Please log in or register to do it.


(Bài rất dài và chỉ phù hợp cho bạn nào thích khám phá bí mật của truyền thông – tiếp thị)

Hôm qua, Cô Gái Đồ Long share một bài viết của bạn Văn Trinh trên báo Giáo Dục Việt Nam có cái tựa rất kêu “Bi kịch của Lê Hoàng”. Đọc lướt từ trên xuống dưới, tôi thấy đây là một bài viết CỰC KỲ THÚ VỊ VÀ HẾT SỨC HAY HO. Nó hay tới mức tôi phải lần đầu phá lệ, PR công khai cho nó mà chẳng được đồng nào [1]. Đường link đây ạ, mời các bạn vào ngự lãm http://bitly.com/ZRqxie.

Các bạn đọc xong chưa ạ? Đọc xong rồi thì có thấy nó hay không? Tất nhiên là có! Và cũng tất nhiên là cái hay của các bạn chưa chắc đã trùng với cái hay mà tôi thấy. Nhưng trước hết, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy một vài… điểm dở. Với lưu ý rằng đây chỉ là những điểm dở của một bài viết hay thôi nhé.

Bạn Văn Trinh khẳng định “tìm trên google từ ‘Đạo diễn Lê Hoàng’ cho ra 1,050,000 kết quả; ‘Lê Hoàng’ cho ra 3,410,000 kết quả và ‘Giám khảo Lê Hoàng’ cho ra 2,960,000 kết quả”. Từ đó, bạn kết luận đây là “bi kịch đầu tiên” của đạo diễn Lê Hoàng.

Tất nhiên với đại đa số người đọc thông thường họ sẽ rất thỏa mãn với lập luận đầy tính “khoa học” thế này. Nhưng tôi không hiểu tự bao giờ báo chí Việt Nam có kiểu tôn sùng kết quả Google như vậy? Số lượng từ khóa tìm kiếm Google đâu phải là tất cả, nhất là khi nó có thể bị trùng lắp với nhiều kiểu dữ liệu khác nhau. Nhưng gạt vấn đề đó qua một bên thì dẫn chứng phía trên là hoàn toàn phi thực tế kể cả bằng cảm quan lẫn đo lường cụ thể.

Sau khi kiểm chứng, tôi ghi nhận việc tìm kiếm với từ khóa “Đạo diễn Lê Hoàng” cho ra khoảng 3,2 triệu kết quả http://bitly.com/ZRt4ZG trong khi “Giám khảo Lê Hoàng” cho ra khoảng 383 ngàn kết quả http://bitly.com/ZRthw2. Tức là danh xưng “đạo diễn Lê Hoàng” được biết tới gấp 10 lần danh xưng “Giám khảo Lê Hoàng”. Vậy thì Lê Hoàng làm gì có cái bi kịch nào ở đây với vai trò đạo diễn?

Tôi thì biết bạn Văn Trinh không chủ ý “nói vu” lên như thế, chỉ là do khi tìm kiếm bạn đã quên đi dấu ngoặc kép mà thôi. Vậy nên kết quả tìm kiếm của Giám khảo Lê Hoàng sẽ được hiểu là tìm “Giám khảo” và “Lê Hoàng”; trong khi Đạo diễn Lê Hoàng sẽ được hiểu là tìm “Đạo diễn” và “Lê Hoàng”. Chữ Giám Khảo thì sẽ có nhiều kết quả hơn chữ Đạo Diễn nên mới cho ra kết quả như bạn Văn Trinh kết luận. Tóm lại là tai nạn nghề nghiệp [2] không hơn!

Xuống dưới, bạn nói rằng Lê Hoàng vì mải mê làm giám khảo nên chẳng còn làm ra được những bộ phim bom tấn hay ho. Nhưng “suy cho cùng, đạo diễn là một nghề, giám khảo cũng là 1 nghề. Cả hai nghề đều không vi phạm đạo đức, pháp luật. Vậy nên, ai đó chọn nghề dễ kiếm tiền và nổi tiếng là dễ hiểu. Vô cùng dễ hiểu!” – bài viết chốt lại một câu như thế. Uh thì đúng rồi. Lê Hoàng vẫn được biết đến với vai trò Đạo Diễn nhiều hơn là Giám Khảo. Lê Hoàng vẫn chỉ làm những việc mà pháp luật không cấm, vẫn kiếm được nhiều tiền và nổi tiếng. Vậy tóm lại thì đâu là bi kịch? Đó là điểm dở thứ 2.

