Please log in or register to do it.

Tối hôm qua, vừa đi tư vấn cho Larry Thanh về chuyện bản quyền nhạc thì sáng nay mở mắt ra đã thấy ngay 2 vụ to uỳnh về bản quyền phim và bản quyền game.

Trang Soha Phim của VCCorp ra thông báo tạm ngưng cung cấp dịch vụ “do chưa đạt được thoả thuận trong việc thương thảo hợp đồng bản quyền với một số đơn vị cung cấp nội dung”. Còn game Fapply Bird của triệu phú đô-la trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông bị Nintendo đòi trả 6 tỉ USD tiền bản quyền vì sử dụng hình ảnh ống-cống-xanh trong game Mario của họ.

Thông tin số 2 ở dạng tin đồn, mình chưa kiểm chứng. Và cũng không có nhu cầu kiểm chứng. Nhưng nếu việc này là có thật thì cũng không có gì lạ. Vì đấy là những rắc rối đương nhiên có trong lĩnh vực bản quyền. Nhất là khi các doanh nghiệp Việt muốn ra biển lớn.

Có khoảng 6 file audio âm thanh được sử dụng trong game Flappy Bird, 2 kiểu font chữ khác nhau và một số hình ảnh. Tất cả các loại content này đều có thể bị đòi tiền nếu Nguyễn Hà Đông không phải chủ thể quyền, hoặc chưa mua đủ quyền sử dụng.

Xét về mặt pháp luật Việt Nam, một “bài hát” thường có 3 quyền là Quyền ghi âm, Quyền tác giả và Quyền biểu diễn. Muốn sử dụng hợp pháp để thương mại hóa phải có đủ 3 quyền. Rồi phải tính đến cả phạm vi sử dụng và yếu tố thời gian hợp đồng hiệu lực.

File audio trong game Flappy Bird chỉ có 2 quyền là quyền ghi âm (tạo ra âm thanh dạng điện tử) và quyền tác giả (ký âm tạo ra giai điệu). Quyền ghi âm sẽ được IFPI là Hiệp hội công nghiệp ghi âm Quốc tế thay mặt chủ quyền thực hiện cảnh báo và kiện cáo. Còn quyền tác giả sẽ được IFRRO là Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép “gõ đầu”. Bản quyền về hình ảnh và font chữ thì mình chưa có kinh nghiệm nên không rõ.

Nói chung là, đã ăn được một cục tiền thì chạy đâu cũng chết. Bây giờ có nâng cấp game để thay font mới, chèn nhạc có bản quyền, bỏ hình ảnh ống-cống-xanh của Nintendo thì vẫn chết! Các chủ thể quyền đã có trong tay đầy đủ bằng chứng cả về mặt xâm phạm quyền lẫn hành vi trục lợi bất chính để bắt chủ game phải bồi thường (thông qua các tiết lộ của Hà Đông với truyền thông Quốc tế như CNN, Forbes…).

Cuộc chơi bản quyền, nhất là trên môi trường Quốc tế không đơn giản một chút nào. Tất nhiên, trong trường hợp của Hà Đông thì “thông cảm được” vì bạn ấy không định cố tình vi phạm nhằm tạo ra game trị giá triệu đô. Chỉ là một thành công ngẫu nhiên không ngờ tới.

Nếu am hiểu sâu sắc về luật bản quyền, và biết chắc Flappy Bird có thể thu về doanh thu quảng cáo 1 tỷ VNĐ mỗi ngày, chắc Hà Đông không ngu dại gì mà tiếc vài trăm ngàn hay vài triệu VNĐ để mua bản quyền nhạc, hình, font chữ từ khi game chưa được phát hành. Giờ thì đã muộn, vì nếu các chủ thể quyền “xông vào” kiện, họ không đòi vài triệu VNĐ như việc mua bán lúc đầu, mà sẽ đòi chia sẻ doanh thu.

Nên nhớ, trên thế giới có nhiều công ty được lập ra mà không kinh doanh gì hết. Họ chỉ mua bán bằng sáng chế và đi kiện cáo.

Cuối năm 2012, Google mua Motorola với giá 12.5 tỷ USD. Đầu năm 2014, Google bạn lại Motorola cho Lenovo với giá gần 3 tỷ USD nhưng giữ lại hơn 17.000 bằng sáng chế của hãng điện thoại lừng lẫy một thời này. Tức là, Google định giá 17.000 bằng sáng chế đó gí trị tới 9 tỷ USD.

Apple cũng có hàng trăm ngàn *nhấn mạnh là hàng trăm ngàn* bằng sáng chế. Mọi thứ bạn nhìn thấy và không nhìn thấy ở chiếc điện thoại iPhone bạn đang sử dụng đều được bảo hộ quyền. Thí dụ tiêu biểu như chức năng Slide-to-unlock và thanh-cuốn-ẩn-đi là những phát minh được bảo hộ của Apple và giúp hãng thu về hàng trăm triệu USD chỉ từ việc đi kiện cáo.

Câu chuyện bản quyền thì còn dài lắm, nói mãi cũng không hết được. Mà nói nhiều quá thì không ai đọc nổi nên thôi mình không nói nữa. Chỉ có một sự khuyên nhẹ cho bạn Nguyễn Hà Đông là hãy cứ nên tiếp tục trốn truyền thông như mấy ngày trước, đừng ham hố nhoi mặt ra như hôm qua mà chết sớm :D

((( Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Blogger Truyền thông Xã hội – Founder Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, Hiểu từ gốc rễ )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – February 07, 2014 at 09:06AM)

Tết
Món quà năm mới của người canh thang máy

Your email address will not be published. Required fields are marked *