Please log in or register to do it.

(Bài trả lời phỏng vấn trên tiin.vn – bài gốc: http://goo.gl/fiF46M)

Đây không phải là một kế hoạch viển vông mà trong cuộc sống hàng ngày chính bạn cũng đang tự xây dựng hình ảnh của mình trong mắt mọi người bằng những việc làm, hành động của mình.

Thương hiệu không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ Việt. Nhưng thường thì, người trẻ biết đến nó khi nó gắn liền với các công ty, tổ chức hơn là với một cá nhân nào đó. Việc tạo dựng thương hiệu, khẳng định thương hiệu, thậm chí là độc quyền thương hiệu luôn là vấn đề nóng ở bất cứ đối tượng hay lĩnh vực nào. Mỗi người đều có thể khẳng định thương hiệu của riêng mình và điều đó cũng cực kì cần thiết trong xã hội hiện đại, đặc biệt là những người trẻ.

Để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về thương hiệu cá nhân và việc xây dựng thương hiệu cho bản thân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, người làm truyền thông lâu năm và được rất nhiều bạn trẻ biết đến.

(?) Chào anh! Theo anh thương hiệu cá nhân là gì? Nó có quan trọng trong cuộc sống hiện đại không?

Thương hiệu cá nhân là những cảm nhận của người khác về bạn thông qua ngoại hình, giá trị, tài năng và tính cách. Một người được coi là “có thương hiệu cá nhân mạnh” khi được nhiều người nhớ mặt, nhớ tên và liên tưởng đến vị trí số 1 trong một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Việc này vô cùng quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử chứ không chỉ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi vì khi có một thương hiệu cá nhân đủ mạnh, bạn sẽ gặp thuận lợi mọi mặt trong công việc và cuộc sống.

Bạn có thể làm cho khách hàng, đối tác, nhân viên, nhà tuyển dụng, tiền bạc và các cơ hội làm ăn tự “tìm đến” thay vì phải vất vả đi tìm kiếm theo cách thông thường. Nhờ vậy bạn sẽ rút ngắn thời gian đạt được thành công. Bạn cũng trở thành một người dẫn dắt cộng đồng, gây ảnh hưởng lên nhiều người khác để qua đó có cơ hội làm được nhiều việc có ích cho xã hội.

(?) Anh thấy giới trẻ hiểu về khái niệm này như thế nào?

Chưa có nhiều bạn trẻ hiểu rõ về thương hiệu cá nhân. Chỉ có một số ít người ý thức làm những việc mà họ tự cho rằng đó là xây dựng thương hiệu cá nhân nhưng chưa đầy đủ.

Có người đồng nhất thương hiệu cá nhân với một cái nickname, một trang blog cá nhân hay cái cardvisit. Có người lại cho rằng xây dựng thương hiệu cá nhân tức là làm mọi cách để trở nên nổi tiếng để kiếm tiền. Đó là những nhận thức hời hợt, đôi khi là sai lệch.

(?) Những người trẻ thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân thường có lợi và hại gì?

Dùng chữ có lợi và có hại tôi cho rằng chưa thật chuẩn xác khi đề cập tới xây dựng thương hiệu cá nhân. Chúng ta nên quy về được và mất thì đúng với tinh thần của nó hơn.

Các bạn sẽ được nhiều người biết đến, tôn trọng, yêu quý và kính nể. Được nhiều người nhờ cậy giải quyết các vấn đề của họ. Được khách hàng tin tưởng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Được đối tác tìm đến ký kết hợp đồng. Được những người giỏi sẵn lòng giúp đỡ. Được trao nhiều cơ hội.

Nhưng bên cạnh đó, một người có thương hiệu cá nhân mạnh thường sẽ phải hy sinh một phần nhất định sự riêng tư của bản thân. Áp lực trong cuộc sống cũng tăng lên gấp bội phần so với “người bình thường”. Vì vậy, phải chuẩn bị một tinh thần thép, một bản lĩnh sẵn sàng ứng biến trước dư luận để có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân.

(?) Mạng xã hội đang là một kênh đắc lực cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân và phủ sóng nó. Nhưng nó cũng tồn tại nhiều tiêu cực, anh nghĩ người trẻ nên làm gì để không bị “hại”?

Môi trường mạng xã hội là kênh truyền thông “vàng” cho các bạn trẻ khi xây dựng thương hiệu cá nhân vì qua đó có thể tiếp cận hàng chục triệu người trong lĩnh vực mà bạn muốn với chi phí cực rẻ, gần như bằng không. Tất nhiên là nó cũng có những hạn chế nhất định mà chúng ta phải tỉnh táo để không bị vướng phải những sai lầm.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng bất cứ môi trường nào cũng tồn tại hai mặt tiêu cực và tích cực, chứ không chỉ mạng xã hội nói chung hay facebook nói riêng. Trong trường hợp cụ thể trên mạng xã hội, các bạn nên chú ý tới mức độ uy tín của nguồn khởi phát thông tin trước khi đọc, tin theo và phát tán.

