Please log in or register to do it.

Tôi vẫn nghĩ, giá như mình đừng tham gia chuyến đi ấy, thì chắc bây giờ đã không rớt nước mắt mỗi khi nghe cô Thu Hiền và chú Trung Đức hát câu này:

Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng.
Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió.
Trên đoàn thuyền hải âu vui sóng xô.
Anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lụa.

Bởi vì tôi thấy nó sao mà thực tế đến nhường này? Cuộc sống bám trời bám biển được đặc tả chỉ qua vài câu vài chữ mà hiện lên sống động và vô cùng lãng mạn.

Tôi nhớ mỗi bình minh thức dậy, ra phía mạn tàu phóng tầm mắt xa tít chân trời thấy cảnh vật sao mà lung linh đến vậy. Đẹp mê hồn, giữa trời giữa biển.

Phải từng trải qua thực tế mới hiểu được câu “chân mây ửng hồng” nó đắt giá đến thế nào. Tất cả hoàn toàn thực tế.

Nhưng thực tế đó diễn ra khi tôi ngắm cảnh ở boong tàu cứu hộ hàng ngàn tấn, hiện đại nhất Việt Nam. Nó không giống một chút nào với hình ảnh con thuyền gỗ ọp ẹp của ngư dân, dập dềnh trồi lên trụt xuống ngụp lặn trong sóng biển như một chiếc lá quắt queo ở xa xa mà tôi nhìn thấy.

Những lúc như vậy, tôi lại tự hỏi rằng những người trên thuyền họ có sợ chết hay không? Và họ sẽ cảm thấy thế nào khi cả đời lênh đênh như vậy?

Tôi không biết nữa.

Mỗi khi gió lớn, con tàu cứu hộ ngàn tấn lắc lư, đồ ăn trên bàn chạy qua chạy lại. Tôi nằm giang hai chân ra đạp vào thành giường để người không chao đảo, ruột gan như muốn trào ngược ra ngoài.

Tôi nhớ lắm hình ảnh “dập dềnh” của mấy chiếc tàu cá lúc chiều và không dám hình dung tiếp thực tại đang diễn ra trên đó. Với những người ngư dân bần cùng ấy, liệu họ có thấy chân mây ửng hồng, hải âu bay lượn và có ngại chi sóng gió được hay không?

Ngày ấy trên thuyền cá ở ngoài Cửa Đại, tôi nằm ngửa trên tấm gỗ che hầm máy, người giật đùng đùng theo từng đợt sóng lắc qua lắc lại. Hơi nóng từ dưới phả ra sấy khô cơ thể. Đầu đau buốt như có búa tạ giáng vào từng đợt, lỗ tai lùng bùng, mắt hoa lên nhoè nhoẹt nước.

Hơn 1 giờ trên biển thì có đến 60 lần tôi tự hỏi “Đã sắp đến bờ chưa? Khi nào tàu dừng lại?”.

Hình minh họa cho bài viết này là hình ảnh làm tôi bị ám ảnh trong siêu bão Chanchu năm 2006. Và nó tiếp tục hiện lên trong trí nhớ bất cứ khi nào tôi đọc được tin về thuyền cá của ngư dân bị đâm chìm bởi khi thì tàu quen, khi thì tàu lạ, khi thì do bão tố.

Có ai đã từng nức nở với nhạc sĩ Tuấn Khanh?

Đêm nay gió lên rồi
Đời người buồn lắm em ơi
Biết đâu tương lai mà đợi
Từng ngày nhìn con sóng trôi

Ai đang ngóng con thuyền
vật vờ phía khơi xa?
Trôi theo con sóng xô
Trôi theo phận nước tôi

Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi.
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi

Biết về nơi nào
Khi biển xanh nhuốm máu.
Ai mang chung niềm đau
khi nước Việt nghẹn ngào?

Đã từ lâu lắm rồi, mộ gió không còn là đặc sản của riêng huyện đảo Lý Sơn. Trên khắp mảnh đất hình chữ S này, có lẽ nơi nào cũng có.

Đời tự do chan chứa bao tình
Vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi…

Có lẽ đó là câu trả lời phù hợp nhất. Chẳng ai muốn lúc nào cũng tô hồng cuộc sống. Nhưng “vì tương lai” và những người ngư dân ở vào tình thế không còn lựa chọn, thì có lẽ một góc nhìn lạc quan, một cách suy nghĩ lạc quan như lời động viên nhau của người vợ tảo tần hai sương một nắng và người chồng dũng cảm kiên cường bám trời bám biển vẫn là giải pháp tối ưu hơn cả.

Hàng ngàn, hàng vạn con sóng vẫn nối đuôi nhau tràn vào bãi cát, rồi lại ồ ạt cuộn chảy ra đại dương xa tít. Lớp này tiếp nối lớp kia, đó là quy luật và không bao giờ thay đổi được. Chừng nào biển còn sóng, thì những ngư dân còn phải ra khơi nhưng ngày mai sẽ khác. Đó là lúc mặt trời lên, biển êm đềm như bao năm vẫn vậy, sóng thôi gầm rú mà nhẹ nhàng, tĩnh lặng, đưa những chiếc thuyền đi và trở lại bến bình an…

Thực tâm mong lắm…

((( Copyright by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Founder of Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – September 22, 2013 at 01:27AM)

“Thịt” nhân viên một cách hồ đồ không làm bạn trông thông minh hơn
"Đại sứ tài năng tương lai" - trường ĐHKHXH&NV TPHCM

Your email address will not be published. Required fields are marked *