Vậy tại sao tôi lại tâm đắc với bài viết của bạn Văn Trinh và cho rằng nó quá thú vị và hết sức hay ho? Tại vì trong bài có một câu vô cùng giá trị. Đó là câu “Anh xuất hiện nhiều quá”. Tôi không biết là vô tình hay hữu ý, nhưng câu này của bạn Văn Trinh phù hợp với QUY LUẬT GIA TĂNG – MỘT QUY LUẬT TỐI QUAN TRỌNG TRONG TRUYỀN THÔNG TIẾP THỊ. Và đây mới thực sự là bi kịch của đạo diễn Lê Hoàng.

Các bạn còn nhớ bài phân tích (http://on.fb.me/ZRE89g) của tôi về hành động “xé tem” trong bộ phim Chinese Zodiac – 12 Con Giáp của Thành Long chứ? Ngay sau khi đấu giá thành công 02 con tem cổ duy nhất trên thế giới, vị đại gia đã lập tức xé nát một con tem trước sự ngỡ ngàng và sửng sốt của hàng trăm quan khách. Ông ta tuyên bố con tem còn lại bây giờ đã trở thành vô giá, vì nó là độc nhất vô nhị trên thế giới. Lẽ diễn nhiên, cái gì càng hiếm thì càng quý.

Lê Hoàng đã làm điều ngược lại, và vị đạo diễn này vi phạm vào quy luật gia tăng một cách nặng nề.

Lẽ ra, khi người ta đang phát cuồng lên với một giám khảo Lê Hoàng chua ngoa, đanh đá mà sắc sảo, Lê Hoàng phải biết làm giá bằng sự tiết chế cần thiết. Càng ít xuất hiện, Lê Hoàng càng có thời gian để làm mới bản thân và khiến cho khán giả không nhàm chán. Đừng nghĩ rằng Lê Hoàng của Bước Nhảy Hoàn Vũ “nhạt nhẽo” hơn Lê Hoàng của Cặp Đôi Hoàn Hảo. Lê Hoàng nào cũng vậy mà thôi, chỉ có điều, câu chuyện cười kể lần 1 thì rất hay ho, lần 2 thì bớt hay đi một chút và nếu kể đến lần thứ 10 thì chẳng ai thấy nó buồn cười nữa cả!

Nếu tinh ý một chút, các bạn sẽ thấy tôi không bao giờ tung ra 4-5 bài viết liên tục khả dĩ có thể thu được số likes/comment/share “khủng” dù tôi có thừa khả năng làm như thế! Sau những bài viết “gây bão” trên Facebook, tôi thường post những thứ… rất linh tinh. Việc đó vừa tạo ra tâm lý chờ đợi, vừa là cơ sở để người ta so sánh và dễ dàng phát cuồng lên với những bài viết tiếp theo dù cho nó không có gì quá đặc biệt. Nói một cách đơn giản, thì một điểm 6 của đứa học dốt có thể khiến mọi người nghiêng mình ngưỡng mộ trong khi điểm 8 của đứa học giỏi có thể trở thành nỗi ô nhục nặng nề cho cả lớp. Đời là như vậy đó.

Hơn nữa, những bài viết ba lăng nhăng sau khi gây bão sẽ khiến tôi đỡ phải căng đầu ra suy nghĩ và tìm cách vượt qua chính bản thân mình. Điều đó là vô cùng khó, thậm chí không bao giờ làm được. Càng cố gắng như vậy, tôi sẽ càng bị cho rằng đang “nhạt dần đều” theo công thức của Lê Hoàng. Chỉ những đứa thần kinh mới cố gắng vượt qua chính bản thân mình… từ ngày này qua tháng khác (câu này mang ý nghĩa tự răn chứ không móc mỉa gì ai đâu ạ).

Để tránh cãi bẫy (rất dễ sa vào) mà quy luật này giăng ra, chúng ta cần dũng cảm và dẫn dắt người đọc tiếp nhận vấn đề theo một góc nhìn có lợi. Đơn giản vậy thôi. Ví dụ với trường hợp của Lê Hoàng, đâu cần nhoi lên TV nhiều như thế. Thương thuyết để xuất hiện trong một chương trình với con số cát-xê gấp 3 lần, Lê Hoàng sẽ không cần tham gia tới tận 3 gameshow liên tiếp để tự biến mình thành… hàng chợ! Cũng như nhiều blogger khác chấp nhận đăng status PR với giá 500 ngàn, 1 triệu. Còn tôi ra giá đăng status PR lên facebook Nguyễn Ngọc Long là 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu tùy theo. Cuối cùng, các bạn ấy tưởng là có nhiều hợp đồng hơn tôi nhưng thực chất đang phải làm việc vất vả hơn và thu được số tiền ít hơn tôi đấy chứ.