Bạn cũng cần ý thức rằng mạng xã hội không phải là chỗ để thích làm gì cũng được, thích nói gì cũng xong. Tại vì chỉ một động tác nhấn like của bạn, một câu comment vu vơ, một status đăng lên trong khi buồn chán hay ức chế cũng khiến cho cả triệu người khác đánh giá về hình ảnh con người bạn.

(?) Không ít người trẻ lầm tưởng về sự nổi tiếng và có hướng đi lệch lạc trong việc khẳng định mình. Ý kiến của anh về hiện tượng này?

Có nhiều người chưa hiểu đúng khái niệm cũng như quy trình xây dựng thương hiệu cá nhân nên làm sai. Họ chưa xây dựng được một bộ quy tắc hình ảnh cá nhân nhất quán; chưa sở hữu sẵn sàng những sản phẩm, thành thích để khẳng định bản thân; chưa trau dồi đủ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực để sẵn sàng chia sẻ, cống hiến với cộng đồng nhưng đã muốn hàng triệu người “biết mặt đặt tên”. Họ cố gắng làm điều đó bằng mọi cách.

Bản chất của việc lợi dụng “scandal” để trở nên nổi tiếng thì không xấu. Thậm chí đó còn là điều kiện bắt buộc để đưa thương hiệu cá nhân của mình tiếp cận được với số đông khán giả. Nhưng vì “trong ruột” của bạn chưa có gì thì sau khi những cái vỏ hào nhoáng được đánh bóng, được câu kéo qua những chiêu trò bị lột xuống, người ta sẽ chán ngán và thất vọng với bạn ngay. Bạn chẳng khác gì một quả bong bóng bị xì hơi, vô giá trị và đáng quên trong mắt mọi người.

(?) Theo anh sự nổi tiếng đó của họ có bền vững không? Bởi không thể phủ nhận họ nhận được sự chú ý của dân mạng mặc dù là theo hướng tiêu cực?

Bất kể tiêu cực hay tích cực thì được nhiều người biết đến vẫn cứ là một điều kiện tốt để xây dựng thương hiệu cá nhân. Vì nếu bạn “nổi tiếng xấu” thì vẫn có cơ hội để bạn lên tiếng nhận sai, xin lỗi cộng đồng và mọi người luôn chấp nhận cho bạn sửa sai.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc tôi cổ xúy cho cái xấu. Bởi vì nếu bạn làm đúng ngay từ đầu thì sẽ tốt hơn. Bạn có thể tranh thủ sự đồng tình của nhiều người hơn, trong một khoảng thời gian ngắn hơn với số tiền ít hơn. Còn nếu “nổi tiếng xấu” thì bạn phải nỗ lực gấp đôi người khác. Bao gồm giai đoạn “tẩy rửa” tiếng xấu trước, rồi mới “gầy dựng lại tiếng tốt” sau.

Nhưng nếu làm sai, đó cũng không phải là vấn đề gì quá kinh khủng. Dư luận luôn cho bạn cơ hội để sửa sai.

(?) Anh có lời khuyên nào với các bạn trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân? Và đâu là cách làm phù hợp nhất với lứa tuổi này?

Một sai lầm “kinh điển” mà các bạn trẻ hay gặp phải là suy nghĩ “tôi chưa là gì”, “trình độ tôi còn non kém”, “kinh nghiệm tôi chưa nhiều”, “tôi chưa là ông nọ bà kia”… nên tôi chưa thể xây dựng thương hiệu cá nhân.

Thực ra, tất cả mọi người đều có thể xây dựng thương hiệu cá nhân. Ai cũng có thể làm cho nhiều người biết đến mình hơn, hình ảnh của mình khác biệt và nhất quán hơn mà không nhất thiết phải hướng tới khẳng định “tôi là số 1”.

Nếu ý thức việc xây dựng thương hiệu cá nhân càng sớm ngày nào thì những lời bạn nói ra, những việc sẽ làm, những kiến thức bạn sẽ học, những người bạn sẽ gặp gỡ, những nơi bạn sẽ tới… càng trở nên nhất quán và trở thành tài sản quý giá trong việc tạo dựng hình ảnh của bạn trong mắt bạn bè. Còn nếu không, bạn vẫn phải làm tất cả những điều đó nhưng theo một cách hỗn loạn, vô định hướng, chẳng mang lại một giá trị nào cụ thể. Đôi khi còn góp phần vào việc khiến mọi người có những nhận định sai lầm về bạn.

Phải tìm hiểu, và phải xây dựng thương hiệu cá nhân ngay hôm nay.

>>> Bạn nào muốn tham gia học hỏi về cách xây dựng thương hiệu cá nhân đúng đắn và hiệu quả, mời tham khảo link này http://bitly.com/thcn-hanoi

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – November 07, 2013 at 04:29PM)

Cấm tặng quà khác nào bắt CEO trùm đầu bịt mắt bắt tay đối tác!
Đời này bạn còn được gặp ba mẹ mấy lần?

Your email address will not be published. Required fields are marked *