Mọi thứ nên được bắt đầu bằng việc phân tích và tìm về nguyên lý. Nguyên lý bất di bất dịch ở đây là “Truyền thông là cuộc chiến trong tâm trí khách hàng, không phải cuộc chiến về sản phẩm”.
Trong thực tế, sản phẩm của bạn có thể tốt hơn sản phẩm của đối thủ. Nhưng nếu khách hàng NGHĨ RẰNG sản phẩm của đối thủ mới tốt hơn thì họ sẽ mua sản phẩm đó.
Sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ khi làm ra được một sản phẩm tốt – thực sự tốt – thì chúng ta mặc nhiên cho rằng cả thế giới phải có trách nhiệm công nhận nó tốt, y như bản thân của chính chúng ta (cho dù thế giới chưa bao giờ có cơ hội dùng thử, thậm chí là chưa bao giờ biết sản phẩm của chúng ta đã xuống trái đất này).
Truyền thông là công việc phải làm, phải nói mỗi ngày. Bởi vì ngay cả khi tất cả mọi người công nhận bạn là số 1 thì theo thời gian họ cũng sẽ quên. Nhất là trong một xã hội hiện đại đầy rẫy cạnh tranh khiến cho niềm tin của tất cả đều dễ bị lung lay.
Truyền thông là công việc phải làm, phải nói mỗi ngày. Bởi vì ngay cả khi tất cả mọi người công nhận bạn là số 1 thì mỗi năm trên thế giới lại có hơn 74 triệu đứa trẻ được sinh ra. 74 triệu đứa trẻ được sinh ra sau khi bạn nói rằng bạn là số 1.
Truyền thông là cuộc chiến trong tâm trí khách hàng, nên hãy làm sao để khách hàng tự ghi nhớ cái mà bạn muốn người ta ghi nhớ.
Người làm truyền thông cần có một nghệ thuật kể chuyện không theo hướng phô bày mà phải là khơi gợi. Khi bạn khơi gợi và dẫn dắt khách hàng tự tìm ra thông điệp, họ sẽ thích thú và chủ động ghi nhớ thông điệp đó.
Những người phát triển bán cầu não trái, thiên về tư duy logic (giỏi các môn khoa học tự nhiên toán lý, lập trình…) sẽ làm rất tốt việc này.
Người làm truyền thông cần sáng tạo để có thể đưa ra một thông điệp bằng cách kể nhiều câu chuyện khác nhau, không gây nhàm chán. Nhất là khi đó là những câu chuyện đầy cảm xúc thì sẽ dễ đi vào lòng người và khiến họ nhớ lâu hơn.
Những người phát triển bán cầu não phải, thiên về trực giác, tưởng tượng, tình cảm và ý chí (giỏi các môn khoa học xã hội nghệ thuật như văn, thơ, nhạc, họa…) sẽ làm rất tốt việc này.
Trong thực tế, phương cách giáo dục của Việt Nam không sản sinh ra được nhiều người giỏi cả các môn tự nhiên và xã hội. Cho nên chúng ta phải tự phát triển những phần còn khiếm khuyết.
Thường thì những người giỏi các môn tự nhiên – kỹ thuật có thể học tập, bổ sung, rèn luyện các môn xã hội – nghệ thuật dễ dàng hơn chiều ngược lại. Khi đi tìm kiếm và bổ sung nhân sự trong lĩnh vực truyền thông, mình hay đi theo hướng đó.
Quan điểm cá nhân của mình là như vậy. Chia sẻ cho các bạn tham khảo nếu ai đó có mong muốn bước chân vào lĩnh vực truyền thông. Và luôn luôn nhớ rằng mọi thứ trên đời đều có thể có thông qua luyện tập. Tố chất không phải là tất cả.
(© by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, Hiểu từ gốc rễ)
>>> EVENT CUỐI CÙNG TRONG NĂM 2013:
+ Workshop Truyền thông Trăng Đen cho các dự án xã hội (1.30pm thứ 7 ngày 24/8 tại Hội trường B6 ĐH Bách Khoa – Hà Nội, chỉ dành cho sinh viên. Đăng ký xin liên hệ Bảo Hiếu)
+ Offline Truyền thông Trăng Đen ứng dụng Xây dựng thương hiệu cá nhân diễn ra tháng 10 tại Sài Gòn và tháng 11 tại Hà Nội, chi tiết tại http://bitly.com/thuong-hieu-ca-nhan
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – August 23, 2013 at 10:22AM)