Please log in or register to do it.

Ngày 20/5/2013, tôi có tham gia buổi tọa đàm để đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chung của các bên liên quan gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho kiểm điểm định kỳ toàn cầu của Việt Nam năm 2014.

Đây là một buổi tọa đàm “vô cùng nhạy cảm”. Nhạy cảm ngay từ cái tên gọi chứ chưa cần phải đề cập tới thành phần tham gia, mục đích và các nội dung được mang ra thảo luận.

Ngay sau khi kết thúc tọa đàm, tôi có tường thuật lại một vài suy nghĩ trong bài viết “PR CẤP QUỐC GIA, VÌ SAO CHƯA TỐT?” (http://on.fb.me/13zx3jm) bằng việc phân tích một số thông tin “đáng chú ý” trong ngày hôm đấy.

Nhưng một chi tiết cũng “hót hòn họt” không kém là ngay trong buổi sáng, bỗng đâu xuất hiện một vị khách không mời là một đồng chí trong Bộ LĐ-TB-XH, đứng lên đưa ý kiến về khái niệm “các tổ chức xã hội dân sự” gây tranh cãi căng thẳng nghị trường và rối loạn đội hình.

Chi tiết này tôi không đưa vào trong bài viết vì nó hoàn toàn không liên quan đến nội dung chính cần đề cập. Cũng như câu chuyện riêng của cá nhân tôi với một vị phụ trách văn phòng Cao ủy nhân quyền của Liên hiệp Quốc cũng đã được “tự động censor” với cùng một lý do tương tự.

Bà ấy đã gọi tôi ra nói chuyện riêng và giải thích bà chú ý đến tôi vì tôi là blogger có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bà ấy nói còn ở lại Việt Nam vài bữa, và mong muốn được kết nối với một số blogger giống như tôi để giúp họ nêu ý kiến về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Với vai trò đại diện cho Văn phòng cao ủy nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, bà cam kết sẽ lắng nghe và chia sẻ.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại, việc làm này – theo bà – là “legal” hay “illegal” vậy? Suy nghĩ và trầm ngâm một lúc, bà ấy trả lời tôi rằng theo quan điểm của bà thì không có gì là “illegal” cả. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi có thể gặp một số “vấn đề”. Tôi hỏi theo kinh nghiệm của bà, thì đó có thể là những vấn đề gì?

Bà ấy nói tôi “có thể bị chính quyền để ý, gây khó dễ hay sách nhiễu”. Bà ấy còn nói cuộc gặp của chúng tôi (tôi và các blogger khác với bà ấy) có thể bị ghi âm, quay film, chụp hình… nhưng không có gì là quá nghiêm trọng.

Lời trấn an ấy cùng với bản tính dám nghĩ dám làm dám chịu của mình, lẽ ra tôi đã đồng ý thực hiện một việc “hơi nhạy cảm” như vậy. Nhưng sau 2 tiếng suy nghĩ mãi mà chưa thông suốt, tôi gọi cho người bạn luật sư của mình để xin ý kiến thì bạn đó hỏi lại tôi “Bà ấy tổ chức (host) cuộc gặp gỡ đó rồi nhờ Long mời bạn bè tới (invite) trao đổi, hay bà ấy muốn Long tổ chức cuộc gặp và bà ấy tới với tư cách khách mời? (guest)”. Tôi bảo tôi không rõ nữa và cần hỏi lại.

Khi được hỏi, bà ấy đã ngay lập tức trả lời tôi rằng, tất nhiên tôi sẽ là “host”, có thể thoải mái “invite” các bạn bè blogger tham dự, bà sẽ “join” với tư cách “guest” và sẵn sàng “sponsor” (tài trợ tiền) cho tôi thực hiện việc này.

Khi được thông báo lại, bạn luật sư của tôi nói rằng như vậy thì “vô cùng nguy hiểm”. Và tất nhiên sau đó, cuộc gặp đã không bao giờ được diễn ra. Bà ấy không hiểu nguyên nhân, còn tôi thì rút ra cho mình một bài học vô cùng sâu sắc.

Đó là, chính trị không phải cuộc chơi của những kẻ tay ngang.

Nếu như ngày hôm đó, tôi quá tự phụ vào kiến thức và trải nghiệm của bản thân để rồi không cẩn thận hỏi lại ý kiến luật sư; nếu như tôi không có đủ mối quan hệ xã hội cần-là-có ngay như vậy, thì tôi chưa hìinh dung được hậu quả sẽ thế nào?

Tôi lại nhớ đến một vài “người bạn” còn đang ở độ tuổi sinh viên của tôi trên facebook. Họ vô tư viết bài rủ rê nhau đi “biểu tình thể hiện lòng yêu nước” mà không biết rằng luật pháp không cấm bạn biểu tình nhưng việc lôi kéo và kích động kiểu tình thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác!

