Please log in or register to do it.

Hôm nay, mình được tham dự một event siêu to khổng lồ, tổ chức ở một khách sạn cũng siêu to khổng lồ không kém. Từ không gian, cho tới khách mời, chỗ nào cũng toả ra một thứ mùi “chanh sả” không lẫn vào đâu được.

Thế nhưng, lúc đang lúi húi rót trà, lấy trái cây, mình lại vô tình nghe được một câu chuyện có mùi thum thủm:

– Chị ơi…

– Gọi gì mà gọi? Mày không thấy tao đang bận tiếp khách à? – Chị gái, nghe chừng có chức sắc lớn nằm trong ban tổ chức tỏ ra cáu gắt.

– Dạ em thấy… Nhưng mà – bạn nhân viên hạ giọng – có thằng kia nó cứ đòi xin phỏng vấn.

– Thằng nào? Ở báo nào? Nói nó chờ chút thì chết hết à?

– Dạ em bảo rồi mà nó nói có việc gấp cần về trước không chờ được nữa.

– Nó cần phỏng vấn ban tổ chức hay hỏi khách mời?

– Khách mời chị ạ. Nó nói nhân vật tuỳ mình chọn.

Thế rồi sau đó, chị sếp miễn cưỡng bỏ ly nước và dĩa trái cây xuống bàn để ra nói chuyện với “thằng nhà báo“.

Lúc ấy mình không đi theo, nên không nghe rõ câu chuyện họ nói thế nào, nhưng nhìn thái độ và cung cách thì rõ là “thằng nhà báo” đang được thầy trò nhà chị event trả lời rất đon đả và trọng thị.

Cũng khó để nói rõ khi ấy mình cảm giác thế nào. Nhưng có chút gì đó hơi gờn gợn. Vì mình nghĩ, cách “làm pr” theo kiểu make-up thế này thì sẽ không bền. Họ có thể đeo mặt nạ trước mặt người khác 1 ngày, 1 tháng, 1 năm, thậm chí có thể 10 năm. Nhưng “vạ miệng” vào một ngày nào đó là điều có thể tiên đoán trước.

Làm PR – quan hệ công chúng (bao gồm cả khách hàng, đối tác, giới truyền thông và cơ quan quản lý) – bằng bất cứ kiến thức, hay thủ thuật gì, thì cuối cùng vẫn là phát triển mối quan hệ giữa những con người thật. Không diễn trò, và không tô vẽ.

Thế nên học PR, trước hết là phải học cách làm một người tử tế. Mà khi đã là người tử tế, thì sẽ chẳng bao giờ lo “vạ miệng”.

Người tử tế, không có nghĩa là không bao giờ được gọi một nhà báo là “thằng”. Nhưng ít nhất, sự chính trực sẽ thôi thúc người đó suy nghĩ kỹ, để nếu dám gọi nhà báo là “thằng” ở sau lưng, thì cũng sẽ đủ lý lẽ để gọi nhà báo là “thằng” như vậy ngay trước mặt.

Người tử tế, không có nghĩa là không bao giờ được ẩn ý gọi những người chỉ trích mình là bầy chó sủa. Nhưng ít nhất, sự chính trực sẽ thôi thúc người đó suy nghĩ kỹ, để đủ lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình khi “bầy chó” quay lại phản công.

Còn khi chưa làm được vậy, thì “vạ miệng” nhất định rồi sẽ xảy ra thôi. Tới lúc ấy, có đổ thừa “tai nạn” cũng chỉ là một cách chống chế cực kỳ yếu ớt.

Vì, dư luận có cả triệu người, nhẽ là ngu hết để cho chúng ta giải thích ba lăng nhăng thế nào cũng được?


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Xây dựng Thương hiệu cá nhân: Làm sao để hạnh phúc?
Khéo truyền thông để "không khó xử"

Your email address will not be published. Required fields are marked *