Chơi thân thiết, thường xuyên tụ tập với các phóng viên văn hóa văn nghệ, bạn sẽ có cái lợi là thường xuyên update được các thông tin mới, hậu trường của nghệ sỹ và người nổi tiếng – những thông tin mà báo chí phải chờ rất lâu mới được đăng, hoặc đôi khi nó sẽ không bao giờ được đăng vì nhiều lý do. Thú vị quá phải không?
Nhưng ngược lại, có một cái hại là ĐA SỐ (không phải là tất cả) phóng viên văn hóa văn nghệ rất nhiều chuyện, ưa tám, ngồi lê đôi mách và buôn chuyện. Đôi khi là buôn cả thuốc cãi nhau.
Tất nhiên ĐA SỐ thì không phải là tất cả. Nếu phóng viên văn hóa văn nghệ nào đang đọc được status này thì chắc hẳn anh / chị nằm trong cái thiểu số ít chuyện kia rồi, nên đừng buồn nhé. Cứ AQ theo kiểu “nó có nói mình đâu” cho trời yên biển lặng. À, còn nếu ai thắc mắc thì mình xin thưa là mình nằm trong cái ĐA SỐ kia ý ạ (tự sướng luôn cho khỏi bị ai chặt chém :D).
Cách đây khoảng 6, 7 năm. Khi mà mình thường xuyên tám chuyện với một số bạn phóng viên VHVN thì cũng là giai đoạn mình thường xuyên bị… cứng họng vì những cú đâm sau lưng chiến sỹ. Kịch bản quen thuộc sẽ là Nguyễn Ngọc Long Blackmoon chat với PV A để tám chuyện về PV B hoặc nghệ sỹ C. Và rất nhanh sau đó là tin nhắn, email, chat… từ PV B / nghệ sỹ C gửi tới Nguyễn Ngọc Long Blackmoon để mắng vốn vì “sao mày dám nói xấu tao?”. Ngay lập tức, Nguyễn Ngọc Long Blackmoon sẽ forward đoạn rủa xả đó về ngược lại cho PV A để mắng dây chuyền là “Sao tao tin tưởng mày như thế mà mày lại bán đứng tao?”. PV A sẽ lại ngay lập tức gọi điện cho PV B / nghệ sỹ C để hỏi tại sao tại đã nói là nói nghe cho biết rồi bỏ đi mà mày lại chửi nó để nó chửi lại tao? blah blah blah…
Những “tai nạn” như thế xảy ra như cơm bữa ở giới phóng viên. Rồi thì cạch mặt nhau, rồi thì lại huề, rồi lại ghét bỏ người này, thù oán người kia… nhưng cuối cùng đâu lại đóng nguyên xi vào đấy. Dường như cái tính bà tám đã ăn sâu vào máu mủ của ĐA SỐ phóng viên văn hóa văn nghệ rồi nên rất khó bỏ. Vậy nên đừng thắc mắc tại sao đến 99% phóng viên văn hóa đều thích con trai, bất kể phóng viên đó có giới tính thế nào.
Cho đến một ngày, mình có hẹn phỏng vấn em Hiền Thục – hình như nhân dịp em ấy biểu diễn với Bi-Rain hay gì đó (lâu rồi chẳng nhớ). Và rồi em ý cho mình leo cây với vỏn vẹn một câu “Em xin lỗi”. Mình cũng lịch sự nhắn lại là “thôi không sao” nhưng thực ra thì mình thù lắm lắm! Thế nên khi một phóng viên khác nhắn tin cho mình xin số Hiền Thục thì mình đã nhắn lại một cái tin nhắn dài thoòng loòng để mắng chửi và rủa xả Hiền Thục kèm theo câu chốt hạ là chớ có ngu mà dây vào con đó! Và trong cơn mê sảng vì tức tối, mình đã không nhắn trả lời vào số của phóng viên kia mà lại gửi ngay lại cho… Hiền Thục!
Thế là mình đã hiện nguyên hình một con phóng viên nhiều chuyện, nhỏ mọn và bà tám. Khi nhận tin “xin lỗi” của Hiền Thục và nhắn gửi rằng lần sau nếu anh không hài lòng gì cứ nói thẳng với em thì mình đứng hình tại chỗ. Đơ như cây cơ, nhục như ông Ngô Bá Lục, xấu hổ hơn phật tổ, tự thấy mình hèn hơn ông thợ rèn và muốn chết như con rết luôn cho xong.
Mình tự chỗ đang ở vào vai trò là “người chiến thắng” đã rất nhanh chóng trở thành kẻ chiến bại. Nhưng mình đã tự cảm ơn… mình và cảm ơn Hiền Thục về sai lầm chết người lần đó.
Từ lần ấy, không bao giờ mình đi “nói xấu” ai “sau lưng” nữa. Vì mình rất sợ một ngày nào đó người bị mình nói xấu sẽ nghe được và khi ấy mình sẽ bị cứng họng tập 2. Bất cứ khi nào định mở miệng ra hoặc đặt tay gõ một cái gì đó về một người không có mặt, mình luôn tưởng tượng ra lời nói của mình, chữ viết của mình sẽ hiển thị trước mặt người ta, và khi ấy người ta sẽ phản ứng thế nào?
Vì như các bạn cũng biết rồi đó. Có những việc nếu nói thẳng với nhau thì vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng nếu nói “sau lưng” thì hay bị thổi phồng lên, vung lên, với những từ ngữ không được hay ho cho lắm.
Có nhiều lúc trong email mình gõ “Làm viêc với con đó phải cẩn thận nhen”. Nhưng ngay lập tức mình giả định rằng email này sẽ bị “con kia” đọc được và mình xóa đi, sửa lại thành “Làm việc với bạn X, em nên để mọi thứ rõ ràng”. Rồi mình lại nghĩ, nếu X đọc được sẽ nghĩ mình ám chỉ X không rõ ràng nên thêm vô “Làm việc với bạn X hay với bất cứ ai khác em cũng nên để mọi thứ rõ ràng, vì như thế là có lợi cho đôi bên. Em có lợi mà X cũng có lợi, giúp việc hợp tác được lâu bền hơn”.
Nói như vậy không có nghĩa là không bao giờ mình đi “nói xấu sau lưng người khác”. Có chứ! Nói nhiều là đằng khác. Nhưng mình chỉ nói khi mà mình tin chắc rằng trước mặt người đó, mình cũng sẵn sàng nói y chang như vậy.
Tức là, nếu mình nói với A rằng “thằng B là một thằng vừa ngu vừa hèn”. Thì khi gặp B mình cũng dám nói “B ơi, tao thấy mày vừa ngu vừa hèn”. Và mình sẽ không bao giờ phải cứng họng hay xấu hổ.
Nhiều năm qua, mình kể với rất nhiều người câu chuyện này vì mình thấy đây là một lỗi giao tiếp căn bản mà phần đông chúng ta hay mắc phải. Nếu tình cờ đọc được status này, xin bạn hãy share cho nhiều người khác cùng đọc được và chiêm nghiệm. Thà rằng biết rồi để đó phòng hờ còn hơn đợi đến khi găp tai nạn như Nguyễn Ngọc Long Blackmoon bạn nhé.
Và cuối cùng, mình nhắc lại quan điểm sống của mình “Dù trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên nói xấu người khác. Nếu bắt buộc phải nói thì hãy nói vài lời tốt đẹp”.
Đời đơn giản vậy nhưng vui :D
thích phong cách và quan điểm của anh Long cực ý :3