Please log in or register to do it.

Bữa nay đi cafe với bạn Trang và bạn Quang có câu chuyện thú vị thế này.

Bạn Trang nói rằng bạn biết một số trung tâm, nhà thờ trong Sài Gòn có cưu mang đối tượng là bà mẹ trẻ đơn thân. Đó có thể là đối tượng bị lạm dụng, cũng có thể là đối tượng “hư hỏng” lỡ làng. Bây giờ bạn muốn nhờ mình – với vai trò một người có ảnh hưởng, khi nào rảnh có thể lên tiếng giúp để quyên tiền cho những trung tâm đó.

Mình nói ngay, câu trả lời chắc chắn là không! Nhân tiện mình cũng nói thêm, rất nhiều người khác cũng hay nhờ mình share này kia, lên tiếng kêu gọi này khác mình cũng “say no” một cách chắc như đinh đóng cột. Bạn Quang nghe thấy thế hỏi tại sao? Bạn Quang nói rằng bạn vẫn ủng hộ cho quỹ Cơm Có Thịt và vẫn tích cực share cho các chương trình khác. Vậy tại sao mình không làm như thế?

Trước khi trả lời bạn, mình cần phải nói rằng có 2 “cái bẫy” mà một số người làm từ thiện hay mắc phải.

Thứ nhất là câu hỏi giúp bao nhiêu cho đủ?

Hãy thử hình dung, nếu bạn đã ủng hộ cho một quỹ từ thiện 100$, rồi mua giúp cho 2 bà già 4 tờ vé số. Điều gì xảy ra nếu có bà bán vé số thứ 3 xuất hiện? Hoặc là bạn “cắn răng” mua tiếp hoặc là bạn phải “muối mặt” từ chối. Nếu mua tiếp, bạn sẽ làm gì với bà bán vé số thứ 4? Còn nếu từ chối, bạn có bị “cắn rứt lương tâm” khi giúp cho bà già này mà không giúp cho bà già khác?

Thực ra. Bạn sẽ hoàn toàn không phải rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy nếu biết rằng chúng ta chỉ nên chi ra 5% thu nhập cho việc “cho đi”. Tức là, nếu thu nhập của bạn là 10.000.000đ mỗi tháng, thì bạn chỉ cần “cho đi” 500.000đ là “đủ”. Sau khi đã cho đi như vậy, bạn không phải “cắn rứt lương tâm” vì giúp cho người này mà bỏ qua người khác. Bạn không có nghĩa vụ và không thể giúp được cho cả xã hội hay thế giới.

Trong “cái bẫy” số 1 này còn một cái bẫy nhỏ nữa đó là nhiều người lẫn lộn giữa việc “cho đi” và “từ thiện”. Từ thiện chỉ là một cách cực nhỏ để cho đi. Ngoại trừ việc bạn “cho đi” chính bản thân bạn thì tính vào tiền “hưởng thụ” hoặc mang đi học tập thì tính vào tiền “giáo dục”, còn lại hãy “cho đi” trước nhất là ông bà cha mẹ, anh chị cô dì chú bác, bạn bè thầy cô…

Hãy dành ra 5% thu nhập để mua cho ba một cái quần tây mới, mua cho mẹ chiếc áo bà ba, mua cho anh chị nửa ký mãng cầu, mua cho ông bà cân đường hộp sữa, chai dầu gió, lọ thuốc ho… Đó mới chính là việc cho đi cần làm trước nhất. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang tiền đi làm từ thiện, cúng chùa cúng phật, giải cứu chó mèo… khi chưa làm được những việc “cho đi” ở ngôi quan trọng nhất.

Mình thấy nhiều bạn “đáng thương” khi chưa hiểu rõ điều này và tự “xấu hổ” khi than thở rằng “anh ơi em thấy anh làm từ thiện suốt mà em chỉ lo được cho bản thân và thỉnh thoảng cho được bố mẹ ít tiền. Thấy người ta ủng hộ từ thiện em xấu hổ quá”. Theo đúng lý thuyết thì các bạn đang cho đi vô cùng đúng đắn. Tại sao phải xấu hổ?

Trái lại, có những người suốt ngày chùa chiền cúng bái, khoe làm từ thiện tiền trăm ngàn bạc triệu nhưng ba mẹ bỏ mặc quanh năm không động viên thăm hỏi mua cho tứ thân phụ mẫu được manh quà tấm bánh. Làm như vậy thì không đáng được coi là từ thiện.

Cái bẫy thứ hai mà một số bạn “nghiện” làm từ thiện hay mắc phải là mặc nhiên cho rằng mọi người phải chung một cảm giác, phải đồng cảm với các chương trình của bạn. Nếu các bạn hô lên mà người khác không hưởng ứng thì nhẹ bị coi là vô cảm, nặng bị coi là thứ khốn nạn, đểu cảng, xài tiền như nước mà không giúp cho từ thiện.