Cũng nhiều blogger thuê người đi “kéo likes”, “kéo subs”… để hiện lên con số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người hâm mộ nhằm tạo hiệu ứng đám đông. Với hy vọng người ta truy cập vào face của các bạn ấy sẽ mắt tròn mắt dẹt rằng đứa này có gì hay mà nhiều người follow thế? Nhưng mỗi bài bình thường mà các bạn ấy post lên thu được trung bình 200 likes, tôi chỉ có lượng follow khoảng năm đến sáu ngàn (bằng 1/10, 1/20 thậm chí 1/50 các bạn ấy) nhưng cũng thu được khoảng 100 likes thì bài viết của ai chất lượng hơn ai?

Ở đây, tôi cũng tạo ra hiệu ứng đám đông nhưng theo cách khác. Thay vì gia tăng số người follow ảo, tôi sẽ hạn chế số lượng bạn bè. Trong thực tế, mỗi tuần tôi lại nhận được vài PM thắc mắc “tại sao anh chỉ có 700 người bạn mà lại có tới gần 7000 người theo đuôi? em nghĩ rằng anh chắc chắn có gì đặc biệt”. Đấy chính là một dạng thay đổi góc nhìn.

Hãy liên tưởng đến việc đoàn người xếp hàng của Starbuck. Theo bạn, nếu Highland Lê Lợi được làm cho nhỏ lại, rồi “lùa” hết số lượng khách trong cửa hàng đó mỗi ngày ra đứng xếp hàng (thay vì cho ngồi đầy ra trong quán) thì cái đuôi rồng rắn của Highland so với Startbuck ai sẽ dài hơn? Bạn có biết rằng mỗi lần thegioididong.com khai trương một siêu thị mới thì số lượng người trong shop đông tới mức nhiều khi phải lách ngang người mới chen qua được? Nếu cho từng đó con người ra đứng xếp hàng thì Starbuck nào địch nổi? Nhưng rất tiếc, nếu Highland không cho người ta ùa vào ngồi như vậy mà phải đứng xếp hàng thì người ta sẽ bỏ đi ngay. Bởi vì giá trị thương hiệu của Highland không đủ sức hấp dẫn như Starbuck.

Lê Hoàng cũng như Starbuck (tôi nói như chứ không so sánh vì khập khiễng). Khi đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng riêng, một thương hiệu riêng không lẫn vào đâu được, thì đường đi đúng đắn nhất là phải biết làm giá bằng cách tiết chế sự xuất hiện thay vì cố gắng phủ sóng thật nhiều rồi cố gắng vượt qua chính bản thân mình… trong vô vọng!

>>> Đọc thêm:

+ NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN – ĐỈNH CAO CỦA TRUYỀN THÔNG http://on.fb.me/ZRE89g
+ TRUYỀN THÔNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP VẠCH TRẦN http://bitly.com/ZREuNh

>>> Ghi chú:

[1] Tôi sẽ xóa tất cả các comment dắt link đi chỗ khác vì muốn đăng link lên facebook Nguyễn Ngọc Long phải trả tiền. Thông thường 1 link đăng lên facebook của tôi sẽ có khoảng 1000 người click chuột sau nửa ngày, riêng link trong bài viết này có thể thu được vài ngàn click sau khi được chia sẻ khắp nơi.

[2] Dù là tai nạn nghề nghiệp thì tôi vẫn hy vọng bạn Văn Trinh và báo Giáo Dục Việt Nam sẽ đính chính bài viết này. Mà nếu có đính chính, 50% nội dung bài sẽ phải thay đổi mới nói đúng sự thật được, khổ ghê.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – Tue, 26 Mar 2013 at 01:13 AM)

"TÂM LÝ HỌC" ứng dụng trong truyền thông xã hội
Coffeetalk "Bí quyết thu hút đám đông qua Facebook"

Your email address will not be published. Required fields are marked *