Người trong hình là cụ bà người Nhật Bản Setsuko Thurlow, 85 tuổi vừa nhận giải Nobel Hòa bình ngày 10/12/2017.
Bà là một trong những nạn nhân sống sót sau quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima.
Ngày hôm qua, khi xem VTV đưa phóng sự về bà Setsuko, cô giáo đã vô cùng xúc động. Vì thật trùng hợp, chiến dịch mà bà đang làm đại sứ thiện chí để kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân có tên gọi ICAN, trùng với tên bộ phim I CAN SPEAK cũng về chủ đề tương tự.
Bà Setsuko là người Nhật, còn bộ phim I can speak lại là một tác phẩm của người Hàn, được làm ra để kể về tội ác trong chiến tranh của người Nhật.
Bà Ok-boon, nhân vật chính trong phim cũng tầm tuổi bà Setsuko. Khi nhỏ, bà Ok-boon bị đánh đập, tra tấn và lạm dụng tình dục. Điều đó trở thành nỗi đau không thể phai nhòa trong tâm trí và gây ra những hệ quả dai dẳng cho đến hiện tại.
Nhưng thay vì trốn chạy quá khứ, và gặm nhấm nỗi đau, bà Ok-boon đã chọn cách đối mặt với nó để điều trần về tội ác chiến tranh.
Bà chọn cách thêm một lần nữa cứa vào vết thương đang kéo da non của mình để mang lại công lý cho những nạn nhân giống bà ngày ấy.
Bộ phim được đặt tên là I can speak vì bà Ok-boon đã quyết tâm học tiếng Anh để có thể tự tin kể về nỗi đau của mình với nhiều chính trị gia trên thế giới.
Nhưng kịch bản rất xuất sắc ở chỗ đã không thần thánh hóa bà Ok-boon, nên dù rất nỗ lực, cuối cùng phần lớn bài phát biểu bà Ok-boon vẫn nói tiếng Hàn.
Thế nhưng, I can speak thực ra là ẩn dụ về việc khác, chứ không phải câu chuyện tiếng Anh.
Cũng giống như chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2017, cả bà Setsuko và Ok-boon đều “có thể nói” ra những chuyện mà các bà cho rằng nên nói. Đó là điều quan trọng, bất kể thứ ngôn ngữ được sử dụng là gì.
Hai bà cụ đều chọn cách nhìn thẳng vào nỗi đau trong quá khứ của mình và nhận về hào quang ở hiện tại, đó là điều mà cô giáo mong các em tự rút ra bài học.
Cuộc sống vốn không bằng phẳng và sẽ không bao giờ như vậy. Nếu có biến cố gì đó xảy ra, các em hãy nhớ đến câu chuyện của bà Setsuko và Ok-boon để biết cách làm chủ nó, chấp nhận nó, đối mặt với nó và vượt qua nghịch cảnh mà nó rắp tâm mang lại.
Điều gì không quật ngã được các em sẽ giúp các em mạnh mẽ hơn.
Không chỉ giải thưởng nobel hòa bình, bà Setsuko còn khiến cô giáo nể phục đã nói rằng “Nếu Tổng thống Mỹ chọn cách xin lỗi, tôi nghĩ điều đó thích hợp. Nếu chọn không xin lỗi, điều đó có thể hiểu được nếu xét tình hình chính trị Mỹ”.
Đó là đức tính vị tha, tinh thần hòa giải, dựa trên sự thấu hiểu không mù quáng và ích kỷ nhỏ nhen.
Điều cuối cùng, đó là dù bà Setsuko cũng như tổ chức ICAN vô cùng nỗ lực, thì bóng đen hạt nhân vẫn bao phủ toàn thế giới. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến giải thưởng mà bà được nhận.
Bài học rút ra ở đây là. Nếu chúng ta giữ cho mình một mục tiêu, một sứ mệnh nhân văn và cao đẹp, quyết tâm làm những việc mà chúng ta thấy xứng đáng phải làm.
Thì mộ phần của bất cứ ai cũng sẽ lấp lánh hào quang.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long