Please log in or register to do it.

12 năm trước, vào khoảng tháng 8/2007, báo Tuổi Trẻ có loạt bài điều tra – kinh tế khá kỳ công, phân tích việc cổ phiếu FPT rớt giá vì các cổ đông quá dễ dãi trong việc trao quyền cho HĐQT. Theo đó, tập đoàn này thành lập một loạt các “công ty con” như FPT Bank, FPT Capital, FPT Securities… với tỷ lệ cổ phần của FPT rất thấp, nhưng cổ phần của các sếp FPT trong đó lại rất cao.

Điều này dẫn tới khi các công ty con sinh lời, thì FPT “mẹ” được chia cổ tức không đáng kể, còn cá nhân các sếp thì tha hồ ăn đậm. Điều nghịch lý là, trong khi FPT “mẹ” chẳng được gì, dẫn tới cổ đông của FPT “mẹ” cũng chẳng được gì, thì ai cho phép các “công ty con” kia dùng thương hiệu FPT “nấu cháo”?

Thời điểm đó, loạt bài chấn động của Tuổi Trẻ làm biết bao nhiêu cổ đông FPT ngớ người ra và… đòi quyền lợi. Tại sao thương hiệu FPT lại được “biếu không” cho những cái được gọi là “công ty con” như vậy?

FPT Bank vì sức ép quá lớn đó đã phải đổi thành Tiên Phong Bank để nhả cục vàng thương hiệu FPT ra. Về sau, thì Tiên Phong Bank đổi thành TPBank cho đến bây giờ, chính thức kết thúc kế hoạch mà tờ Tuổi Trẻ gọi là “Ve sầu thoát xác”.

Câu chuyện này có thể coi như một case-study điển hình và rõ nét nhất cho việc “khôn khéo” của các sếp FPT khi mang tiền cổ đông ra làm thương hiệu. Còn xã hội thì được ăn một cái tát tỉnh cả người để hiểu luôn và ngay về giá trị khổng lồ của một thứ tài sản vô hình mang tên Thương hiệu!

Cổ phiếu FPT rớt giá vì quá nhiều công ty con – hình Tuổi Trẻ

Đến giờ phút này, đến đứa “con nít” cũng thừa thông minh để hiểu rằng “thương hiệu” có ý nghĩa thế nào với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và vì vậy, người ta sẵn sàng bỏ tiền tỷ, tiền chục tỷ, tiền trăm tỷ để “làm thương hiệu” là việc hết sức bình thường.

Đến giờ phút này, ai cũng biết Goviet, Grab (trước đó là Uber, sau này là Bee) tặng không các cuốc xe khuyến mãi cho khách hàng là để làm thương hiệu CHO HỌ, và để mở rộng thị phần CHO HỌ trong lĩnh vực gọi xe. Khi có thương hiệu mạnh, khi có thị phần áp áp đảo, khi người tiêu dùng đã có “thói quen” đặt xe qua ứng dụng thì doanh nghiệp từ từ tăng giá cước để lấy lại những gì đã mất.

Đó là chiến lược kinh doanh. Đó không phải là “vì cộng đồng”, càng không phải là “làm từ thiện”.

Và chẳng riêng gì FPT, Uber hay Grab, cái việc “tặng đồ miễn phí” này đã được hàng nghìn doanh nghiệp làm đi làm lại suốt những năm qua.

Chỉ cần ghé bến tàu, bến xe, đặc biệt là siêu thị, các em đã ít nhất một lần được uống nước ngọt FREE, ăn xúc xích FREE, nhận dầu gội FREE… Vô trường thì được uống milo, uống sữa FREE; nhai kẹo cao su giúp sảng khoải tinh thần FREE… Tất cả những cái tặng FREE đấy, các doanh nghiệp đều phải bỏ ra tiền tấn!

Bỏ tiền tấn để mang đồ đi tặng FREE, nhưng cấm được kêu là “vì cộng đồng” và “làm từ thiện”. Vì đó là kinh doanh để kiếm lời (về dài hạn), nếu cố tình bố láo sẽ bị siêu thị, trường học đấm cho không trượt một phát nào!

Grab đi gọi vốn được hàng tỷ mỹ kim để làm điều đó. Như vậy là sòng phẳng. Nhưng điều gì xảy ra nếu một ngày đẹp trời họ lu loa lên rằng Grab đang “Vì cái mông người Việt” và kêu gọi Nhà nước đưa tiền đây, xã hội đưa tiền đây, để… tao bắn code FREE khuyến mãi? Lại bị đấm cho không trượt một phát nào!

Ấy thế mà vẫn có doanh nghiệp sữa đang làm y chang như vậy và được tung hô. Thay vì dùng 100% tiền doanh nghiệp để làm thương hiệu và mở rộng thị phần, họ thuyết phục được Chính phủ “chung tay”, họ kêu gọi được cha mẹ góp tiền, vừa được tiếng vừa được miếng như vậy thì… thơm quá!

Nhà nước lý ra phải thành lập một Thương hiệu sữa mới tên là “Sữa học đường Vietnam” chứ không phải “Sữa học đường Vinamilk”, không phải “Sữa học đường TH True Milk” hay “Sữa học đường Cô gái Hà Lan” mới đúng.

Hãy cho các con uống thứ trên vỏ ghi chữ “Sữa học đường Vietnam”, còn ruột là do các doanh nghiệp đóng góp vào. Như vậy doanh nghiệp mới là “vì cộng đồng”, mới là “làm từ thiện”.

Còn đằng này, thay vì phải bỏ ra 100% chi phí “phát sample” để truyền thông, cộng với x trăm tỷ tiền tổ chức, cộng với y nghìn tỷ tiền quảng cáo, PR thì doanh nghiệp lại được ngân sách hỗ trợ 45-50% cục tiền tổng đó, cha mẹ hỗ trợ tiếp 23-25% còn đâu là… “doanh nghiệp chịu”.

Thấy thương không? Thấy giống ông tiên bà Phật ghê không?

Chưa hết, người nào phản đối thì được quy kết là “cướp miếng ăn con trẻ”. Thấy tử tế, cao thượng khủng khiếp hay không?

Làm kinh doanh không xấu. Làm kinh doanh thì automatic phải có lời. Nhưng đánh tráo khái niệm và “khôn lỏi” dưới danh nghĩa vì cộng đồng rồi lu loa lên rằng “thương hiệu của chúng tôi là của 90 triệu người dân Việt Nam” là… hơi hơi xấu. Ahihi vừa khôn mà vừa xấu!

Ngân sách là tiền thuế của nhân dân. Mỗi người dân là cổ đông của công ty mẹ mang tên “Nhà nước”. Nay công ty mẹ góp vốn vào công ty con mang tên “Sữa học đường” thì lợi nhuận thu lại từ hoạt động kinh doanh sữa sau này phải chia cổ tức cho tất cả cổ đông thay vì cho “đại cổ đông” X, Y nào đó “nấu cháo” ngân sách để làm thương hiệu, ăn riêng.

Như thế thì thật không sòng phẳng!

Bầu sữa ngân sách ngọt lành
Con thơ bú một, ai giành phần hơn?


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long – Chú ý, đừng bỏ qua những câu chuyện bên lề được bổ sung dưới comment!

6 năm một niềm tin - 4 bài học về cuộc sống
Khủng hoảng truyền thông Aroma Resort: Lỗ nhỏ nhưng đắm thuyền

Your email address will not be published. Required fields are marked *