Các bạn không biết rằng mỗi người có một “góc khuất”, một số vấn đề tổn thương khác nhau trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp những vấn đề như vậy, chúng ta rơi vào trạng thái “unbalance”. Những người “unbalance nặng” hoặc thời điểm họ rơi vào trạng thái “unbalance” là lúc dễ tác động nhất để “dẫn dắt” họ tới với các chương trình từ thiện.

Khi làm từ thiện, đặc biệt là giúp cho những đối tượng đúng hoàn cảnh, góc khuất bản thân là lúc chúng ta được “balance” trở lại. Vậy khi bạn hô lên mà người ta không hưởng ứng, thì hoặc là uy tín bạn chưa có đủ, hoặc bạn đang tác động vào một đối tượng đang rất “balance”, hoặc nếu dù có ở trạng thái “unbalance” thì dự án từ thiện của bạn cũng không giúp giải toả những góc khuất sâu kín làm tổn thương tâm hồn họ.

Quay trở lại câu hỏi của bạn Quang, mình có thể trả lời với bạn rằng thứ nhất, quỹ cho đi của mình dành cho những người thân và dự án Ngày Hạnh Phúc đã là quá đủ. Thứ hai là dù “say no” với bất cứ chương trình từ thiện nào khác thì mình vẫn tự tin rằng mình là người tốt nên chẳng có gì mà mình phải ngại. Mình cảm thấy rất hạnh phúc, rất cân bằng với cuộc sống hiện tại. Khi nào “unbalance” biết đâu mình sẽ chủ động liên hệ lại với các bạn ấy sau?

P/s: bài viết này mình có áp dụng một số kiến thức về tâm lý học ứng dụng do một người chị gái làm giám đốc tài chính cho Quỹ từ thiện lớn của Việt Nam chia sẻ lại. Tks chị yêu nhiều nhé!

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – Sat, 30 Mar 2013 at 10:41 AM)

Chẳng biết một, hai năm lẻ nữa (*)
Đồng Hương

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Anh khiến bản thân tôi muốn mình thay đổi tích cực mỗi khi doc một bài viết nào đó của anh. Tôi đọc cũng được ít bài. Và đa phần tôi đều muốn viết vài dòng gì đó để bày tỏ sự thán phục. Nhưng buồn thay là đa phần tôi lại không làm như vậy. Có lẽ góc khuất nào đó trong tâm hồn tôi – như anh nói- khiến cho tôi luôn chần chừ, do dự và rồi không làm gì cả. Cũng có khi tôi đa ghi được điều gì đó nhưng rồi lại xóa bỏ. Không biết liệu có phải trong buổi sáng như thế này, tôi có một chút tỉnh táo, có một chút cân bằng nên có thể viết cho anh như thế này không.
    Có những bài viết của anh hay làm tôi phải suy nghĩ về bản thân mình, Những điều anh nói đó, biết đâu là điều mà tôi đang tìm kiếm bấy lâu, nhưng mãi không phát hiện ra được. Có lẽ do bản thân tôi cứ mãi tìm trong mớ suy nghĩ hỗn độn của mình, tôi đã không thể khách quan tìm ra câu trả lời cho mình. Những điều tôi vừa viết ra không liên quan mấy đến việc từ thiện anh vừa nói, tôi- cảm thấy rất thích cách anh nhìn nhận vấn đề này. Cám ơn anh về bài viết hôm nay.

  2. Cảm ơn anh Long,

    Đọc xong bài viết này, tôi thấy mình may mắn khi vẫn blance được trong vấn đề về tâm lý, mặc tôi đã từng mời tham gia tổ chức 1 vài dự án từ thiện nhưng tôi đã từ chối.

    Còn tại sao tôi từ chối???
    Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tôi đã tham gia 1 ch/tr từ thiện (miễn phí) và cảm thấy mục đích từ thiện của ch/tr đó chỉ là cái cớ để DN làm thương hiệu. Giá trị của tôi bị lợi dụng, lòng tốt của tôi đã đặt sai chỗ. Chính vì vậy, tôi đã từ chối những ch/tr từ thiện không xứng đáng với tuyên ngôn của họ đưa ra. Chứ không phải tôi lãnh cảm với việc làm từ thiện

    Tôi thực sự thích và sẵn sàng làm miễn phí, tất nhiên là với mục đích PHI LỢI NHUẬN cho những ch/tr từ thiện tại HN. Nếu bạn có những dự án từ thiện, cần ê kíp tổ chức sự kiện và truyền thông tại Hà Nội. Xin vui lòng liên hệ:
    – Nguyễn Vũ Quang Anh
    – Email: quanganh.nv@gmail.com
    – Mobile: 0943.078.551
    Chúng tôi có 3 nhân sự chuyên môn về truyền thông và tổ chức sự kiện + ít nhất 30 tình nguyện viên hỗ trợ chương trình.

  3. ồ ! một quan điểm rất hợp lý ! cám ơn anh!