Tôi cũng nhớ đến cái lần mình “xuống đường” trong “ngày lịch sử” tháng 6/2011 ở Sài Gòn với hơn 3000 người, rầm rộ bao vây đại sứ quán Trung Quốc ở đối diện Nhà văn hóa Thanh Niên. Chúng tôi – là tôi và hàng ngàn bạn trẻ cùng tầm tuổi – đã gào thét, giằng co trước hàng rào thép gai được dựng lên bởi những người công an cùng dòng máu với mình.

Có nhiều người đã chửi bới và xỉ nhục “tụi công an chó chết, làm nô lệ cho trung quốc, ngăn chặn người dân yêu nước”. Họ kêu gọi tràn lên, hẩy đổ hàng rào để “vào bên trong [đại sứ quán] nói chuyện đúng sai”.

Tôi cũng có chung ý nghĩ và mong muốn y như họ vậy.

Chỉ bởi vì khi ấy tôi chưa từng được nghe bất cứ ai nói với mình rằng đại sứ quán không phải là lãnh thổ của Việt Nam. Nếu chúng tôi vào, người ta có quyền bắn chết ngay lập tức!

May mà có “tụi công an chó chết làm nô lệ cho trung quốc” đã ngăn chặn chúng tôi bằng mọi giá. Nếu không, sự thể sẽ thế nào?

Kết thúc buổi tọa đàm ngày 20/5, tôi ngồi lại và tự hỏi còn bao nhiêu việc “nhỏ xíu xìu xiu” nhưng nguy hiểm bội phần như vậy mà tôi chưa được biết? Còn bao nhiêu lần tôi có thể vô tình may mắn “vượt vòng nguy hiểm” trong gang tấc? Và có bao nhiêu bạn trẻ có thể có được may mắn như tôi?

Tôi viết bài này không chỉ như một câu chuyện vu vơ trong ngày 19/8, mà còn vì tôi đọc được những lời lẽ tung hoa múa lụa của nhiều bạn sinh viên khi quan sát trên facebook Đặng Mai Hương (con bố Tuấn) về việc sinh viên Phương Uyên được thả.

Tôi thấy lo sợ khi các bạn trẻ coi Phương Uyên như một vị anh hùng, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thề bồi học tập.

Lý tưởng thì ai cũng có. Lòng yêu nước thì ai cũng có. Khi sống trong một xã hội tự do, chúng ta có quyền tự do thể hiện lý tưởng và lòng yêu nước của mình dưới bất cứ hình thức nào phù hợp và bản thân cho là đúng đắn.

Chỉ mong các bạn lưu ý giúp một điều. Nếu bạn biết rõ hậu quả của việc bạn sẽ làm và chấp nhận trả giá cho việc đó thì chúng ta sẽ gọi là dũng cảm, người có hoài bão và lý tưởng. Còn nếu nhắm mắt nhắm mũi làm bừa, không hề biết rõ những nguy hiểm ở phía sau, vô tình vi phạm pháp luật và bị bắt trong ngơ ngác thì đó không phải là dũng cảm.

Đó là ngu ngốc, hay nhân văn thì gọi là “hành động xốc nổi đáng thương”. Lựa chọn thế nào, hoàn toàn do các bạn.

>>> Hãy share bài viết này về wall của bạn nếu thấy nó thực sự hữu ích cho không chỉ bản thân bạn mà còn như một lời nhắn gửi chân thành nhấ đến tất cả bạn bè.

>>> Đọc thêm:

+ CÓ 3 CÂU CHUYỆN PHÍA SAU MỘT BỨC HÌNH:

> Phần 1 – http://on.fb.me/10tgmCH
> Phần 2 – http://on.fb.me/10tgli1
> Phần 3 – http://on.fb.me/10uo3Zn
> Phần 4 – http://on.fb.me/172KdFU
> Phần 5 – http://on.fb.me/18AHXnw

+ BẢN ĐỒ VIỆT NAM KHÔNG PHẢI HÌNH CHỮ S – http://on.fb.me/13zJDPz

+ TRƯỜNG SA – HOÀNG SA VÀ NHỮNG CHUYỆN CHƯA BAO GIỜ KỂ – http://on.fb.me/12RRtin

+ KHÔNG YÊU NƯỚC BẰNG MÁU CỦA BẤT CỨ NGƯỜI NÀO – http://on.fb.me/13FuyJp

+ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ DANH – http://on.fb.me/10MfiGp

+ SỰ TÍCH PHAN VINH – http://on.fb.me/10MflSI

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P1 – http://on.fb.me/10MfkxY

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P2 – http://on.fb.me/10Mfrts

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P3 – http://on.fb.me/10Mftla

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P4 – http://on.fb.me/10Mfu8H

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P5 – http://on.fb.me/10MfvcL

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P6 – http://on.fb.me/10MeXnk

+ TRƯỜNG SA KÝ SỰ P7 – http://on.fb.me/10Mfzt6

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – August 20, 2013 at 12:30AM)

Ghi nhanh – Nguyễn Ngọc Long
Giám đốc bán hàng bá đạo

Your email address will not be published. Required fields are marked *