Please log in or register to do it.

Mình không phải là một chuyên gia tâm lý, càng không phải người giỏi trong việc nghiên cứu và thực hành môn tâm lý học ứng dụng (sở trường của em Hiền Nga) cho nên mình sẽ không thể chém về lý thuyết. Mình chỉ tiết lộ một số “thủ thuật” về tâm lý mà mình ứng dụng trong truyền thông xã hội, nó không mang tính chiến thuật hay chiến lược, nó chỉ là những thứ “tiểu xảo” dạng tactic mà thôi.

Cho nên các bạn cần hiểu rằng những gì mình viết ra không phải là lý thuyết, tiên đề hay định lý. Tức là không phải là những thứ mang tính giáo khoa chắc chắn đúng, nó chỉ đơn giản là mình cảm thấy đúng và áp dụng qua nhiều campaign thì thấy là nó chưa sai bao giờ cả.

1- TÂM LÝ BẦY ĐÀN

Người Việt mình bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông rất mạnh. Thế nên trên facebook của mình, mình luôn phải giữ cho mọi thứ ĐA PHẦN đi đúng hướng thông tin mà mình mong muốn. Đó là lý do vì sao mình rất hay xóa comment. Bất luận là comment đó “vô văn hóa” hay cực kỳ lịch sự, nhưng nếu không đúng ý mình là mình sẽ xóa.

Có những thứ mình viết ra rất là tâm huyết nhưng có một vài chỗ thông tin chưa đúng, và thế là có người vào góp ý sửa lưng. 100% các comment được đăng lên, kể cả là tích cực hay tiêu cực mình đều đọc, đều suy ngẫm và suy tính đúng sai. Cái nào mình thấy góp ý sai mình sẽ bỏ qua, còn cái nào góp ý đúng thì mình âm thầm tiếp thu sửa chữa (ngay, hoặc lần sau nếu được). Nhưng bất cứ comment nào chỉ ra đích xác cái sai của mình mà được bấm LIKE quá nhiều thì mình sẽ xóa.

Bởi vì nếu để những comment đó lại, người khác nhìn vô sẽ bị hoang mang. Họ sẽ có cảm giác rằng đây là một bài viết sai chứ không phải là một bài viết đúng gần như toàn bộ và có một vài ý bị sai. Vì vậy, comment đó dù rất lịch sự cũng phải “lên đường”. Mình chưa bao giờ thấy việc để những comment đó lại cho ra vẻ công tâm là một ý hay.

2- DẬP TẮT TRANH LUẬN

Nếu bài viết 99% là đúng, chỉ có 1% sai và bị moi móc thì đương nhiên mình áp dụng nguyên tắc tâm lý đám đông để xóa comment và sửa lại bài. Nhưng trong trường hợp bài viết bị sai nhiều quá, thì không thể sửa chữa và cũng không thể xóa hết toàn bộ comment đi được. Trong trường hợp này, mình tự biết tranh luận là điều không nên làm, vì càng tranh luận mình sẽ càng yếu thế và sụt giảm uy tín một cách trầm trọng. Khi ấy, phải có cách để dập tắt sự công kích và tranh luận ngay lập tức.

Đó là lên tiếng nhận sai một cách VÔ CÙNG THÁI QUÁ. Nếu chỉ nhận sai thì không được, mà chiến thuật ở đây là phải làm quá lên, thổi phồng sự việc lên. Để cho những người đang phân vân đọc vào không hiểu là mình sai thật hay mình giả bộ nhận sai “trước một kẻ cù nhầy và lắm mồm”. Mà theo quan sát của mình thì sau khi áp dụng đòn tâm lý này, hầu hết các comment sau quay qua chỉ trích người đưa comment đối nghịch là cù nhầy thấy ghét.

Thế là khi ấy mình sẽ nhẩy vào can ngăn, đề nghị các bạn không cãi lộn chỉ trích nhau nữa. Và “để giữ hòa khí”, mình xin phép được xóa bài viết đó đi.

3- QUYỀN NĂNG KẺ YẾU

“Vâng – ạ – dạ – thưa” là những chữ các bạn thấy nhiều nhất trong mọi bài viết, mọi comment đối đáp của mình. Mình không bao giờ tự đặt vai trò vị trí của mình lên cao quá để đóng vai kẻ mạnh. Bởi vì mạng xã hội là một không gian mở. Sẽ có một lúc nào đấy, một thằng nhóc 13 tuổi chỉ thẳng vào mặt bạn và quát lên “mày nói ngu bỏ mẹ”. Trong trường hợp đấy, bất luận bạn có thực sự nói sai hay đúng, nhưng cách xưng hô và thái độ trịch thượng của thằng oắt con đó sẽ làm bạn cảm thấy bị tổn thương. Và chẳng ai cấm được nó phát ngôn như vậy cả.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Xóa comment đi à? Nó bay về nhà nó chửi và tag bạn bè bạn vô được chứ. Im lặng bỏ qua? Rồi người khác đọc được sẽ nghĩ sao về bạn? Bạn có định vô tranh luận với nó hay không? Càng cãi qua cãi lại thì bạn càng mang nhục chứ chẳng giải quyết được gì. Với mình thì dễ lắm. Ai chửi mình kiểu đó mình vào cười hì hì rồi “vâng ạ, cảm ơn” một câu thế là xong. Bất cứ ai đọc vào cũng cảm thấy đó là một câu nói rất bình thường và quen thuộc, không có gì đặc biệt.

