút, vài giây.

Cô giáo nhìn thấy ở đó vẻ đẹp của sự không-đối-xứng.

Để tạo ra một chút giá trị cho người học, thì rất nhiều giọt mồ hôi nỗ lực của người dạy đã rơi. Để người học đi nhanh, thì người dạy phải đi chậm lại. Nó khác với kiểu dạy nhanh và học cùng nhanh một cách rất “mì ăn liền” như một số “chuyên gia” đang thực hiện.

Cứ hình dung, các em đặt “thời gian học” và “phương pháp dạy” lên 2 cái đĩa của chiếc cân đĩa thăng bằng. Ban đầu, cả đĩa cân “thời gian học” và “phương pháp dạy” đều chứa 5 viên sỏi. Khi này, để hoàn thành mục tiêu vẫn giữ cho cân được thăng bằng, nếu muốn lấy đi 2 viên sỏi ở đĩa cân “thời gian học”, các em đồng thời nghĩ ngay đến việc phải lấy đi 2 viên sỏi ở đĩa cân “phương pháp dạy”. Đó là sự cân bằng 3-3.

Nếu người học chấp nhận bỏ thêm 2 viên sỏi vào đĩa cân “thời gian học”, các em cũng đồng ý bỏ thêm 2 viên sỏi vào đĩa cân “phương pháp dạy”. Đó là sự cân bằng 7-7.

Kết quả cuối cùng vẫn luôn là sự cân bằng. Cho dù đó là sự cân bằng 3-3 hay 7-7. Mà phải nói thêm rằng, chắc tỷ lệ cân bằng 3-3 sẽ chiếm nhiều hơn và áp đảo hơn sự cân bằng 7-7, vì người học thì lười, mà người dạy thì cũng chẳng thấy cần phải đầu tư gì hơn nữa khi đã đạt được trạng thái cân bằng.
Cái gì dễ thì chúng ta làm. Mà cái gì dễ cũng đầy cám dỗ.

Để thoát khỏi cám dỗ này, cô giáo biết nhiều em đã phát hiện ra một cách thứ ba. Đó là, hãy dịch chuyển trọng tâm của chiếc cân. Hãy dịch chuyển nó sát về phía đĩa cân “Phương pháp dạy”.

Khi này, sự bất-đối-xứng-đẹp-đẽ sẽ xảy ra.

Vì theo nguyên tắc đòn bẩy, độ lớn lực tạo ra tỷ lệ nghịch với độ dài của tay đòn. Cho nên, nếu ở đĩa cân “thời gian học” đang có 5 viên sỏi, các em phải bỏ thêm vào 10 viên nữa ở đĩa “phương pháp dạy” để giữ mọi thứ ở trạng thái cân bằng. Khi ấy, chúng ta có sự cân bằng 5-10. Càng đặt trọng tâm vào sát “Phương pháp dạy”, sự bất đối xứng càng tăng lên. Không chỉ là sự cân bằng 5-10, mà là 5-15, 5-20, 5-30… cũng có.



Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào kết quả, thì cuối cùng vẫn luôn là sự cân bằng.

Nhưng tài sản mà các em có khi này nằm ở “Phương pháp dạy”. Và nó lớn. Thực sự là rất lớn. Đủ lớn để tạo ra cái gốc của phát triển bền vững, để sẵn sàng cạnh tranh khi có biến cố xảy ra.

Tóm lại, nguyên tắc ở đây vô cùng đơn giản, hãy xác định giá trị cốt lõi, tôn trọng nó, và thực hiện nó mọi lúc mọi nơi mọi cách bằng việc dịch chuyển trọng tâm vào phương pháp (thay vì kết quả).

Nếu muốn giảm thiểu thời gian cho người HỌC, thì các em đặt trọng tâm vào phương pháp DẠY. Nếu muốn thao tác trên app dễ SỬ DỤNG, thì đặt trọng tâm vào xử lý thật tốt, thật thông minh ở BACK-END. Muốn có một BỮA ĂN ngon, hãy đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm ĐẦU BẾP giỏi.

Chịu thiệt về mình trước mắt, các em sẽ có cái lợi bền vững lâu dài. Chúc các em chịu khó, chịu khổ thành công nhé, he he.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Rèn luyện kỷ luật như thế nào?
OKRs - Tất cả chúng ta đều là người nghiện ngập

Your email address will not be published. Required fields are marked *