Please log in or register to do it.

Hôm qua tôi đọc/nghe được bài phát biểu của một quan chức về thành tích của đội tuyển U23 khá hay, trong đó có câu nói đại ý rằng: các em (U23) đã làm được một việc là khiến cho những người trước giờ không quan tâm về bóng đá cũng phát cuồng vì bóng đá và có thể từ giờ trở nên yêu bóng đá.

Quả là trúng tim đen!

Trước giờ mình không phải là thể loại cuồng bóng đá gì hết. Và bây giờ cũng thế. Nhưng quả tình, sự háo hức theo dõi và cổ vũ cho U23 là có thật. Nếu lý trí một chút, thì cảm xúc đó đến từ lý do gì, khi bản thân mình nhận thức rất rõ mình không ham mê bóng đá nhiều như vậy?

Thứ nhất, đó là vì cảm giác hồi hộp, cảm giác đây là câu chuyện chung của cả đất nước, là niềm tự hào chung của cả Việt Nam chứ không đơn thuần là chuyện bóng banh gì hết.

Thứ hai, cũng có thể do hiệu ứng đám đông, bị ảnh hưởng bởi truyền thông (chắc chỉ một phần rất nhỏ)

Thứ ba, là vì cảm được cái nhiệt huyết thực sự của các em. Rất đam mê, rất vô tư, rất quả cảm. Đúng là các em nghèo thật, và coi đá banh như một nghề, một nghiệp để giúp đỡ gia đình nhưng vượt lên tất cả vẫn là sự đam mê, khát khao mãnh liệt. Không có đam mê, mà chỉ nghĩ đến “đi làm kiếm tiền” thì không hết mình như vậy được đâu.

Thứ tư, và quan trọng nhất, là vì sự trong sáng của các em. Trong sáng chứ không phải đẹp trai nhé, nói thật lòng mấy em này nhan sắc bình thường lắm. Cái sự trong sáng này nó vượt trên những tính toán của ông A bà B, nó khiến mình tự nhận ra rằng cuộc sống đã nhồi vào đầu mình nhiều thứ khiến mình chẳng còn được hồn nhiên đến tinh khiết như vậy nữa.

Những câu trả lời phỏng vấn rằng “em chẳng sợ con gì vì em người nhà quê mà” hay “em ít nghe mấy nghe nhạc trẻ lắm, em chỉ nghe nhạc khích lệ tinh thần thôi”… của Tiến Dũng khiến mình thấy đáng yêu vì nó thật. Mà cái thật đấy, chẳng ai xúi bẩy dạy dỗ được đâu.

Cái câu “Bài em nghe nhiều nhất là Quốc ca” nếu gắn vào miệng ai cũng thấy sai sai, trừ Tiến Dũng, trừ mấy em U23 phải không các mẹ?

Ngay đến lúc người hỏi “nhí nhảnh đáng yêu” đề nghị “Dũng hát một đoạn Quốc ca bây giờ có được không?” thì chàng thủ môn này cũng trả lời không thể thật hơn: “bài này phải hát trong không khí trang nghiêm chứ chị”, cũng làm người khó tính nhất thấy thật hợp lý hợp tình!

Nói đến truyền thông, việc làm hình ảnh, tạo ra những hình ảnh và khoảnh khắc “đẹp” hay “đắt giá” để truyền thông “chớp lại” là kỹ thuật có thể học. Nhưng khoảnh khắc các em dùng tay cào tuyết để đồng đội mình ghi điểm, thì ai xúi bẩy dạy dỗ hay dặn dò trước được đây, nếu đó không phải là sự thật?


Những câu nói của đội trưởng mắt hí rằng “trong đội của chúng em chỉ có một ngôi sao duy nhất nằm ở trên ngực trái” ai nhét được vào miệng các em đây?

Một người làm truyền thông giỏi là “có làm” mà vờ như “chẳng làm” gì hết. Còn một người làm truyền thông xuất sắc là cứ để mọi thứ tự nhiên, hồn nhiên như cây như cỏ.

Sự đăng quang của HHen Niê, rồi U23 đã minh chứng những điều như vậy. Cuộc đời rồi sẽ khiến hoa hậu và các tuyển thủ của chúng ta bớt hồn nhiên đi một chút, nhưng tôi cứ tin rằng thành công của họ sẽ rất lâu bền. Và tôi phấn khích, khi chứng kiến cái đẹp của sự thật đã lên ngôi, đè bẹp những ồn ào hào nhoáng sơn phết có nhiều phần giả tạo.

Mọi thứ được đưa về đúng quy luật, là cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Review phim "Người đẹp và thủy quái"
Quan điểm của tôi và của Truyền thông Trăng Đen về vụ tai nạn của Vietjet

Your email address will not be published. Required fields are marked *