Đây là chú bảo vệ, kiêm canh thang máy ở chung cư mình đang ở. Trước chú làm cho công ty du lịch, nay đã về hưu (mình biết thông tin này sau khi hỏi thăm vì thấy thỉnh thoảng chú lại “xổ” tiếng Anh với mình, chắc cho khỏi nhớ nghề).
Ngày mình mới chuyển qua, vừa khệ nệ vác bọc đồ vào thang máy là thấy chú gọi giật ra ngoài kêu… đóng tiền đi lại! 2000đ một lượt thang lên, xuống thì không phải trả tiền. Đóng theo tháng thì 45000đ một người một tháng.
Từ bữa sau, mình không đi thang máy nữa, dù nhà ở trên lầu 7. Thực ra là do mình muốn tận dụng vài lần đi lên đi xuống ít ỏi trong ngày để tập thể dục luôn nhưng chú ấy lại tưởng mình bủn xỉn nên mỗi lần thấy mình là lại tặng cho một vài ánh mắt… không thiện chí. Mình biết nhưng chỉ ngó lơ.
Đến đầu tháng sau, mình ghé lại nộp tiền. Chú vừa ghi danh sách vừa bảo số tiền nhỏ đâu đáng bao nhiêu, đóng một lần cho xong như vậy có phải đỡ cực thân không? Mình cũng ậm ừ, sau đó lại tiếp tục đi bộ lên lầu 7 trước ánh mắt ngạc nhiên của chú. Bữa nào mệt lắm hoặc có người chờ đợi mình mới sử dụng thang.
Tiền đóng như vầy, tính ra mình lỗ! Nhưng để cho chú thấy mình không phải là loại người keo kiệt như chú nghĩ thì bốn, năm chục ngàn mình thấy không cần thiết phải so đo.
Vài đêm về trễ, thấy chú khi thì giăng mùng ra ngủ, lúc lại lủi thủi ngồi nhậu một mình. Tự nhiên cảm thương vì nghĩ chú độc thân, gia đình vợ con không có. Hoặc nếu có, chắc cũng không hạnh phúc. Từ khi ấy, mình rất hay “cho” chú.
Tiền thang máy tăng từ 45 ngàn lên 50, 55, 60 rồi bây giờ là 65 hay 70 ngàn gì đó mình không rõ vì toàn đưa chú 100 ngàn và không lấy tiền trả lại. Thi thoảng đi mua đồ siêu thị lại san qua cho chú. Mua 10 bịch sữa thì biếu chú 2, có 3 quả cam thì để lại cho chú 1. Bạn bè qua chơi, dắt vô đi thang máy thì đưa chú 5 ngàn, 10 ngàn mỗi lần thay vì 2 ngàn như thường lệ.
Mình thì nghĩ đơn giản lắm. Làm từ thiện với người xa lạ ở tận đẩu tận đâu, cúng chùa cúng chiền 5 phương 7 phương chi bằng giúp ngay người ở cạnh mình. Một bữa lẩu cua, lẩu cá kèo, hay coi phim này kia ở rạp cũng mất vài trăm. Trong khi cả tháng trời mình “cho” chú cả tiền dư thang máy lẫn tiền quà cáp giỏi lắm bằng nửa bữa ăn. Như vậy một tháng định tụ tập chơi bời 10 lần thì thôi co lại 9, cũng chẳng mất mát gì mà lại thấy lòng ấm áp. Mình “cho” chú thực ra là cho chính bản thân mình.
Chung cư 11h đêm đóng cửa, tắt điện thang máy tối thui, nhiều bữa mình đi về rón rén sợ tiếng sắt kéo làm chú giật mình thức giấc. Mà chắc chú già nên “ngủ tỉnh”, cứ nghe cửa xếp kêu ken két là mở mắt ra coi, nếu thấy mình thì chú lại lật đật chạy ra bật thang máy rồi bắt mình đi lên “cho lẹ”. Bạn bè ở khắp nơi đến tặng quà, gửi đồ mà mình không có nhà chỉ cần nói gửi Long phòng 704 là chú nhận hộ ngay. Hai “đặc ân” ấy, không phải ai ở chung cư cũng có.
Hôm nay mùng 2 Tết, chạy từ Bình Chánh về Quận 5 lấy một ít đồ. Bận đi lên không thấy chú đâu, tới hồi trở xuống gặp chú đang ngồi nhậu. Một mình. Chú kêu mình lại xoè ra bao lì xì đỏ kêu “chúc con năm mới làm ăn tấn tới”. Mình khựng lại vì bất ngờ. Sau đó thì cảm động.
Mình nghĩ, bao nhiêu tình cảm yêu thương chú đã phải dồn lại và chờ đợi trong suốt một năm trời để hôm nay có cơ hội “hợp lý” tặng quà mình như vậy. Thế nên mình đã nhận, nắm tay chú nói cảm ơn và chúc cho chú khoẻ. Mình dặn “chú nhậu ít thôi không mang bệnh vào người thì khổ lắm”.
Chẳng biết chú nghĩ gì nhưng mặt chú không biến sắc. Mặt chú luôn giữ một “e” như vậy cả khi vui lẫn khi buồn. Một khuôn mặt lạnh không cảm xúc, dễ làm người ta thấy sợ hoặc cảm giác khó gần, không gây thiện cảm. Thế nhưng mình biết, đằng sau cái vẻ ngoài xù xì khó ưa kia, vẫn là một trái tim ấm áp có đủ các cung bậc yêu thương.
Cẩn thận để món quà của chú lên túi áo, để thấy lòng mình ấm lại. Chạy xe về nhà giữa đường phố thênh thang lộng gió, thấy Sài Gòn thật thân thương, gần gũi và đêm không còn lạnh nữa. Mùa xuân đã đến thật rồi.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – February 01, 2014 at 10:31PM)
Đọc mỗi bài của anh em lại ngộ ra và tham khảo được thêm 1 triết lý sống ạ. Em cảm ơn anh!