Ở vai trò kẻ yếu, mình không mất gì khi phải nhún nhường; mình chẳng bị tổn thương, tự ái khi bị dìm hàng hay ném đá. Mình chẳng bị ai trách móc khi làm gì sai trái. Mình là kẻ yếu, mình được phép sai, đơn giản vậy thôi.

4- LÈO LÁI ĐÁM ĐÔNG

Khi mình đăng status liên quan đến chuyện chó mèo, tất nhiên là xuất phát từ câu chuyện của cá nhân mình chứ hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cái hội Yêu Động Vật. Nhưng vấn đề là các bạn bên ấy đọc xong thì đã bị hiểu lầm nghiêm trọng. Mình đọc những dòng chữ mà admin bên đó là Vi Thảo Nguyên viết thì mình hiểu được vấn đề ngay. Theo lý ra, sau khi đọc bài viết “kể tội” của cái cô Vi Thảo Nguyên ấy thì mình sẽ phang lại ngay một bài cho cô ta… mất mặt chơi. Nhưng sau khi đọc kĩ lại thì mình phát hiện ra cô này bản tính rất kẻ cả, tự cho mình là cái rốn của vũ trụ, quen thói ăn nói xấc xược nhưng cái chính là lại rất đạo đức giả. Kiểu như miệng nam mô mà trong tâm là bồ cứt, thế nên mình đã áp dụng tâm lý đám đông để giúp cô ta được hiện nguyên hình.

Đầu tiên, mình viết một cái PM thật hiền lành chừng mực để đăng lên gửi cho cô ấy, nhưng trong đó không quên cài cắm vài câu đá đểu để cô ta và các fans của cô ta sôi máu lên. Mình nghĩ với bản tính của cô này thì kiểu gì cũng bay vô chửi trên facebook của mình thôi. Sau đó mình dặn bạn trợ lý của mình là cứ canh me cái comment nào đàng hoàng của các thành viên Yêu Động Vật thì xóa hết đi, chỉ giữ lại càng nhiều càng tốt các comment chửi bới. Mặt khác mình qua theo dõi luồng trao đổi trên facebook cô này (là nơi mình không tác động bằng cách xóa trực tiếp comment được) để tìm ra một vài nhân vật có ảnh hưởng nhất, là những người có lý lẽ thuyết phục và đanh thép í. Mình PM cho các bạn đó hỏi sao lại chửi mình, nếu phê phán thì được nhưng nên ăn nói lịch sự và nhẹ nhàng thôi. Cái gì mình sai mình xin lỗi. Sau đó mình… đi ngủ.

Và trong khi mình đang kê cao gối để ngủ thì các bạn có ảnh hưởng ở facebook cô kia bị sượng sùng, không đưa ra các comment lý lẽ nữa. Nói chung các bạn í bị đơ nên ngồi im. Chỉ còn những fans cuồng vô chửi bới vô văn hóa dầy đặc từ trên xuống dưới. Tương tự ở bên fanpage của mình cũng kín đặc các “lời hay ý đẹp” của các thành viên Yêu Động Vật và chính cô Vi Thảo Nguyên kia thôi. Ban đầu thì cô Nguyên ấy còn đạo đức giả đối thoại với bạn này bạn nọ, nhưng tới những comment sau thì ôi thôi, vừa giang hồ vừa chợ búa (đúng ý mình cực). Và đến đây, bất cứ ai nhảy vô theo dõi cuộc chiến cũng thấy sởn da gà da ốc với cách thể hiện vô văn hóa của cô Vi Thảo Nguyên cùng đồng bọn. Mình không phải làm gì hết, đám đông tự fighting cô ấy.

P/s: các bạn Yêu Động Vật và Vi Thảo Nguyên đừng trách mình. Mình không tự nhét những câu chửi bới vô văn hóa vô miệng các bạn được. Mình chỉ giúp người khác nhìn rõ vấn đề hơn thôi. OK?

***

Còn một số vấn đề tâm lý nữa được mình ứng dụng nhưng bài viết đã quá dài nên xin phép tạm dừng ở đây. Lần tới có dịp thì mình chia sẻ tiếp. Mình lại kê cao gối ngủ ngon đây ạ. Chúc các bạn cũng thế, và đừng ai ấm ức, da mặt nhăn nheo, mọc mụn mất vui :-(

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – Thu, 28 Mar 2013 at 05:33 PM)

Đồng Hương
Chỉ những đứa thần kinh mới cố gắng vượt qua chính bản thân mình

Your email address will not be published. Required fields are marked *